Năm nào cũng vậy, từ Rằm tháng Chạp cho đến 30 Tết, trong từng hộ gia đình, người người tất bật làm bánh, các gia đình chuyên làm bánh chưng ở xã Hoàng An lại thức trắng đêm bên những nồi bánh nghi ngút khói thơm nồng mùi gạo nếp, đỗ xanh, lá chít.
Làng bánh chưng xã Hoàng An nổi lửa quanh năm, nhưng nhộn nhịp, tấp nập nhất là vào những ngày giáp Tết. Có dịp tìm hiểu về bánh chưng Hoàng An, mới tận mắt thấy hết những nét độc đáo, tinh hoa qua từng công đoạn làm nên chiếc bánh chưng có hình dạng dài như bánh Tét."Người dân ở đây gói bánh chưng bằng lá chít nên được khách hàng ưa chuộng lắm. Tuy cầu kỳ, lại đòi hỏi phải tỷ mỉ khéo léo đôi tay, nhưng gói bằng lá chít bánh sẽ thơm, rền, ráo nước và mang hương vị đặc trưng rất riêng", bà Bùi Thị Lộc - Chủ tịch hội bánh chưng Hoàng An cho biết.
Trao đổi với một cụ già cao tuổi trong làng cụ cho hay: " Tôi về làm dâu đất này đã gần 60 năm, mẹ chồng tôi gói, tôi gói, các con tôi cũng gói...Cứ thế, cứ thế chẳng biết nghề có tự bao giờ...". Cụ cười mỏm mẻm mà tôi thấy vui.
Không giống như nhiều nơi chỉ làm bánh theo thời vụ, những dịp lễ Tết mà nơi đây các lò luộc bánh đỏ lửa quanh năm. Những nhà gói bánh chưng chuyên nghiệp ở đây có khoảng gần 40 hộ, có hẳn một "Hội bánh chưng xã Hoàng An - huyện Hiệp Hòa - tỉnh Bắc Giang"... Bình quân mỗi hộ gói khoảng 3 – 4 tạ gạo bánh/tháng; dịp lễ Tết thì phải kể trên dưới 1 tấn gạo/tháng. Bánh chưng Hoàng An ngoài được khách hàng các tỉnh đặt mua thường xuyên như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hà Nội... còn gửi đi nước ngoài như Úc, Cộng hòa Séc, Nhật...
Theo kinh nghiệm của những người làm bánh tại đây: các công đoạn cho ra đời một mẻ bánh chưng khá cầu kỳ, mỗi công đoạn lại đòi hỏi sự tinh tế, kinh nghiệm cùng bí quyết gia truyền của người thợ làm nghề,
Khác với bánh chưng các vùng khác, bánh chưng Hoàng An được gói cẩn thận bằng lá chít. Lá chít được cắt bỏ cuống và ngọn, mang về rửa sạch, xếp cẩn thận vào nồi và luộc đến khi nước sôi. Làm thế để lá được dẻo, dai và giúp bánh trắng, đẹp, thơm”.
Mỗi chiếc bánh chưng sử dụng khoảng 700g gạo nếp, 200g đỗ và một dải thịt ba chỉ nhiều mỡ. Để “ra lò” được bánh chưng thơm ngon cũng khá công phu từ chọn gạo nếp đến tạo nhân bánh.
Lá chít phải chọn lá bánh tẻ có màu xanh, không dùng lá quá già hay quá non. Cần luộc lá thật kỹ với nước sôi và thả vài hạt muối rồi rửa nhiều lần.
Gạo gói bánh là nếp cái hoa vàng, gạo phải trắng thơm hạt mẩy được ngâm nước 5 tiếng đồng hồ. Nếp thơm sau khi vo sạch trộn với ít muối, giúp bánh không ôi thiu, vị thêm đậm đà. Thịt nhân bánh phải mới, ngon thái nhỏ trộn ít hạt tiêu, đậu xanh phải chuẩn không sâu mọt, hạt nào hạt ấy đều tăm tắp, Khi gói bánh phải cần thực hiện đúng quy trình kỹ thuật: san gạo phải đều, gói bánh không được quá chặt tay làm bánh nhanh lại gạo, lỏng tay bánh sẽ nhão, cột dây lạt vừa đủ độ chặt.
Công đoạn luộc bánh cũng không kém phần quan trọng. Nên dùng củi để luộc bánh, giữ lửa đều, nước sôi liên tục. Bánh được đưa lên bếp luộc 2 lần trong thời gian khoảng từ 3 đến 4 tiếng đồng hồ rồi vớt ra, rửa sạch, sau đó dùng tay lăn với rơm nếp cho rền và dẻo hơn sau đó quấn lại, khi bánh chín thì vớt ra, không xếp chồng bánh lên nhau và lăn tròn chiếc bánh làm cho bánh dẻo, không bị cứng.
Với cách luộc bánh như vậy vừa tiết kiệm thời gian, nguyên liệu vừa không làm nhạt bánh. Bánh chưng Hoàng An đạt yêu cầu là khi bánh trắng muốt, tròn đều, mềm, nhân đỗ và thịt mỡ quyện vào nhau, hạt gạo mịn và dẻo, thơm mùi gạo nếp và đỗ xanh, đỗ bở thơm hình như miệng chén con, thịt chính tâm, hồ tiêu vừa phải.
Bánh chưng Hoàng An đã được khẳng định vị thế ưu ái và niềm tin của người tiêu dùng, không chỉ nổi tiếng trong vùng, khu vực, mà rất nhiều du khách trong và cả ngoài nước thường về đây đặt bánh, mang đi biếu, tặng như là một sản vật nức tiếng của quê hương và không thể thiếu trong những mâm cỗ ngày Tết cổ truyền của dân tộc./.
Hà Phương