Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ, áp thấp nhiệt đới hiện di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km và có khả năng mạnh lên thành bão.
Bão số 12 (phía trên bên trái) chưa tan thì bão Haiyan đang tiến nhanh về biển Đông. Trước bão Haiyan lại có áp thấp nhiệt đới sắp vào biển Đông - Ảnh: Cơ quan khí tượng Nhật Bản
Dự báo sáng mai 5/11, bão cách đảo Palaoan (Philippines) khoảng 80km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74 km/giờ), giật cấp 9-10. Tiếp theo bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 km và còn tiếp tục mạnh thêm.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới sau mạnh lên thành bão, từ ngày mai 5/11, vùng biển phía Đông Nam biển Đông, bao gồm cả vùng biển phía Đông quần đảo Trường Sa, có gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh.
Phía sau áp thấp nhiệt đới này (khoảng 1.300km) có một cơn bão khác có tên quốc tế là Haiyan (tên do Trung Quốc đề xuất). Bão Haiyan hiện ở vào khoảng 6,2 độ vĩ bắc, 151,2 độ kinh đông. Bão di chuyển khá nhanh với tốc độ 30km/giờ, gây ra gió mạnh cấp 8, giật cấp 9-10 và được dự báo sẽ còn tiếp tục mạnh thêm.
Sơ đồ dự báo hướng đi bão số 12 và áp thấp mới - Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương.
Trên ảnh mây vệ tinh các trang dự báo quốc tế, hình ảnh bão Haiyan giống như đang rượt đuổi áp thấp nhiệt đới vào khu vực Đông Nam biển Đông. Cả áp thấp nhiệt đới và bão Haiyan được dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quần đảo Trường Sa và trực tiếp đến khu vực nam trung bộ và Đông Nam bộ nước ta trong những ngày tới.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TƯ nhận định áp thấp nhiệt đới và bão Haiyan có tốc độ di chuyển nhanh, hướng đi phức tạp, cần theo dõi thường xuyên.
Nếu áp thấp nhiệt đới mạnh thành bão, đây sẽ là cơn bão số 13 và bão Haiyan là cơn bão số 14 khi vào biển Đông. Theo ông Lê Thanh Hải - phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, nếu đúng như nhận định trên thì mùa bão năm 2013 có số lượng bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông vượt kỷ lục năm 1964 (năm có tới 16 cơn bão và áp thấp nhiệt đới). Đây là điều hiếm gặp trong vòng 49 năm qua.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ, lúc 13h ngày 4/11, vị trí tâm bão số 12 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 150km về phía bắc tây bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74 km/giờ), giật cấp 9, cấp 10. Dự báo trong 24h tới, bão di chuyển theo hướng Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 30km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp, rồi đi vào đất liền các tỉnh Đà Nẵng - Bình Định. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển quần đảo Hoàng Sa đêm nay 4-11 còn có gió mạnh cấp 6, vùng gần tâm bão đi qua cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động mạnh. Vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định và bắc Tây Nguyên có mưa vừa, có nơi mưa to. Ngoài ra, do ảnh hưởng kết hợp với hoạt động của không khí lạnh nên ở Vịnh Bắc Bộ, có gió đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8. Biển động. |
Vy Vy (Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương)