Tôi quen anh năm 33 tuổi, đã rời khỏi cuộc hôn nhân không hạnh phúc với người chồng cũ. Tôi sống tự lập, năng động, có một con gái 8 tuổi dễ thương, có công việc ổn định và thu nhập khá. Anh đến với tôi như trò đùa oái oăm của số phận, người đàn ông 34 tuổi chưa lập gia đình, có 10 năm sống ở châu Âu, có tài sản, công việc và lối sống văn minh, điềm tĩnh.
Anh chọn tôi giữa hàng tá những cô gái trẻ mà khi anh về Việt Nam họ hàng, bạn bè...thi nhau giới thiệu cho anh. Chính vì thế mà tôi, ngay từ những phút đầu tiên, đã không được những người bên anh yêu quý. Tôi cũng đã từng nói lời chia tay, vì lòng tự trọng bị tổn thương, nhưng sự quyết tâm và tình yêu thương của anh với mẹ con tôi đã làm tôi mềm lòng đi tiếp.
Tôi mặc áo cưới trong hôn lễ linh đình nhưng đầy những tiếng bấc tiếng chì, những cái nhìn soi mói. Tưởng như cuộc sống sẽ êm ả trôi qua khi chúng tôi ở riêng và chờ đón đứa con trai yêu dấu. Có ngờ đâu bão tố chỉ mới bắt đầu...
Tôi mang thai được 8 tuần thì bắt đầu bị dọa sảy, đi khám bác sĩ bảo "Rau tiền đạo", cơn ác mộng với phụ nữ mang thai, khiến tôi luôn đối diện với nguy cơ mất con và mất mạng. Những trận ra máu triền miên khủng khiếp khiến tôi kiệt quệ cả thể xác lẫn tinh thần, nhiều đêm choàng tỉnh giữa cơn ác mộng khi tưởng sinh linh bé bỏng ấy đã rời bỏ mình trong vũng máu, tôi khóc nức nở như đứa trẻ trong vòng tay vỗ về của chồng, rồi lại cố gượng động viên mình cố gắng để giữ con.
Tám tháng kinh hoàng trôi qua rồi đến ngày bác sĩ chỉ định mổ, vì nếu để cố sẽ nguy hiểm đến tính mạng cả mẹ lẫn con. Vì mổ cấp cứu nên phải gây mê toàn phần, khi tỉnh lại tôi thấy mình nằm trong căn phòng trắng toát, vắng lạnh, không đủ sức để kêu gọi nên tôi cứ nằm đó trong nỗi sợ hãi tột cùng, chẳng biết mình còn sống hay đã chết, con trai liệu có an toàn? Và nước mắt cứ thế tuôn trong cơn hoảng loạn.
Rất lâu sau y tá vào và biết tôi đã tỉnh, nói tôi mất máu nhiều nên phải nằm phòng hồi sức thêm 4 tiếng, con khỏe mạnh bình thường cứ yên tâm, tôi cảm thấy mọi đau đớn gian nan 8 tháng qua đã được đáp đền, niềm hạnh phúc vỡ òa khiến tôi như sống lại.
Rồi đến tối chồng tôi đón vợ xuống phòng hậu phẫu. Anh chăm sóc tôi tận tình, luôn mỉm cười và vuốt má tôi, nói: "Em giỏi lắm", khi tôi hỏi con đâu thì anh nói vì tôi yếu quá chưa thể dậy được nên gửi trên phòng nhi để các cô chăm sóc ít ngày.
Hai ngày, ba ngày, rồi bốn ngày, các em bé khác sinh sau con tôi đều lần lượt được y tá bồng xuống trao cho mẹ. Nhưng con tôi vẫn chưa xuống. Nhìn các mẹ cùng phòng mừng rỡ đón con mà ruột tôi nóng như lửa đốt. Tám tháng mang thai kinh hoàng còn nguyên trong tâm trí, tôi bắt đầu sợ con tôi không còn.
