"Phá án” như Bao Công
Tháng 6, nắng như đổ lửa, xóm nghèo Trung Lương, thôn Trung Lương, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) bỗng dưng náo loạn. Hai nhà, bên cầm rựa kẻ vác giáo hằm hè như chực ăn tươi nuốt sống đối phương. Dân làng vội cấp báo đến trưởng thôn. Đang ăn bát cơm sáng, ông vội đặt xuống ba chân bốn cẳng chạy đến hiện trường. Đến nơi, đã thấy hai bên đều đằng đằng sát khí lao vào nhau. Chuyện là vườn keo ông Lê T. và ông Trần H. nằm liền kề nhau từ nhiều năm nay, trước đây cây mới trồng thì ranh giới rất rõ nhưng mấy năm nay cây keo lớn nên hàng cây dùng làm ranh giới cứ mờ dần, đến bây giờ thì mất hẳn nên hai bên phát sinh tranh chấp chẳng bên nào chịu bên nào.
Tình hình căng thẳng, không giải quyết rốt ráo chắc lại đánh nhau to, suy nghĩ một hồi trưởng thôn Út Danh khuyên giải mọi người tạm thời ai về nhà nấy, trong thời hạn 3 ngày ông sẽ có câu trả lời. Về đến nhà, vị trưởng thôn nằm vắt tay lên trán suy nghĩ suốt hai ngày mà vẫn không có manh mối nào. Đến hôm thứ ba, chợt nghĩ ra hơn 5 năm trước nhà ông Lê T. đã từng bán một đợt keo, sau đó thì cả hai nhà cùng trồng lứa keo mới theo chủ trương của xã. Ông Danh nghĩ dù bán keo, cưa cây thì vẫn còn gốc keo sót lại, chẳng qua là do san lấp đất cho bằng phẳng nên nó bị khuất lấp đi đâu đó thôi.
Trưởng thôn Lê Hồng Danh hay còn gọi là “Bao Công” làng.
Nghĩ là làm, sáng sớm hôm đó ông vác cuốc lên chỗ rừng keo đang xảy ra tranh chấp, cứ ba bốn mét ông lại hì hục đào bới, đào từ lúc mặt trời mới nhú đến khi trưa đứng bóng. Đúng là "trời đã không phụ người có công", ông phát hiện ra một gốc keo đã mục rỗng ẩn dưới lớp đất đỏ. Có tia hy vọng đầu tiên, ông tiếp tục đào theo một đường thẳng từ gốc cây phát hiện, các gốc keo mục cứ nối tiếp nhau hiện ra, ông nhẩm đếm cũng được hơn chục gốc. Vậy là chuyện đã rõ rồi, ông liền lấp đất lại, vác cuốc đi về dọc đường cứ tủm tỉm cười một mình khiến cho vợ ông một phen tá hoả.
Sáng hôm sau, ông cho triệu tập hai gia đình cùng dân làng tới để ông "nghị án". Đợi dân làng tới đầy đủ, ông mới nói rõ đầu đuôi câu chuyện, sau đó cho trai làng đào chỗ đất có mấy gốc cây lên. Ông tuyên bố: "Trên mảnh đất này từ trước đến nay chỉ có hai gia đình ông Lê T. và Trần H. trồng rừng, mặt khác nhà ông H. mới trồng keo đợt đầu chưa bán nên hàng gốc keo mục này đích thị của ông T.. Vì vậy hàng gốc cây keo mục rỗng này chính là ranh giới giữa hai nhà...". Trước bằng chứng rõ ràng mà trưởng thôn Út Danh đưa ra, không chỉ hai bên tranh chấp mà ngay cả dân làng cũng phải "phục sát đất" vị trưởng thôn của mình.
Về đến nhà cũng đã chập choạng tối, bữa cơm vừa dọn ra thì ông nghe tiếng nhạc xập xình ở cuối thôn. Hỏi vợ thì biết đám cưới con nhà bà B ở tổ đoàn kết số 5, thôn Trung Lương. Ông mới ngớ ra: "Chết cha, đám trai làng bên sẵn có xích mích với thanh niên trong thôn chắc chắn sẽ lấy cớ sang chơi đám cưới để tới gây sự mà xem". Trưởng thôn Út Danh liền gọi điện cho công an xã về hỗ trợ, đồng thời triệu tập, cắt cử dân phòng, thiết lập "vành đai an toàn" vòng trong, vòng ngoài để kiểm soát tình hình.
Đám trai làng bên chạy hơn chục chiếc xe máy qua thôn Trung Lương, tới bờ sông gần nơi tổ chức đám cưới, chúng nhanh chóng "thủ sẵn" kiếm, mã tấu, ống tuýp, xong xuôi hùng hổ tới dự đám cưới, tính mượn hơi men để gây chiến. Nhưng đến tận 10h đêm vẫn thấy phía “địch” đông quá nên đành phải "ngậm tăm" quay về... Ông Hoàng Quốc V. (cha chú rể) cho biết: "Nếu không có sự nhanh trí đề phòng của ông Út chắc đám cưới đã bị phá tan tành... không chừng còn nguy đến mạng người". Cũng vì chuyện này mà mấy hecta rừng mới trồng của ông bị đốt trụi. Ông biết bị trả thù nhưng nghĩ mấy đứa trẻ ở cái tuổi "ăn chưa no lo chưa tới" hành động bồng bột nên cũng không truy cứu.
