Ngôi nhà trưng bày những kỷ vật chiến tranh của lão cựu binh Vũ Đình Lưu (70 tuổi) ở ngõ 9/17 đường Đặng Việt Châu (phường Cửa Bắc, TP Nam Định, tỉnh Nam Định chỉ vỏn vẹn 40m2 nhưng ngày càng nhiều bước chân của các đoàn thăm quan trong nước và quốc tế lui tới bởi nơi đây đang lưu giữ hàng nghìn kỷ vật của thời chiến.
Bảo tàng kỷ vật chiến tranh có diện tích khoảng 40m2.
Dẫn khách tham quan bảo tàng, ông Lưu kể, tháng 5/1969, vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp trường Đại học Bách khoa, ông được xét duyệt về công tác tại cục Quân y nhưng một mực xin ra mặt trận. 5 năm chiến đấu ác liệt cùng đồng đội trong 3 chiến dịch ở Quảng Trị, Tây Nguyên và Lào thì đến năm 1974 ông phải trở về quê hương với thương tật 2/4. Sau khi suất ngũ, ông đi học ở Liên Xô rồi tiếp tục theo học trường Đảng chính trị Nguyễn Ái Quốc, chuyển sang công tác tại Liên hiệp Nông – Công nghiệp rau quả Quảng Nam – Đà Nẵng được 9 năm thì đến năm 1991 ông làm giám đốc công ty xuất nhập khẩu Nam Hà cho tới năm 2002 thì về hưu.
Cuối tháng 4/2007 tình cờ trong một chuyến đi cùng đồng đội cũ vào thăm lại chiến trường xưa ở Quảng Trị. Chứng kiến đồng đội rưng rưng khóc khi hồi tưởng lại một thời bom đạn ác liệt, có những đồng đội mãi mãi ra đi không ngày trở về, thấy những kỷ vật mà những đồng đội đã hy sinh để lại, ông đã cảm thấy lòng mình nặng trĩu trước tình cảm chân thành của người lính.
Ông kể: “Chứng kiến cảnh nhiều kỷ vật bị nhặt bán phế liệu, rồi nhiều kỷ vật cũng hư hỏng theo thời gian, suốt dọc đường đi về tôi luôn trăn trở và muốn thực hiện cuộc tìm kiếm những kỷ vật chiến tranh. Tôi cũng đã thăm quan nhiều bảo tàng nhưng đa phần đều chung 1 đặc điểm: chủ yếu trưng bày những hiện vật có tầm vóc lớn, những vũ khí chiến đấu, còn những đồ vật bình dị gắn bó với cuộc sống, sinh hoạt nơi chiến trường của người lính chưa nhiều”.
Dụng cụ y tế, cứu chữa bệnh.
Từ ý tưởng đó, trước sự động viên của đồng đội, ông Vũ Đình Lưu đã bước vào hành trình dài tìm kiếm kỷ vật chiến tranh của mình. Trên chiếc xe máy cà tàng người cựu binh Vũ Đình Lưu bắt đầu rong ruổi khắp các tỉnh, thành từ miền Tây Bắc xa xôi đến dải đất miền Trung máu lửa, ngày đi, đêm nghỉ nhờ nhà dân hay tá túc ở những ngôi chùa ven đường. Cứ nghe người dân nói ở đâu có những kỷ vật chiến tranh thì ông lại đến tận nơi xin lại để tiện bảo tồn.
Ông tâm sự: “Mỗi chuyến đi đều gắn với một kỷ niệm khó quên. Nhớ lần vào huyện Con Cuông (tỉnh Nghệ An), do không quen đường lại gặp hôm trời mưa nên tôi bị mắc kẹt trong bản gần 1 tuần, phải ở nhờ nhà dân nhưng lần đi đó có rất nhiều người dân hiểu và đã trao tặng tôi nhiều kỷ vật của đồng đội nên tôi không thấy nản trí nữa”.
Hành trình đi tìm kỷ vật chiến tranh đã mang lại cho ông nhiều điều bất ngờ, có thêm nhiều người bạn tâm giao, ông cũng lôi cuốn thêm nhiều người cùng tham gia vào công việc của mình. Chỉ vào chiếc ba lô bằng vải ông nhớ lại: “Vào một buổi trưa nắng nóng, khi tôi đang cố vượt lên dốc Bò ở huyện Như Xuân (Thanh Hóa) thì đúng lúc xe bị thủng xăm, đang loay hoay không biết làm cách nào để đi được vì ở đây là bản nghèo thì một đồng chí cán bộ địa phương đi qua giúp vá xe hộ. Biết tôi đi tìm liền mời về nhà rồi tặng lại những kỷ vật thời cha ông để lại, từ đó khi ai có kỷ vật gì tặng lại thì đồng chí ấy lại gọi tôi vào để lấy”.
Hay: “Có lần vào Hà Giang thì xe hết xăng nhưng nếu quay ra chỗ có xăng thì mất 64 km, trời bắt đầu xuống núi thì gặp một anh xe ôm giúp đỡ nhường lại cho 1 lít xăng ra đến đường cái thì hết, cũng may là dắt 5 km nữa là có xăng. Lúc đấy tôi thấy sung sướng vô cùng, vừa mệt, vừa đói lả nhưng sau lần đi đó đã có rất nhiều kỷ vật được tôi đưa về cất giữ và lau chùi cẩn thận”.