Tôi tra hỏi chồng, người nhà, y bác sỹ...mọi người đều nói con khỏe, vì tôi mệt nên muốn tôi nghỉ ngơi ít ngày rồi sẽ cho con xuống. Nhưng tôi không tin, tôi nghi mọi người có gì giấu giếm, tôi bắt đầu để ý nụ cười gượng gạo và khóe mắt hoe hoe của chồng tôi. Nhưng anh vẫn nói như cũ, nên tôi chỉ biết bặm môi chịu đau để gượng dậy tập đi, cố gắng ăn uống cho mau lại sức. Rồi đến ngày thứ 6 tôi cương quyết đòi gặp con, nói em khỏe rồi, ngực đã có sữa, phải cho con xuống để bú mẹ lấy kháng sinh. Chồng tôi né tránh nhìn tôi, bảo: "Để chiều anh nói chị H. (chị cả tôi) dẫn em đi".
Lát sau chị tôi vào, chị nhìn tôi rớm lệ rồi nói: Em bé hơi thiệt thòi không được như con người ta, nhưng chị muốn dù có thế nào em cũng phải kiên cường mà đối mặt. Bác sỹ nói nếu em vững vàng thì 2h chiều lên phòng Nhi gặp con.
Tôi nhìn chị ấy, thấy vẻ khó khăn trong mắt chị, cố cắn răng kìm cơn đau buốt trong lồng ngực, tôi không hề hỏi một câu xem "thiệt thòi" là cụ thể thế nào. Chỉ lặng lẽ nói: "Được, 2h mình đi".
Từ lúc ấy tôi giữ vẻ mặt bình tĩnh, ăn hết suất cơm trưa với một cố gắng phi thường. Không hỏi một câu, chỉ thầm cầu nguyện trong lòng: Xin trời phật thương xót con con, xin cho những vấn đề của con con có thể giải quyết bằng tiền, con sẽ không tiếc bất cứ điều gì, cho dù tán gia bại sản cũng sẽ làm.
Bác sĩ nhi đón tôi ở phòng ngoài, hỏi tôi đã khỏe chưa, tâm lý có ổn định không, vì con tôi có một chút khuyết tật, nên chồng tôi muốn tôi bình phục rồi mới nói ra. Tôi điềm tĩnh nhìn chị, nói :"Em ổn, có gì chị cứ nói cho em biết"
Chị ái ngại nhìn tôi, nói nhỏ: "Cháu nó bị thiếu một bàn tay".
Đầu tôi giật lên như bị ai phang một búa, tôi ngơ ngác nhìn chị, không thể nào, mỗi tháng tôi đều siêu âm 4 chiều ở nhà bác sĩ viện trưởng, ổng luôn nói con tôi bình thường, chỉ yếu và có nguy cơ ra sớm vì chứng rau tiền đạo...
Thấy vẻ mặt choáng váng của tôi, chị vội nắm tay tôi hỏi: "Em có sao không?"
Tôi trả lời như trong mơ: "Em không sao, là tay trái hay tay phải hả chị?"
"Là tay trái, cũng còn may em ạ, và con trai nên cũng đỡ hơn con gái nữa".
Tôi muốn cười lên chua chát, may ư, đó là con tôi, đứa con trai kết tinh của tình yêu sâu sắc của đời tôi... Bác sĩ hỏi: "Em có muốn gặp cháu bây giờ không?", tôi vội vã nói: "Có chứ, chị cho em đón cháu".
Đưa tay đỡ con đang thiêm thiếp ngủ, cái khóe miệng giống y như bố nó, tôi run rẩy vén tấm chăn quấn tay nó, cẳng tay trái bé xíu, tròn xoe không có bàn tay, tôi bật òa lên khóc: "Con ơi, mẹ xin lỗi, mẹ xin lỗi con"...
