99 năm ra đời và phát triển, báo chí cách mạng Việt Nam đã đồng hành, tham gia, phản ánh chính xác, khách quan về mọi mặt của đời sống xã hội. Trong sự phát triển lớn mạnh của lực lượng Công an Nhân dân, báo chí đóng góp vai trò quan trọng. Nhân kỷ niệm 99 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam, Thượng tá Nguyễn Anh Sơn - Trưởng Công an huyện Lạng Giang (Bắc Giang) có những đánh giá về vai trò của báo chí đối với công an huyện.
NĐT: Thưa Thượng tá Nguyễn Anh Sơn, ông đánh giá thế nào về vai trò của báo chí đối với sự phát triển xuyên suốt của lực lượng Công an Nhân dân (CAND) trong đó có Công an Nhân dân huyện Lạng Giang?
Thượng tá Nguyễn Anh Sơn: Kể từ khi thành lập ngày 19/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đùm bọc giúp đỡ của Nhân dân, sự phối hợp hiệp đồng của các bộ ban ngành, lực lượng CAND đã lập nhiều chiến công xuất sắc trong công cuộc đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Những chiến công và thành tích đó có công lao, đóng góp rất lớn của các cơ quan báo chí.
Trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Công an huyện Lạng Giang luôn có sự đồng hành, giúp đỡ của các cơ quan báo chí từ trung ương đến địa phương.
Cụ thể, qua thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, báo chí đã góp phần tuyên truyền, cổ vũ, động viên, khích lệ tinh thần cách mạng của Nhân dân với sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự.
Không chỉ trên lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm, báo chí còn đóng góp quan trọng đối với sự trưởng thành, lớn mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức của công an huyện.
Tại địa bàn huyện Lạng Giang, trước hết, cơ quan báo chí đã có những bài viết, phóng sự thể hiện sự sẻ chia với những gian khổ của lực lượng công an; phản ánh những chiến công, thành tích của lực lượng trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm.
Báo chí đã tuyên truyền những gương tốt người tốt, việc tốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; lan tỏa những thông tin tích cực về lực lượng công an; phối hợp thông tin kịp thời tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm; giúp người dân nâng cao ý thức cảnh giác, tự phòng ngừa và tích cực tham gia phát hiện, đấu tranh tố giác tội phạm; góp phần cảm hóa, giáo dục đối tượng lầm lỗi tại cộng đồng dân cư.
Qua các tác phẩm, báo chí đã tuyên truyền, biểu dương thành tích, chiến công của lực lượng công an huyện trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, kết quả công tác quản lý Nhà nước về ANTT và những hình ảnh đẹp tình nguyện vì cộng đồng, vì an sinh xã hội của lực lượng công an đến đông đảo người dân, qua đó đã trở thành cây cầu kết nối giữa lực lượng công an với người dân.
Thông qua ghi nhận, phản ánh của báo chí đã giúp cán bộ cũng như quần chúng nhân dân hiểu rõ hơn về những chiến công cũng như những hy sinh thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ, cùng tham gia góp ý để xây dựng lực lượng công an ngày càng trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
NĐT: Ông có thể nêu ví dụ cụ thể về vai trò của báo chí với sự phát triển của lực lượng công an trên địa bàn huyện?
Thượng tá Nguyễn Anh Sơn: Gần đây nhất, khi thực hiện chủ trương của Bộ Công an về việc điều động công an chính quy về các xã trên địa bàn huyện đã nhận được sự chia sẻ, cổ vũ, giúp đỡ rất lớn của các cơ quan báo chí.
Cụ thể, ngay sau khi được điều động về cơ sở, lực lượng công an xã đã được giao trọng trách rất lớn là tham gia thực hiện đề án 06 về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Để thực hiện đề án, lực lượng công an các xã đã rất nỗ lực, mặc cho thời mưa nắng, ngày đêm, các chiến sĩ vẫn miệt mài “đi từng ngõ, gõ từng nhà” đến các thôn trong xã để kịp triển khai công việc.
Trước đó, dịch Covid-19 bùng phát, Bắc Giang nói chung và huyện Lạng Giang nói riêng, tập chung nhiều người lao động, chuyên gia nước ngoài. Trong cuộc chiến “chống giặc Covid-19” lực lượng công an xã đã làm việc rất hiệu quả.
Những hình ảnh đó đều được cơ quan báo chí ghi nhận và truyền tải đến người dân. Qua đó góp phần cổ vũ rất lớn từ người dân, giúp lực lượng công an xã chính quy trên địa bàn có động lực, niềm tin và hoàn thành nhiệm vụ lớn được Bộ Công an giao phó.
NĐT: Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của báo chí, trong đó có Tạp chí Đời sống và Pháp luật đối với công tác phát hiện, đấu tranh, xử lý tội phạm, đảm bảo ANTT đối với lực lượng công an huyện Lạng Giang?