"Gã thợ hàn" cho hạnh phúc lứa đôi
Vị "Bao Công" kiêm nhiệm 5 chức vụ Ông Trần Anh Vũ - chủ tịch UBND xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam chia sẻ: "Ông Lê Hồng Danh là một vị cán bộ đặc biệt của xã, ông đang kiêm nhiệm 5 chức vụ: Trưởng thôn Trung Lương, kiêm trưởng ban hoà giải thôn, kiêm trưởng ban bảo vệ rừng xã, công an viên xã Tam Mỹ Tây, tổ trưởng HĐND. Bản thân là thương binh nhưng ở cương vị nào ông Danh cũng làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, rất được bà con nể trọng, yêu quý; ông cũng đã từng nhận được nhiều bằng khen của xã Tam Mỹ Tây và huyện Núi Thành. Năm tới, ông sẽ hết nhiệm kỳ thứ 4 làm trưởng thôn, chúng tôi đang động viên để ông tiếp tục đảm nhiệm chức vụ này”. |
Không chỉ giỏi xử án, ông Danh còn là một chuyên gia hoà giải cho những cặp vợ chồng "trái tính, trái nết". Số là ở thôn Trung Lương, có tên bợm nhậu Lê Văn T. thêm vào đó y còn có máu cờ bạc. Sau mỗi chầu nhậu "thất điên bát đảo", y lại nướng hết số tiền trong túi vào các sới đỏ đen, về nhà lôi vợ ra đánh đập chửi bới. Người vợ chịu không nổi phải nhảy xuống giếng tự vẫn, may mà ông Danh cùng bà con chòm xóm phát hiện, cứu thoát kịp thời. Một hai lần đầu để hai vợ chồng "đóng cửa bảo nhau" thì chuyện lại y như cũ. Người vợ bực quá, mang con bỏ về nhà mẹ đẻ sống.
Thấy tình hình không ổn, ông Danh liền cho họp dân, rồi "điệu" tên bợm nhậu đến, phê phán thói xấu rồi bắt y viết bản cam kết "không say sưa đánh đập vợ con" trước mặt mọi người. Đồng thời, khuyên người dân trong thôn, xã không bán rượu, bia cho y nữa. Mấy hôm đầu "thèm" quá, y còn chạy ra huyện nhậu nhưng đường đi ra huyện xa quá được mấy bữa y không đi nữa, từ đó bỏ hẳn rượu chè, tu chí làm ăn. Ba tháng sau, thấy chồng thay đổi nên người vợ cũng mủi lòng đem con về sống với y. Từ đó, không thấy hai vợ chồng lục đục với nhau nữa.
Không chỉ "xử đẹp" người ngoài mà ngay cả người trong nhà ông vẫn rất công tâm, không vì tình riêng mà nể nang bất cứ ai. Cách đây hai năm, cậy thế anh rể làm trưởng thôn, cô em vợ ông Danh xây hàng rào cứ đổ hết vật liệu xây dựng ra đường cản trở đường đi lối lại của bà con trong làng, ai góp ý cũng bị mắng như té tát vào mặt... Bất bình, người dân quyết gửi đơn lên ông trưởng thôn đòi lại công bằng, mặt khác có dụng ý muốn thử xem ông Danh có dám xử người nhà mình không.
Trưởng thôn Lê Hồng Danh bảo: "Nhận đơn buổi sáng, tui bỏ luôn cả buổi cày ở nhà đọc đơn và quyết định họp dân ngay vào tối hôm đó. Trong buổi họp dân để "xét xử em vợ", người dân trong thôn từ già, trẻ gái trai kéo nhau đến dự chật nhà sinh hoạt tổ". Sau khi nghe kiến nghị của người dân và ý kiến đoàn thể, ông Danh phán quyết: "Cô Lan khi làm hàng rào đã lấn ra đường nửa mét. Lúc đó tôi cũng đã nhắc cô đừng đổ đất đá ra đường ảnh hưởng đến việc đi lại, cô không nghe để xảy ra cơ sự như thế này. Bữa ni có mặt toàn thể bà con ở đây, ban nhân dân thôn yêu cầu ngay ngày mai cô phải có trách nhiệm dọn dẹp đất đá đổ ra đường để không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt đi lại của bà con. Nếu không dọn dẹp, lỡ gây ra tai nạn, cô Lan phải chịu hoàn toàn trách nhiệm...". Đó cũng là vụ án mà ông Út Danh thấy khó khăn nhất trong cuộc đời xử án của mình.
Làng trên xóm dưới không có việc gì là không đến tay trưởng thôn Út Danh, từ giải quyết tranh chấp đất đai, vợ chồng đánh nhau, thanh niên hư hỏng đến cả... bắt trộm gà. Nhiều lúc làm không xuể ông nổi quạu, nhưng nghĩ đến tình cảm bà con dành cho mình, ông lại vui vẻ tiếp tục thực hiện trách nhiệm mà người dân tin tưởng giao cho. Khi được hỏi về bí quyết phá án của mình, trưởng thôn Lê Hồng Danh cho biết: "Các vụ tranh chấp, kiện cáo trong thôn chủ yếu là chuyện đất đai, chuyện vợ chồng... nên trước hết mình chủ yếu dựa trên yếu tố tình cảm, xử sao cho các bên tranh chấp thấy có tình có lý mà đồng ý chấp nhận thôi không kiện cáo nữa chứ có bí quyết chi mô...".
Phương Hưng - Nguyễn Cường