Báo cáo KT-XH 10 trang, vì sao chỉ dành nửa trang cho vấn đề xã hội?

Báo cáo KT-XH 10 trang, vì sao chỉ dành nửa trang cho vấn đề xã hội?

Dương Thị Thu

Dương Thị Thu

Thứ 2, 15/05/2017 19:17

"Ví dụ báo cáo 10 trang chỉ dành nửa trang hoặc 1 trang cho các vấn đề xã hội là vì lý do gì để lần sau Thường vụ Quốc hội không đóng góp ý kiến nữa", Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nói.

Cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2016; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2017 tại Phiên họp thứ 10, ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/5, các thành viên ủy ban Thường vụ đã có những ý kiến thẳng thắn, xác đáng. Trong đó, nhiều ý kiến của các thành viên ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần thiết làm rõ hơn các vấn đề xã hội như y tế, giáo dục, quốc phòng, an ninh... trong các báo cáo.

Xã hội - Báo cáo KT-XH 10 trang, vì sao chỉ dành nửa trang cho vấn đề xã hội?

 Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng tại một phiên họp. (Ảnh: Quochoi.vn)

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu ý kiến hoan nghênh báo cáo của Chính phủ cũng như các báo cáo thẩm tra. “Tôi đánh giá cao công tác điều hành của Chính phủ, đó là nội dung quan trọng đảm bảo thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kinh tế - xã hội”, Phó Chủ tịch Thường trực đánh giá.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực đề nghị Chính phủ có nhận định thêm, đánh giá thêm các lĩnh vực xã hội như y tế, giáo dục. Đây là những vấn đề đã có nhiều thành công nhưng còn không ít hạn chế, yếu kém mà dân chưa hài lòng. Ví dụ, chương trình đổi mới giáo dục còn nhiều vấn đề phải rút kinh nghiệm; y tế nói chống vượt tuyến nhưng rồi còn nhiều hạn chế, cần rút kinh nghiệm.

Xã hội - Báo cáo KT-XH 10 trang, vì sao chỉ dành nửa trang cho vấn đề xã hội? (Hình 2).

 Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại Phiên họp thứ 10.

Các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch có kết quả nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn. Việt Nam đạt kỷ lục đón 10 triệu khách quốc tế, nhưng nhiều nước dân số ít hơn Việt Nam đã đạt được lâu rồi. Đây là vấn đề cần xem lại, kể cả chiến lược phát triển, sự gắn kết của các địa phương...

“Việc làm và thu nhập của người dân là vấn đề còn nặng lòng, phải nghiên cứu. Người thất nghiệp tăng lên… Do đó, trong báo cáo đánh giá nên có mục riêng nói về vấn đề xã hội. Trong thẩm tra, nếu như các cơ quan thẩm tra, các ủy ban về lĩnh vực xã hội không nói những vấn đề này, tôi cho rằng đó là thiếu sót trước nhân dân.

Chất lượng cuộc sống của người dân đã an toàn chưa? An toàn ở đây tôi muốn nói an toàn cả trật tự xã hội, cả vệ sinh an toàn thực phẩm, nước uống, môi trường, hơi thở, cơm ăn, áo mặc… Cần đánh giá ở mảng các lĩnh vực xã hội nên có nhận định sâu sắc hơn”, Phó Chủ tịch Thường trực nhấn mạnh.

Đồng tình với việc này, Chủ nhiệm ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng: “Báo cáo về y tế, xã hội còn khiêm tốn trong báo cáo của Chính phủ, thậm chí việc thực hiện kế hoạch năm 2017 hoàn toàn không có bóng dáng của mảng y tế".

"Tôi thấy báo cáo do Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế trình bày đã tập hợp nhiều ý kiến từ phía báo cáo của ủy ban Về các vấn đề xã hội, tuy nhiên, do dung lượng của báo cáo có hạn để dành cho các vấn đề khác. Do đó, chỉ chọn các thông tin được Thường trực ủy ban đánh giá là những thông tin chính để tập hợp. Ủy ban sẽ có báo cáo gửi tất cả các ĐBQH về lĩnh vực Ủy ban phụ trách để báo cáo trong kỳ họp tới", Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh lý giải.

"Báo cáo năm nào cũng quen quen, chưa bám vào Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội năm 2016 cũng như 2017. Trong Nghị quyết nêu rất nhiều nhiệm vụ mà hoàn toàn vắng bóng ở báo cáo này, ví dụ năng suất lao động, y tế cơ sở…

Đề nghị, Chính phủ cần cải tiến báo cáo để báo cáo đúng là báo cáo về thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội từng năm”, Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh nêu.

Đồng tình với các ý kiến này, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, báo cáo của Chính phủ đã đánh giá đầy đủ, báo cáo thẩm tra của ủy ban Kinh tế cũng tương đối đầy đủ, rất mạnh, đưa ra nhận định không né tránh.

“Tuy nhiên, tôi trăn trở ý kiến Phó Chủ tịch Thường trực vừa phát biểu, đó là báo cáo còn nặng về kinh tế, xem nhẹ vấn đề xã hội, thời lượng, tỉ lệ câu chữ cho vấn đề xã hội rất ít. Đây không phải là đóng góp lần đầu của ủy ban Thường vụ Quốc hội cho vấn đề này. Vì vậy, tôi đề nghị, nếu không tiếp thu thì cũng nêu rõ tại sao các vấn đề xã hội nêu trong báo cáo lại ít như vậy. Ví dụ báo cáo 10 trang chỉ dành nửa trang hoặc 1 trang cho các vấn đề xã hội là vì lý do gì để lần sau Thường vụ Quốc hội không đóng góp ý kiến nữa”, Trưởng ban Dân nguyện thẳng thắn nói.

Phát biểu tiếp thu về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, các ý kiến đánh giá rất chính xác và sẽ nghiêm túc tiếp thu để hoàn chỉnh báo cáo trình Quốc hội.

Dương Thu (ghi)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.