Những nỗ lực của Việt Nam trong năm 2022 nhằm khắc phục các tác động kinh tế - xã hội của 2 năm đại dịch đã giúp tăng niềm tin của người dân vào điều kiện kinh tế của hộ gia đình và của quốc gia trong năm qua.
Đây là nhận định được đưa ra trong Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2022 được công bố hôm 12/4 tại Hà Nội.
PAPI 2022 được thực hiện với sự tham gia của 16.117 người dân từ 18 tuổi trở lên được chọn ngẫu nhiên từ dân số Việt Nam, thể hiện sự đánh giá về hiệu quả điều hành, quản lý Nhà nước và cung ứng dịch vụ công của các cấp chính quyền tại 63 tỉnh thành của Việt Nam trong 2 năm đầu nhiệm kỳ 2021-2026.
“Báo cáo PAPI 2022 cung cấp nguồn dữ liệu thực chứng quan trọng để các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương theo dõi hiệu quả hoạt động của mình trong công tác điều hành, quản lý nhà nước, hành chính công và cung ứng dịch vụ công”, Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam phát biểu tại sự kiện.
Dư âm đại dịch vẫn còn
Theo báo cáo PAPI 2022, có tới 66,1% số người được khảo sát đánh giá nền kinh tế quốc gia là “tốt” vào năm 2022, tăng 19,4% so với một năm trước đó. Ở cấp độ hộ gia đình, tỉ lệ người dân cho rằng điều kiện kinh tế hộ của mình là “kém” giảm từ 15,3% năm 2021 xuống còn 11,4% năm 2022.
Tuy cảm nhận về điều kiện kinh tế khá hơn, tác động của 2 năm đại dịch vẫn còn đó. Mặc dù 56% số người được hỏi khẳng định điều kiện kinh tế hộ gia đình của họ tốt hơn vào năm 2022, cao hơn 4% so với năm 2021, nhưng tỉ lệ này vẫn là mức thấp nhất kể từ năm 2012.
Tương tự, những người cho rằng điều kiện kinh tế hộ gia đình của họ là kém đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2012, ngoại trừ năm 2021. Những con số này cho thấy nhiều người vẫn còn nỗi lo ngại về ảnh hưởng của đại dịch, trong đó người dân tộc thiểu số và phụ nữ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tỉ lệ nghèo đói và việc làm không ổn định cao hơn ở 2 nhóm này.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy có sự khác biệt rõ nét trong ý kiến của người dân khi được hỏi về những vấn đề hệ trọng nhất cần Nhà nước tập trung giải quyết trong năm 2022.
Năm 2021, có 23,84% số người được khảo sát cho rằng y tế và bảo hiểm y tế là vấn đề quan trọng nhất. Bước sang năm 2022, con số này giảm mạnh xuống còn 6,38%.
Vấn đề nghèo đói trở lại vị trí hàng đầu vào năm 2022 với 22,13% số người lựa chọn. Nghèo đói đã liên tục đứng đầu danh sách các vấn đề được người dân quan tâm kể từ năm 2015, ngoại trừ năm 2021, khi Việt Nam chịu tác động mạnh của đại dịch Covid-19.
Xếp sau nghèo đói là vấn đề tăng trưởng kinh tế (hơn 10%) và việc làm (cũng hơn 10%). Cơ sở hạ tầng đường bộ trở thành vấn đề được quan tâm nhiều thứ tư vào năm 2022, tiếp đến là vấn đề tham nhũng.
Nhiều dư địa cần cải thiện
Kết quả xếp hạng PAPI được khảo sát đánh giá trên 8 chỉ số, bao gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường; và Quản trị điện tử.
Thay vì xếp hạng các tỉnh, thành theo điểm số, PAPI liệt kê các tỉnh, thành này vào 4 nhóm tứ phân vị: nhóm điểm cao, nhóm điểm trung bình-cao, nhóm điểm trung bình-thấp và nhóm điểm thấp, mỗi nhóm bao gồm khoảng 25% tổng số tỉnh, thành trên toàn quốc.
Các tỉnh/thành phố đạt điểm thuộc nhóm “cao” có xu hướng tập trung nhiều hơn ở phía Bắc, với 6 tỉnh, thành thuộc vùng đồng bằng sông Hồng (Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên, Vĩnh Phúc). Một số tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên – Huế, Ninh Thuận, Bình Thuận cũng có tên trong nhóm này.
Trong khi đó, các tỉnh, thành trong nhóm “thấp” thuộc các vùng trung du và miền núi phía Bắc (Cao Bằng, Điện Biên, Lào Cai), Tây Nguyên (Gia Lai, Kon Tum), và đồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ, Long An, Bến Tre, Trà Vinh, v.v.).
Điều đáng chú ý là khoảng cách trong hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2022 giữa nhóm điểm cao nhất và điểm thấp nhất có xu hướng thu hẹp. Điều này cho thấy đánh giá về hiệu quả quản trị và hành chính cấp tỉnh của người dân trên toàn quốc ít có sự khác biệt hơn so với năm 2021.
So với kết quả PAPI năm 2021, 33 tỉnh, thành phố có mức độ cải thiện đáng kể ở Chỉ số nội dung 1 (Tham gia của người dân ở cấp cơ sở); 18 tỉnh, thành phố có mức độ cải thiện đáng kể ở Chỉ số nội dung 2 (Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương) và 30 tỉnh/thành phố có mức độ cải thiện đáng kể ở Chỉ số nội dung 8 (Quản trị điện tử).
Tuy nhiên, 29 tỉnh, thành phố có sự sụt giảm đáng kể ở Chỉ số nội dung 7 (Quản trị môi trường), 18 tỉnh/thành phố giảm sút đáng kể ở Chỉ số nội dung 4 (Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công), và 18 tỉnh, thành phố giảm sút đáng kể ở Chỉ số nội dung 6 (Cung ứng dịch vụ công).