Ngày nay các khái niệm “kinh tế báo chí”, “hàng hóa báo chí”, “thương mại hóa báo chí”… đã trở nên khá thông dụng, hoạt động kinh tế được coi là một bộ phận không thể tách rời của các tòa soạn hiện nay. Song ít ai biết được rằng trong lịch sử nhân loại, hoạt động kinh tế báo chí đã ra đời gần như đồng thời với sự ra đời của những tờ báo in đầu tiên.
Quảng cáo báo chí xuất hiện từ thế kỷ XVII
Cùng với phát hành, quảng cáo được công nhận là hoạt động kinh tế đầu tiên của báo chí. Cho đến nay, lịch sử đã ghi chép lại hơn 5.000 năm quảng cáo, tính từ khoảng 3.000 năm trước công nguyên cho tới thời đại vệ tinh vô tuyến hiện nay. Một cái bảng bằng đất sét của người Babylon (Ai Cập) ở vào khoảng 3.000 năm trước công nguyên đã mang những câu giới thiệu của người buôn bán thuốc mỡ, người sao chép bản thảo và thợ đóng giày. Từ trong đống đổ vỡ của công trình kiến trúc Thebes, các nhà sử học đã tìm thấy những bản viết tay trên giấy cói với nội dung hứa thưởng cho những nô lệ bỏ trốn quay lại.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa quảng cáo và báo chí chỉ thực sự được thiết lập vào thế kỳ XV. Phát minh ra máy in của Johann Gutenberg (Đức) vào khoảng năm 1.440 có ý nghĩa như một cuộc cách mạng thực sự làm thay đổi phương pháp truyền thông của cả thế giới. Chính cuộc cách mạng này đã thúc đẩy sự phát triển công nghệ in ấn và xuất bản sách báo. Vào khoảng năm 1480, William Caston (Anh) đã in được bản quảng cáo đầu tiên trên máy in, đó là những tờ thông báo của cha xứ dán tại nhà thờ.
Sau đó, những tờ báo hiện đại đầu tiên ra đời đầu thế kỷ XVII ở Châu Âu ngay lập tức trở thành phương tiện chuyển tải quảng cáo. Năm 1625, bài quảng cáo đầu tiên xuất hiện trên một tờ báo của nước Anh, đánh dấu sự thâm nhập của quảng cáo vào báo chí. Muộn hơn một chút, vào ngày 30/5/1631, Théophraste Renaudo (1585 – 1643) đã cho ra đời tuần báo đầu tiên ở Pháp với tên gọi Gazette, ngay từ những số đầu đã dành diện tích đáng kể cho quảng cáo. Sau đó, cũng chính T.Renaudo cho ra đời tạp chí Petite Affchec (Những áp phích nhỏ) là ấn phẩm quảng cáo chuyên biệt đầu tiên ở Châu Âu.
Cuối thế kỷ XVII, Houton được mệnh danh là cha đẻ của quảng cáo Anh đã lần đầu tiên đưa quảng cáo hôn nhân lên báo, ví dụ “Một gentlment 30 tuổi nói rằng ngài có một trang trại rất tốt, muốn kết hôn với một tiểu thư trẻ có tài sản 3.000 bảng Anh hoặc khoảng ấy”. Hình thức quảng cáo này tương tự các quảng cáo tìm bạn trăm năm trên báo chí của ta hiện nay.
Từ thế kỷ XVII trên thế giới ngày càng có nhiều tờ báo mới ra đời. Và để cạnh tranh được với nhau, một số tờ phải nhờ vào việc đăng quảng cáo để giảm giá bán cho độc giả, tăng nguồn thu và cố gắng thoát khỏi sự đỡ đầu của Chính phủ. Đặc biệt vào khoảng năm 1830 ở phương tây đã xuất hiện một loại báo bình dân với số lượng phát hành rất lớn: báo penny (penny press). Tờ báo này ngoài các bài viết thông thường còn có nhiều mục quảng cáo, rao vặt, nhờ đó mà giá thành của nó được hạ xuống rất thấp, giúp những người dân bình thường cũng có thể mua được báo hàng ngay. Như vậy ngay từ khi báo chí mới xuất hiện đã ghi nhận sự đóng góp không nhỏ của quảng cáo trong quá trình phát triển của mình.
Sang thế kỷ XX, những phương tiện truyền thông đại chúng mới ra đời như phát thanh, truyền hình, internet đã cung cấp những nền tảng mới cho quảng cáo và ngược lại, các phương tiện này cũng coi quảng cáo là hoạt động kinh tế quan trọng. Năm 1929, phát thanh được sử dụng như một công cụ quảng cáo hữu hiệu ở Mỹ. Sau Thế chiến thứ hai thì quảng cáo truyền hình thực sự lên ngôi.
Ở khối các nước XHCN, trước đây quảng cáo không được coi trọng, thậm chí không được chấp nhận. Bản thân nền kinh tế theo cơ chế tập trung quan liêu bao cấp manh mún, khép kín nên cũng không có nhu cầu mở rộng hoạt động bán hàng. Chỉ đến cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, hoạt động quảng cáo mới xuất hiện ở khu vực này. Năm 1988, lần đầu tiên đài Truyền hình Liên Xô đã phát các quảng cáo thương mại của Visa, Pepsi, Sony và đến năm 1989 thì tờ Izvestia (cơ quan của Quốc hội Liên Xô trước đây) cũng bắt đầu đăng tải quảng cáo.
Gia Định báo năm 1865 là tờ báo có quảng cáo sớm nhất ở Việt Nam
Báo chí ở Việt Nam xuất hiện muộn hơn so với nhiều nước trên thế giới, nhưng vẫn được coi là sớm và phát triển nhất khu vực Đông Nam Á. Trong giai đoạn khởi đầu (1865 – 1907), một số tờ đầu tiên xuất hiện ở Nam Kỳ: Gia Định Báo (1865), Phan Yên báo (1868), Nông cổ mín đàm (1901), Lục tỉnh tân văn (1907)… Khoảng 20 năm sau, một số tờ lác đác xuất hiện ở Bắc Kỳ như Đại Nam Đồng Văn nhật báo (1892), Đại Việt tân báo (1905)… Miền Trung đến năm 1907 chưa hề có báo chí.
Làm kinh tế trong báo chí là hợp pháp, là nhu cầu cần thiết của nền kinh tế và lĩnh vực báo chí. Luật báo chí 1999 và nay là Luật Báo chí 2016 đều cho phép làm kinh tế báo chí. Thậm chí Điều 21 Luật Báo chí 2016 còn “mở hơn khi cho phép “Cơ quan báo chí hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp có thu. Vấn đề còn lại chỉ là làm sao để tách bạch giữa làm nội dung và làm kinh tế, để báo chí vừa sống được trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt vừa không sa vào giật gân câu khách hoặc xa rời tôn chỉ mục đích, làm giảm niềm tin trong dư luận xã hội.
Hoàng Yến