Đánh giá đề thi môn Địa lý năm nay, thầy Nguyễn Chí Tuấn, giáo viên Địa lý trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý, quận 7, TP.HCM nói: “Theo đánh giá chung, đề thi năm nay bám sát đề thi minh họa của bộ GD&ĐT đã công bố với cấu trúc giống nhau”.
"Trong đó, nội dung Địa lý khu vực và quốc gia của lớp 11 đều tập trung vào Đông Nam Á. Còn Địa lý Việt Nam, các câu hỏi rải đều các chương, từ Địa lý tự nhiên, Địa lý dân cư và Địa lý kinh tế vùng. Các câu hỏi kỹ năng cũng có số lượng tương đương đề năm ngoái và đề minh họa. Có 4 câu hỏi về biểu đồ, bảng số liệu và 11 câu yêu cầu thí sinh vận dụng Atlat", thầy Tuấn nhận xét.
Giáo viên này còn đánh giá: "Nếu thí sinh ôn bài kỹ, sử dụng Atlat thành thạo thì rất thuận lợi. Thí sinh dễ dàng đạt điểm 7 trở lên, học tốt có thể đạt từ 8 – 9 điểm. Số học sinh đạt điểm 10 cũng có thể tăng. Với những thí sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp cũng đa phần sẽ đạt điểm 5. Nhìn chung, đề thi rõ ràng và phân chia hợp lý, quen thuộc với học sinh. Thí sinh không học gì cũng dễ đạt điểm 5. Phổ điểm sẽ khá cao".
"So với năm ngoái, cấu trúc và nội dung của đề thi năm nay không có biến động. Các câu hỏi nội dung vùng, ngành chiếm tỉ lệ lớn, khoảng 4 điểm. Địa lý tự nhiên có 4 câu và dân cư có 2 câu. Về câu hỏi kỹ năng, nội dung rất đơn giản, thậm chí bảng số liệu nếu không sử dụng máy tính vẫn làm được vì số liệu nhỏ, có thể tính tay", thầy Nguyễn Chí Tuấn khẳng định.
Thí sinh Phạm Nguyễn Minh Hoàng tại điểm thi trường THPT Võ Thị Sáu, quận Bình Thạnh, TP.HCM chia sẻ: “Em thi mã đề 320, trong đó đề Lịch sử có kiến thức nằm ở cả lớp 11. Do em tập trung ôn lớp 12 nên những câu lớp 11 này em không chắc chắn lắm. Riêng câu hỏi Địa lý, thí sinh không phải tính toán nhiều mà khai thác triệt để những nội dung trong Atlat Địa lý”.
Ghi nhận tại điểm thi trường THPT Phú Nhuận, quận Phú Nhuận cho thấy có nhiều thí sính ra sớm, tâm trạng phấn khởi, thoải mái vì làm được bài thi. Thí sinh tự do Trọng Đạt cho biết, đề Lịch sử và Địa lý có 40 câu, trong đó có khoảng 5 câu tương đối khó, nhằm phân loại thí sinh. “Đề Địa lý nhìn chung dễ, điểm phổ biến có thể đạt từ 6-7 điểm. Với đề Sử và Địa thì em làm cũng được từ 70-75% của đề. Trong phòng nhìn chung các thí sinh khác cũng làm được bài”, Trọng Đạt nói.
Nhiều thí sinh khác cũng cho biết, trong 3 môn tổ hợp Khoa học xã hội sáng nay, môn Địa là “dễ thở” nhất. Đề Lịch sử, Địa lý nhìn chung bám sát chương trình sách giáo khoa, có tính phân loại thí sinh.
“Riêng môn Địa lý bọn em được sử dụng Atlat nên có thể tư duy để có được đáp án đúng cho các câu hỏi. Em nghĩ 2 môn này em đều đạt trên 7 điểm”, thí sinh Nguyễn Thái Hùng, trường THPT Phú Nhuận cho biết.