Trung thu năm nay vì tình hình dịch bệnh phức tạp nên thay vì ra phố xếp hàng mua bánh thì nhiều gia đình đã quyết định tự làm bánh Trung thu để đảm bảo an toàn.
Trên mạng xã hội Facebook nhiều người đã chia sẻ thành quả của mình, ngoài kiểu tạo hình bánh truyền thống còn có những kiểu được biến tấu vô cùng lạ mắt. Trong đó phải kể đến tạo hình bánh Trung thu kỳ lân trông như đồ gốm men lục, đang nhận được nhiều sự chú ý của cộng đồng mạng.
Theo Tiền phong, chiếc bánh Trung thu hình mặt kỳ lân này là sản phẩm của Nguyễn Hồng Trang. Dịp Trung thu năm nay, Trang nảy ra ý tưởng độc, lạ biến chiếc bánh trở nên đặc biệt hơn. Cô đặt tên cho tác phẩm của mình là “bánh Trung thu gốm xanh lục Lý”. Khi chia sẻ thành phẩm do chính tay mình làm lên mạng xã hội, Hồng Trang rất bất ngờ khi nhận được phản hồi tích cực từ mọi người.
Hồng Trang cho biết: “Mình chỉ mới tiếp xúc với việc làm bánh và thực sự vui, bất ngờ khi được mọi người khen ngợi, càng vui hơn khi thấy các bạn thích thú với vẻ đẹp lịch sử như vậy”.
Nói về cảm hứng và ý tưởng sáng tạo nên hình dạng và màu sắc đặc biệt cho bánh Trung thu, Hồng Trang kể: “Mình khá ấn tượng với khuôn bánh kỳ lân, một trong những khuôn bánh mới năm nay được các bạn ưa chuộng.
Mình làm bên thời trang có một xưởng may chuyên hàng thiết kế nội địa, có lần mình làm cho một khách hàng có yêu cầu về sắc xanh, mình tìm hiểu được màu gốm xanh lục thời Lý gần như là bước đột phá vào thời kỳ đó và mình cực kỳ thích sắc xanh này. Mình thấy sự kết hợp này rất hợp lý bởi họa tiết kỳ lân cùng màu xanh lục thời Lý thể hiện được trọn vẹn nét đẹp cổ xưa".
Để tạo được màu xanh lục này, bước đầu Hồng Trang dùng màu xanh thực phẩm để pha. Một rắc rối nhỏ khi làm màu xanh này là bị ảnh hưởng bởi màu nền của bột mì và nước đường bánh nướng nên khó lên màu như mong muốn. Ở công đoạn này có thể thay thế bằng syrup đường nhưng sẽ không giữ được hương vị chuẩn của bánh nướng truyền thống.
Về các đường rạn men gốm, Trang tăng nhiệt và rạch vài đường mảnh để tạo các vết nứt, sau đó hạ nhiệt bình thường để bánh chín. Cuối cùng dùng trứng sữa phết phủ bánh khi vừa nướng ra để tạo các vết rạn li ti như rạn men gốm và phủ nhiều layer hơn ở các phần góc để giả cổ.
Theo Hồng Trang, công đoạn lên màu là phần khó nhất khi làm bánh. Trang mất gần 5 tiếng để hoàn thành vì tốn thời gian thử nghiệm nhiều lần để tìm được màu ưng ý nhất.
Ngoài ra, thời gian qua nhiều người cũng khá thích thú với sáng tạo độc đáo vẽ tranh Đông Hồ lên bánh Trung thu. Được biết, tác giả của những sản phẩm này là Nguyễn Thuỳ Dương (26 tuổi ở quận Đống Đa, Hà Nội).
Theo báo điện tử Kinh tế & Đô thị, Thuỳ Dương cho biết bản thân từng là một nhân viên ngân hàng nhưng lại có niềm đam mê đặc biệt với việc làm bánh. Niềm yêu thích đặc biệt này nhen nhóm từ những năm còn là sinh viên.
Đặc biệt, trong thời gian nghỉ dịch ở nhà, Thuỳ Dương đã tự tay làm bánh Trung thu có vỏ ngoài là những bức tranh vẽ tay trên nền đậu xanh. Sau này cô đã thử sức những kiểu trang trí khó hơn như vẽ tranh dân gian như Đông Hồ hoặc các bức tranh thể hiện rõ bản sắc văn hóa Việt.
“Trên thị trường đã có những kiểu bánh nướng, bánh dẻo có hoa văn dập khuôn khá nhàm chán. Tận dụng một ít năng khiếu vẽ vời, tôi đã thử vẽ tranh trên mẻ bánh Trung thu năm nay" - Thuỳ Dương chia sẻ.
Được biết, để có thể tạo nên một chiếc bánh Trung thu độc đáo, Thuỳ Dương đã sử dụng 1 chiếc bánh nướng hoàn chỉnh sau đó sẽ phủ thêm một lớp đậu bên ngoài mặt bánh rồi bắt đầu vào công đoạn "khoác áo mới" cho chiếc bánh. Tác giả sử dụng màu thực phẩm để vẽ lên bánh, đây là những loại màu được phép sử dụng để đảm bảo an toàn cho sức khoẻ người dùng.
Cũng theo Thuỳ Dương chia sẻ, để có được một tác phẩm đẹp thì yêu cầu người làm cần có kinh nghiệm pha màu chuẩn cũng như làm chủ được lực bút để mặt bánh không bị xước. Thời gian hoàn thành một chiếc bánh đơn giản sẽ mất khoảng 5 đến 10 phút, nhưng có những sản phẩm yêu cầu sự cầu kì và phức tạp cũng có thể mất cả tiếng đồng hồ.
Quốc Tiệp (t/h)