Bác sĩ nói nên để con lại đây rồi mỗi ngày tôi lên cho bú, chị sợ xuống phòng chung nhiều người nhòm ngó hỏi han tôi sẽ đau lòng, nhưng tôi vẫn quyết bồng luôn con xuống, nó sinh thiếu tháng, đã bé bỏng yếu ớt hơn đứa khác, tôi sao có thể để nó xa cách tôi thêm nữa.
Tôi ở viện thêm 10 ngày, trong thời gian ấy tôi vui vẻ chăm con, không một giọt lệ, không một lời than, cũng may trời lạnh nên con luôn quấn kỹ, người cùng phòng hay người vào thăm đều không ai biết gì.
Xuất viện về nhà, tôi bồng con lên phòng khóa cửa, khóc như điên dại cho bõ 10 ngày câm nín, và tôi thề với lòng mình chỉ khóc một lần này thôi, rồi từ đây sẽ mạnh mẽ mà nuôi con khôn lớn, con sẽ lớn lên với nụ cười chứ không phải nước mắt của mẹ đâu con.
Nhưng than ôi, tôi đâu chỉ có đối diện với con tôi, với nỗi đau xé ruột của tôi. Mẹ chồng tôi sang thăm, và bắt đầu khóc lóc, than thở ước ao: "Khổ thân con tôi, cháu tôi, tôi đã làm gì để con cháu tôi khổ thế này, giá mà bà đổi được tay này cho cháu thì bà cũng đổi ngay, giá bà què cụt mà cháu lành lặn thì bà cũng cam lòng"...
Rồi họ hàng bên chồng sang thăm, ai cũng hỏi han đầy vẻ xót xa thương cảm, không hề nghĩ rằng mỗi câu than thở xót xa ấy là những lưỡi dao bén ngót cứa vào trái tim tôi.
Mẹ chồng tôi là người yếu đuối, nặng tình cảm, bố chồng tôi mất sớm, nên con cái với bà là tất cả, bà lại vô cùng yêu thương con trai út là chồng tôi. Con trai tôi là đứa cháu đích tôn bà chờ đợi đã bao năm, nên khi thấy nó như vậy bà gần như suy sụp, lần nào sang bà cũng khóc, thương con trai đã muộn màng lại còn đẻ ra đứa con khuyết tật.
Và rồi bà cứ nghĩ quẩn quanh tìm nơi đổ lỗi, bà nói với người nọ người kia, rồi hỏi thẳng tôi, ý là có phải lúc chửa tôi đã làm gì sai, hay tại tôi lớn tuổi, tại tôi yếu ra máu nhiều... nên con tôi bị thế? Và tại tôi nên con trai bà, cháu bà mới khổ thế này, chứ nếu lấy đứa trẻ trung khỏe mạnh hơn thì đã không như thế.
Hỡi ôi, có những lời nói đôi khi còn giết người nhanh hơn đao kiếm. Lúc ấy tôi đã kiệt quệ cả thân xác lẫn tinh thần sau thai kỳ gian khổ, mổ cấp cứu và cú sốc khi thấy con, tôi cứ vừa cố gắng động viên mình mạnh mẽ gượng lên được một chút thì những tiếng bấc tiếng chì lại như tảng đá ngàn cân dìm tôi xuống.
Tôi không thể đôi co với bà nên dần dần tôi chìm vào trạng thái trầm cảm, gần như tâm thần phân liệt, trong tôi như tồn tại hai con người, vừa cam chịu vừa dữ dội. Khi có mặt người khác, tôi im lặng chăm sóc con, tươi cười giải thích khi được hỏi han, im lặng nhận những lời động viên kiểu: "Thôi thì đủ đầu đủ đuôi nuôi lâu cũng lớn"...
Và khi chỉ còn một mình với con thì lòng tôi tràn ngập uất ức hận thù, tôi muốn tung hê tất cả cái vỏ bọc giả tạo này, muốn được yên lành nuôi con khôn lớn, con tôi đẻ ra chỉ có vậy thôi, nếu cảm thấy nó không xứng đáng thì cứ việc tìm người khác, tôi sẽ đem con đi thật xa, nuôi dạy con thật tốt, thật giỏi giang để đời này không phải làm cho ai đau xót hay xấu hổ...
