Cuộc đại biểu tình nhằm "đóng cửa Thủ đô Bangkok" của Thái Lan hiện chưa xảy ra xung đột. Tại các điểm nút giao thông, khu trung tâm thương mại và các tòa nhà cơ quan chính phủ, người biểu tình đã dựng rào chắn và lều trại. Họ chặn đường giao thông và mở thêm một số địa điểm biểu tình mới.
Một số cơ quan như: Cục quan hệ công chúng (PRD), Bộ Tài nguyên và môi trường, Cục thuế thu nhập, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Lao động bị bao vây và công chức được yêu cầu nghỉ việc. Nhiều văn phòng đã phải đóng cửa trụ sở, chuyển sang làm việc ở địa điểm dự phòng. Ủy ban bầu cử làm việc ở các tỉnh ngoại vi Bangkok.
Khoảng 150 trường học và hàng chục trường đại học ở Bangkok phải đóng cửa tạm thời.
Ngay cả ngoại trưởng Surapong Tovichakchaikul cũng phải rời khỏi nhà riêng vì cuộc biểu tình.
Báo chí Thái Lan ước tính hôm nay có khoảng 50.000 xuống đường trong chiến dịch "đóng cửa Bangkok".
Chính phủ cầm quyền đã phải triển khai 18.000 cảnh sát và các binh sĩ để đảm bảo an ninh. Tuy nhiên binh sĩ chỉ được triển khai ở một vài điểm, đặc biệt là ở khu văn phòng chính phủ nhằm trợ giúp đảm bảo trật tự và luật pháp.
Quân đội không can thiệp vào tình hình chính trị và với mục đích để cho các bên tự tìm ra các giải pháp giải quyết xung đột.
Chiến dịch đóng cửa thủ đô Bangkok lần này dự kiến sẽ kéo dài khoảng 20 ngày nhằm ngăn cản cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào ngày 2/2.
Hôm nay, Cục điều tra đặc biệt (DSI) của Thái Lan đã ra lệnh triệu tập tổng cộng 55 thủ lĩnh của Ủy ban cải cách dân chủ nhân dân (PDRC) và các nhóm khác, yêu cầu họ khai báo và thừa nhận những cáo buộc bắt nguồn từ các cuộc biểu tình chống chính phủ.
55 nhân vật sẽ bị cáo buộc hành động nổi loạn, kích động bất ổn và đẩy đất nước vào tình trạng hỗn loạn trong bạo lực.
Tuy nhiên, thủ lĩnh chiến dịch biểu tình Suthep Thaugsuban không nằm trong danh sách do ông này đã có lệnh bắt giữ trước đó.
Một số hình ảnh trong ngày đầu tiên của chiến dịch 'đóng cửa Bangkok:
C.P (Tổng hợp)