Nhiều kỷ vật phải rất vất vả ông mới tìm lại được: “Có người bảo tôi nhà có cái ca dùng để uống nước, khi đến nhà có ý định xin lại thì chủ nhà bảo vừa vứt ra xe rác chiều hôm qua, tôi liền vội đến công ty môi trường hỏi ai là người nhặt rác đoạn đường đó, rồi tìm người nhặt rác hỏi ai là người lái xe chở rác, lăn lộn trong bãi rác 2 ngày tôi mới tìm thấy lại được”.
Mỗi ngày lại có thêm một vài kỷ vật, kèm theo đó là những chặng hành trình dài và những câu chuyện cảm động về cuộc đời những đồng đội. Ban đầu, những kỷ vật được ông xếp vào cái tủ rồi dần dần xếp vào tận bếp, để kín căn phòng trên tầng 3. Hàng xóm chuyển nhà đi ông mua lại mảnh đất xây lên một căn nhà rộng khoảng 40 m2. Bảo tàng tư nhân về kỷ vật chiến tranh chính thức ra đời ngày 22-12-2007. Khi đó ông đã có trên 400 kỷ vật được trưng bày.
Mỗi kỷ vật được đưa về, ông đều nhớ và lại ghi rõ ràng, từ mảnh áo đến chiếc mũ… ông đều làm tới 3 bộ hồ sơ, một do bảo tàng giữ, một nộp sở VH–TT & DL Nam Định, một gửi Cục Di sản.
Lọ thủy tinh đựng ngôi sao hy vọng của mẹ Việt Nam anh hùng.
Hơn 6 năm đi thu thập kỷ vật chiến tranh, đến nay bảo tàng của ông đã có trên 1000 kỷ vật, trong đó được phân chia làm 3 thời kỳ là thời kỳ kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ và thời kỳ bao cấp. Điều đặc biệt ở bảo tàng của ông là mỗi kỷ vật gắn với những câu chuyện hết sức cảm động như chiếc lọ thủy tinh đựng hạt đỗ của mẹ Việt Nam anh hùng Tạ Thị Uôn ở huyện Vụ Bản (Nam Định).
Ông rưng rưng kể: “Mẹ tôi có 3 người con trai, sau khi 2 người anh hy sinh, người con trai út của mẹ đã xung phong lên đường để trả nợ nước, thù nhà. Từ ngày anh lên đường, mỗi ngày mẹ bỏ vào hũ sành 1 hạt đậu xanh để vơi đi niềm thương nhớ con và cầu mong con chiến thắng trở về. Nhưng khi chiến tranh kết thúc cũng là lúc mẹ nhận được tờ giấy báo tử thứ 3, từ đó mẹ luôn nâng niu chiếc hũ sành cho đến khi nó được đưa vào bảo tàng của tôi thì mẹ yên tâm nhắm mắt, những hạt đỗ đó không bảo quản được nên tôi bỏ những ngôi sao hy vọng như ước nguyện của mẹ lúc còn sống”.
Những kỉ vật thời chiến đều giản dị nhưng chứa đựng nhiều kỷ niệm một thời máu lửa.
Hay chiếc giáo búp đa của ông Lê Văn Hoàng ở Kim Bảng, Hà Nam. Ngày 23/8/1945 ông đã dùng chiếc giáo này cùng nhân dân vùng lên cướp chính quyền để bàn giao chính quyền cho cách mạng...
Biết được việc làm đầy ý nghĩa của ông Lưu, nhiều người đã mang kỷ vật tới tận nhà trao tặng khiến căn phòng 40m2 dường như bị quá tải. Các kỷ vật được xếp tầng tầng, lớp lớp với hàng trăm thứ: Quần áo, mũ, giày, dép, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, tem, tranh, ảnh…
Nhiều kỷ vật có người hỏi mua nhưng chủ không bán, khi gặp ông Lưu thì họ mới hiểu và trân trọng những gì ông đang làm và tìm đến tận nhà gửi tặng, có người đã tặng hàng chục kỷ vật đáng giá.
Giờ đây, khi đã bước sang tuổi thất thập mặc dù thương tật do chiến tranh để lại đôi lúc đau nhức nhưng hằng ngày ông Lưu vẫn trên chiếc xe máy cũ, một mình kiên trì, bền bỉ trên hành trình dài tìm kiếm những kỷ vật chiến tranh để nâng niu, gìn giữ.
Nói về dự định trong tương lai ông Lưu cười: “Tôi sẽ vẫn làm công việc này cho đến khi nào không còn sức lực nữa mới thôi, ngày nào còn khỏe, ngày đấy tôi còn tiếp tục công việc tìm kiếm những thứ tưởng chừng như đơn giản nhưng đằng sau đó là những kỷ niệm đáng quý của người lính”.
Một số hình ảnh về bảo tàng kỷ vật chiến tranh:
Những kỉ vật thời chiến đều được ông sắp xếp ngăn nắp.
Bếp lửa.
Hành trang người lính.
Một góc đồ dùng thời kháng chiến chống Pháp.
Điện thoại thông tin trong chiến trường Quảng Trị năm 1972.
Máy ảnh, ống nhòm thời chiến.
Cối đã, mũ và vỏ đạn pháo cối.
Chiếc giáo búp đa của ông Lê Văn Hoàng ở Kim Bảng, Hà Nam. Ông đã dùng chiếc giáo này cùng nhân dân vùng lên cướp chính quyền để bàn giao chính quyền cho cách mạng.
Hằng ngày ông Lưu đều lau, chùi nâng niu từng kỷ vật rất cẩn thận.
Xe đạp thời chiến.
Đôi guốc mộc gắn bó cả một đời người thầy.
Các mệnh giá tiền Việt Nam.
Tiểu Long - Định Nguyễn