Và trong trạng thái sống vật vờ như thế, tôi bắt đầu lên kế hoạch bỏ đi, tôi tính toán những việc sẽ phải làm để ổn định cuộc sống của ba mẹ con sau này, tôi chỉ chờ cho con cứng cáp một chút là sẽ ra đi.
Chồng tôi không hề biết trạng thái phân lập của tôi, anh quá bận và mệt mỏi, suốt một tháng ròng ngày đi làm, đêm lên viện trông vợ, cũng đã gầy hốc hác đi. Về nhà cũng vừa phải chu toàn công việc vừa tranh thủ chợ búa cơm nước giặt giũ. Tuy nhiên anh cũng cảm thấy có điều bất ổn dù tôi cố giấu.
Rồi đỉnh điểm là một ngày anh đi làm, mẹ chồng tôi dẫn bạn gái cũ của anh sang thăm tôi, cô gái này là người yêu đầu của anh, rất gắn bó với gia đình anh và được lòng mẹ anh, sau khi anh đi nước ngoài thì họ chia tay nhau, trước khi cô ấy lấy chồng còn đến khóc lóc rằng không có duyên làm con dâu thì xin được làm con gái, mỗi năm đến Tết và ngày giỗ bố chồng tôi cổ vẫn sang dọn dẹp, lo toan như con cái trong nhà.
Hôm ấy mẹ chồng tôi dẫn cô lên thăm con tôi một lát rồi xuống nhà khóc lóc, than vãn, rằng số nó khổ, đã lấy đứa lỡ dở chồng nọ con kia giờ đẻ đứa con lại bị như thế, rõ ông trời oái oăm, nếu ngày xưa nó không đi thì giờ chúng mày cũng mấy mặt con rồi...
Tôi ngồi chết lặng trên phòng, ôm con trong tay mà lửa giận ngùn ngụt trong tim. Được lắm, dù sao tôi cũng không được yêu quý như con, con tôi lại khuyết tật, vậy thì đời này đừng ai mơ chạm vào con tôi lần nữa.
Nhưng ông trời thương tôi, thương gia đình bé nhỏ đang lay lắt giữa bão tố của tôi. Cũng chiều hôm ấy một cô hàng xóm nhà mẹ đẻ tôi đến thăm, con cô ấy đẻ cùng ngày với tôi trong viện.
Khi nói chuyện cô vui mồm kể: "Chồng mày là đứa tốt đấy, hôm mày mổ đẻ chưa tỉnh tao gặp nó đứng úp mặt vào hành lang khóc vụng, vai nó rung bần bật trông tội đến nỗi tao không dám hỏi. Vậy mà tối lúc đón mày xuống nó đã tươi cười như không, cả tháng ở viện với vợ không bỏ một đêm, đàn ông như vậy bây giờ hiếm lắm con ạ, mày đi bước nữa mà gặp đứa tình cảm như vậy là phúc bảy mươi đời ra đấy".
Tôi ngồi nghe mà như tỉnh cơn mê muội, tôi cứ đắm chìm trong nỗi đau đớn của mình mà quên rằng anh ấy cũng đau như thế, mà vì là đàn ông nên phải nuốt nước mắt vào trong, phải cố tươi cười để tỏ ra mạnh mẽ.
Và tôi, người vợ anh đã chọn lựa và hết lòng thương yêu, bảo vệ, lại đang rắp tâm đâm vào tim anh một nhát dao chí mạng, ôi điều gì đang xảy ra với tôi, tôi đã biến thành cái thứ quái đản gì đây?