Thượng tá Nguyễn Anh Sơn: Thực tế đã chứng minh, báo chí luôn đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với công tác phát hiện, đấu tranh, xử lý tội phạm, đảm bảo ANTT của lực lượng công an trên địa bàn huyện.
Bằng các hoạt động nghiệp vụ của mình, báo chí đã phát hiện, tham gia thu thập thông tin về tội phạm, phản ánh, công khai sự thật về tình hình phức tạp của tội phạm, những tụ điểm hình sự phức tạp, địa bàn hoạt động của tội phạm kinh tế, ma túy, các vi phạm pháp luật về trật tự an toàn xã hội ...
Qua những bài viết, phóng sự có tính chiến đấu tích cực và cũng mang đậm tính nhân văn, báo chí đã góp phần cùng toàn lực lượng công an thực hiện tốt công tác đảm bảo ANTT.
Thông qua việc theo dõi, nắm bắt tình hình dư luận xã hội, các thông tin trên báo chí, lực lượng Công an cũng có thêm nhiều thông tin hữu ích phục vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng lực lượng.
Đơn cử, Tạp chí Đời sống và Pháp luật (Tạp chí điện tử Người Đưa Tin) đã có sự phối hợp rất chặt chẽ, nhịp nhàng với lực lượng công an Bắc Giang trong việc phát hiện trạm sang chiết gas lậu rất lớn trên xã Quang Thịnh, (huyện Lạng Giang) hồi năm 2020.
Qua tư liệu, chứng cứ được phóng viên cung cấp, lực lượng công an đã tiếp tục vào cuộc củng cố hồ sơ, tài liệu để đưa vụ việc ra xử lý theo quy định pháp luật.
Trong những năm qua, Tạp chí Đời sống và Pháp luật (Tạp chí điện tử Người Đưa Tin) cũng có một số bài viết liên quan đến tình trạng vi phạm pháp luật trên địa bàn. Những thông tin này đã được lực lượng Công an huyện Lạng Giang chỉ đạo các đội nghiệp vụ vào cuộc xác minh làm rõ.
Sau khi phát hiện những thông tin phóng viên cung cấp là có cơ sở, lãnh đạo Công an huyện đã nhanh chóng báo cáo Công an tỉnh Bắc Giang xin ý kiến để kịp thời xử lý các trường hợp trên. Qua đó xử lý nghiêm các vi phạm trên, đảm bảo ANTT tạo thêm niềm tin yêu của quần chúng nhân dân và dư luận trong việc ngăn chặn, xử lý triệt để các vi phạm.
Cùng với đó, quan báo chí thường xuyên có những bài viết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc trên mạng xã hội, định hướng dư luận và nâng cao sự hiểu biết, tinh thần cảnh giác cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đối với âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch.
NĐT: Để thực hiện tốt công tác đảm bảo ANTT phòng chống tội phạm trên địa bàn huyện Lạng Giang theo ông, các cơ quan báo chí và lực lượng Công an huyện Lạng Giang cần làm những gì?
Thượng tá Nguyễn Anh Sơn: Có thể thấy, mối quan hệ giữa báo chí cách mạng với lực lượng công an nói chung và Công an huyện Lạng Giang nói riêng là mối quan hệ phối hợp đặc thù, có chiều dài lịch sử, vừa khách quan, vừa xuất phát từ nhu cầu tự thân hoạt động của cả hai lực lượng.
Tất cả đều nhằm đạt mục tiêu chung là phụng sự sự nghiệp cách mạng của Đảng, của đất nước, và lợi ích của Nhân dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Theo tôi, trong thời gian tới, lực lượng công an và báo chí cần tiếp tục phối hợp sâu sắc, toàn diện hơn nữa. Trong đó, các cơ quan báo chí, người làm báo cần tiếp tục giữ vững tinh thần cách mạng, thường xuyên chủ động thu thập thông tin, tài liệu, xây dựng những bài viết, phóng sự mang tính chiến đấu, có giá trị cao trong công tác đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn TTATXH và xây dựng lực lượng công an chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Báo chí cần ủng hộ, hỗ trợ lực lượng Công an trong việc truyền tải những kết quả công tác, những hình ảnh đẹp, những tấm gương anh dũng, điển hình tiên tiến trong lực lượng đến với quần chúng nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, phản bác những luận điểm sai trái, thông tin sai sự thật nhằm bôi nhọ danh dự của lực lượng công an với phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”.
Về phía lực lượng công an, cần chỉ động hơn nữa trong việc cung cấp cho các cơ quan báo chí, truyền thông những thông tin cập nhật chính xác về tình hình ANTT, về phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm, những tấm gương điển hình trong phòng chống tội phạm, giữ gìn TTATXH, về trách nhiệm phát ngôn và thông tin hai chiều giữa cơ quan công an và báo chí.
Trên cơ sở đó, các cơ quan báo chí sẽ phát huy tối đa khả năng và góp phần tích cực vào sự nghiệp giữ gìn ANTT.
NĐT: Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!.
Ngọc Tân - Đặng Thuỷ