Mới đây, hàng loạt những bảng điểm “đẹp như tranh vẽ” xuất hiện khiến không chỉ các bậc phụ huynh mà chuyên gia về giáo dục cũng phải giật mình. Nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng tất cả các học sinh đều giỏi?
Trước vấn đề này, ông Lê Khanh, GĐ Cty Giáo dục Kidstime chi nhánh Bình Thạnh đưa ra những phân tích: “Có thể nói, đa phần các ông bố bà mẹ Việt Nam thường xem con cái là tài sản quý giá nhất của mình, vì thế luôn lấy làm tự hào khi con khỏe mạnh, thông minh và giỏi giang. Hơn thế nữa, nhiều gia đình đang coi kết quả của việc học phản ánh qua bằng cấp là điều quan trọng nhất trong quá trình nuôi dạy con. Vì thế, một trong những điều thành công nhất của cha mẹ là có con học giỏi và nhiều bằng cấp, giấy khen.
Có cầu thì ắt có cung, ngành Giáo dục tiếp thu rất nhanh tâm lý háo danh, háo bằng ấy mà đặt ra những hoạt động thi đua đạt thành tích cao trong việc dạy và học để có lý do cấp bằng, thưởng giấy khen.
Lớp thi đua theo lớp, trường thi đua theo trường, học sinh thi đua đã đành, giáo viên cũng đăng ký thi đua! Có khi là do tự nguyện cũng có người là do sức ép. Đã thi thì phải có người thắng kẻ thua, nhưng với tâm lý không muốn thua chỉ muốn thắng, làm sao bây giờ? Chỉ có nước sắp xếp cho ai cũng... giỏi”.
Cũng theo ông Lê Khanh, trước kia, việc học sinh đạt điểm 10 là điều không dễ, cả lớp chỉ một em hạng nhất và cứ thế xếp hàng cho đến em đội sổ! Việc nỗ lực để giữ được thứ hạng cao, hay thăng được vài bậc là điều mà học sinh nào cũng muốn.
Thế nhưng, khi chưa có chuyện thi đua, thứ hạng và điểm số là sự phản ánh trung thực năng lực của các em học sinh. Bởi, giáo viên chẳng sợ gì mà không cho điểm số đúng với năng lực thực sự của các em. Có những vị nghiêm khắc, chưa bao giờ cho học sinh điểm 10 (hoặc 20). Từ đó sinh ra những câu chuyện cười ra nước mắt về việc sợ bố mẹ phạt mà phải giấu bài kiểm tra, tẩy xóa phiếu điểm hàng tháng của các em học sinh ngày xưa.
Nhưng ngày nay, học sinh không cần phải thế, vì bây giờ mà kiếm được những học sinh kém, học lực trung bình là chuyện khó như trước đây kiếm học sinh giỏi. Phải chăng, học sinh bây giờ giỏi hơn ngày xưa, vì thế mà đã có những bảng điểm toàn điểm 10?
Có lẽ, hầu như ai cũng thấy hậu quả của việc khoe con, khoe giấy khen – điều đó tuy đáp ứng được cái tâm lý hãnh diện về con của mỗi bậc cha mẹ, nhưng lại khiến nhiều bậc cha mẹ khác nhói lòng khi nhìn lại đứa con của mình. Họ chỉ nhìn thấy ở trẻ những điều tệ hại của một học sinh kém, lười học, làm cha mẹ xấu hổ có khi không muốn đi họp cuối năm cho con. Điều đó làm cho họ cảm thấy ganh tỵ khi đem con ra so sánh, con nhà người ta thì bằng khen đỏ tường, nhà mình thì một tờ giấy khen cũng kiếm không ra.
Từ đó, bắt đầu phát sinh nhu cầu ép học, buộc con phải học thêm, học kèm, học phụ đạo ngày đêm mà không nhìn thấy những dấu hiệu báo động về nguy cơ trầm cảm, chống đối hay suy nhược của trẻ! Ngay cả với những trẻ có nhiều bằng khen, là học sinh giỏi liên tục từ năm này qua năm khác, áp lực học tập đôi khi cũng nặng nề không kém. Đã có nhiều em không chịu nổi áp lực phải giữ bằng được danh hiệu học sinh giỏi hay xuất sắc ấy mà trở nên căng thẳng đến mức trầm cảm phải... bỏ học!
Lại cũng có những gia đình, chỉ muốn con đạt thành tích trong học tập, mà không cần quan tâm đến việc phát triển nhân cách, hay kỹ năng sống cho trẻ. Các em như những con gà công nghiệp, ngơ ngác với danh hiệu học sinh giỏi, xuất sắc nhưng lại hụt hẫng với những áp lực đến từ cuộc sống, chứ không đến từ các bài học thuộc lòng nên các em hầu như không biết đối phó, hóa giải như thế nào!