Và cả buổi chiều tôi cứ thế khóc như điên dại mà không biết anh về, anh hoảng hốt khi thấy tôi như thế và hỏi việc gì. Tôi vừa khóc vừa trút lên anh tất cả những uất ức bao ngày, đại ý là: "Gia đình em không có ai di truyền khuyết tật, em đã sinh con một lần rất khỏe mạnh bình thường, chính anh mới là người chưa có con bao giờ, con bị như thế người đau nhất chính là em đây chứ không ai khác, vậy mà còn đổ lên đầu em đủ những giày vò. Nếu đặt địa vị anh, của đau con xót ai cũng như nhau, bố mẹ anh chị của em cũng nghĩ thương con thương cháu mà đổ tội cho anh, nói rằng tại anh mà con cháu mình khổ thế... thì cảm giác của anh sẽ ra sao?".
Anh ngồi yên để cho tôi khóc chán thì thôi, sau đó mới nhẹ nhàng nói: "Mỗi người có sức chịu đựng khác nhau, bà già rồi, sức chịu đựng không tốt bằng em. Anh lại lấy vợ sinh con muộn, bà càng kỳ vọng bao nhiêu thì lại càng dễ đổ vỡ bấy nhiêu. Thôi thì em trẻ hơn, học hành nhiều hơn, văn minh hơn, sức chịu đựng sẽ tốt hơn bà, bà cũng vì thương con cháu quá mà ra thế, coi như em hãy vì anh mà cho bà chút thời gian để vượt qua".
Tôi nói được ra thì tâm trạng cũng giải tỏa được nhiều, lại nhìn con gái tôi, suốt một năm nay tôi ốm yếu mình anh chăm sóc đưa đón nó, tối dạy nó học, nhắc nhở nó ăn ngủ đúng giờ. Tôi thấy mình sẽ có lỗi với hai con khi muốn tước của chúng nó một người cha như thế.
Và điều quan trọng nhất là, anh đã có thể vì tôi mà yêu thương một đứa trẻ không phải con mình, đứa trẻ là bằng chứng cho việc tôi đã từng sống với người đàn ông khác, mà không chút hờn ghen... Thì lẽ nào tôi không thể vì anh mà yêu thương một người không phải mẹ mình?
Và tôi đã vượt qua hố sâu cay đắng từ ngày ấy, sợi dây yêu thương đã kéo tôi về lại với gia đình, để chiến thắng căn bệnh trầm cảm sau sinh và hội chứng tâm thần phân liệt.
Tôi đã biết nhìn nỗi đau của mẹ chồng với sự thương xót, bao dung, vì tôi đã hiểu bà cũng đau như tôi - nỗi đau người mẹ. Và mẹ con tôi đã từ từ đến gần nhau trong sự yêu thương và đồng cảm lớn dần.
Giờ con trai tôi đã 10 tuổi, rất đẹp trai, khéo léo, thông minh, tự lập, tình cảm, quan hệ của tôi với gia đình nhà chồng đã cải thiện toàn bộ, mẹ chồng tôi và các anh chị đều rất thương yêu và tự hào về mẹ con tôi, đặc biệt là mẹ, luôn luôn khoe với mọi người "con dâu út đảm đang, hiểu biết", tôi thấy mình vô cùng may mắn khi có được ngày hôm nay, sự dũng cảm ngày ấy đã cứu cả ba mẹ con tôi, giữ cho hai con tôi một người bố tuyệt vời, giữ cho tôi người chồng yêu thương mình suốt 10 năm không thay đổi.
Trên đường đời bất kỳ ai cũng có những hố sâu tuyệt vọng, lúc ngã xuống thì ai cũng như nhau, chỉ khác nhau là ở cách trèo lên và đi tiếp. Bài học đau thương ngày ấy đã không hề vô ích, tôi đã biết nhìn vào những điều tốt đẹp của cuộc đời, để tình yêu thương dẫn dắt trái tim.
Chúng ta ai cũng chỉ có một cuộc đời duy nhất, có duyên làm người nhà với nhau cũng chỉ một kiếp này thôi, vậy hãy sống với nhau bằng tình yêu thương lớn nhất, để gia đình mãi mãi là nơi nương náu bình yên.
Thu Hương