Bữa nọ, ông Phú Nhơn một đại điền chủ ở phủ Khai Phong cưỡi con bạch mã đi góp lúa nơi các tá điền. Vốn là giống tốt lại được chăm nom nên ngựa của Phú Nhơn khỏe đẹp nhất vùng. Góp lúa xong, Phú Nhơn muốn rong chơi với bạn bè ít bữa nên sai người hầu tên là Hưng Phước đem ngựa về nhà trước. Đi được nửa đường, gặp lúc trời nắng gắt, Phước bèn xuống yên cột ngựa vào gốc một cây to cho nó ăn cỏ. Phước cũng lại bóng mát ngồi nghỉ.
Bỗng có một người cưỡi một con ngựa già ốm yếu đi ngang qua, trông thấy con ngựa đẹp của Phú Nhơn, bèn nhảy xuống đất chạy đến bắt chuyện với Hưng Phước. Kẻ lạ mặt cho hay y vốn là lái ngựa nên biết coi ngựa rành lắm.
Chuyện trò hồi lâu về khoa xem ngựa, người lạ mặt bảo Hưng Phước cho mượn ngựa để cưỡi thử.
Hưng Phước thật thà gật đầu và giữ con ngựa ốm cho kẻ lạ mặt. Người này thủng thẳng đến bên con bạch mã của Phú Nhơn, làm bộ vuốt ve nó một lát, đoạn nhảy phốc lên yên coi bộ thật lẹ làng rồi ra roi cho ngựa phi nước đại ra lộ chạy mất dạng.
Hưng Phước chợt tỉnh ngộ vội vã nhảy lên con ngựa ốm tong teo mà rượt theo mồm la: "Bớ người ta nó tráo ngựa tôi". Nhưng làm sao bắt kịp con bạch mã đang chạy như bay dưới tay cương của một tên lái ngựa?
Hưng Phước chỉ còn nước cưỡi con ngựa ốm trở lại báo tin cho chủ rõ. Phú Nhơn nổi giận, cho rằng Phước bày ra chuyện bị tráo ngựa liền đánh cho một trận rồi dẫn Phước và con ngựa ốm lên cáo với Bao Công.
Bao Công cho đòi Hưng Phước đến trước mặt ông và tra hỏi đầu đuôi sự vụ. Sợ hãi, Hưng Phước khóc lóc thưa lại toàn bộ diễn biến sự việc từ lúc gặp cho đến lúc bị tráo ngựa ra sao. Bao Công cau mày suy nghĩ trong giây lát đoạn sai lính dắt con ngựa ốm đến phía trước công đường. Ông nhìn qua con ngựa rồi bảo Phú Nhơn cứ ra về, ông đã có cách để tìm ra kẻ gian.
Hai người đi khỏi, Bao Công kêu Triệu Hổ đem giam con ngựa ốm vào chuồng trong ba bữa nhưng không cho ăn.
Những chú ngựa tốt thường có giá trị rất cao.
Sáng ngày thứ tư, chủ tớ Hưng Phước đến công đường, lòng hồi hộp không biết số phận ra sao. Bao Công kêu Triệu Hổ dắt ngựa đến rồi bảo Hưng Phước và Triệu Hổ dắt ra con đường cũ, nơi đã xảy ra cuộc tráo ngựa bữa trước mà thả nó ra. Hễ nó dừng lại ăn cỏ ở hai bên đường thì đuổi không cho nó ăn rồi hai người hãy đi theo nó...
Triệu Hổ và Hưng Phước vâng lời Bao Công dắt con ngựa già ra chỗ hôm trước thả đi rồi rượt đuổi không cho nó dừng lại ăn cỏ hai bên đường. Đi miết từ sáng đến gần trưa, qua nhiều tàu ngựa mà con ngựa già vẫn không rẽ vào tàu ngựa nào cả. Lúc sắp tới một thôn tên là Huỳnh Nê, con ngựa già bỗng thở phì phì hai tiếng lớn và vùng chạy vào một khu vườn ở gần đầu thôn. Giữa khu vườn là một ngôi nhà ba gian mái ngói, cửa sơn phết sạch sẽ. Phía tay mặt khu vườn, gần cổng vào có một tàu ngựa lớn chia làm nhiều ô có cửa chắn, cao tới ngực người lớn. Triệu Hổ và Hưng Phước nhìn thấy con ngựa già đang đứng trước tàu vẫy hý ầm ỹ ra vẻ vui mừng và đòi ăn.
Tại đây, Hưng Phước nhận thấy con bạch mã của chủ mình cột ở ngăn thứ nhì bèn chỉ cho Triệu Hổ coi, rồi Hưng Phước toan xông vào vườn nhưng Triệu Hổ níu lại và nói nhỏ điều chi một hồi, Hưng Phước gật đầu đứng yên. Con ngựa già hý lần nữa thì một gã đàn ông từ căn nhà ngói chạy ra dắt nó vào ô cuối tàu cho ăn. Gã này tưởng là ngựa của y sút chuồng nơi chủ mới rồi quen đường cũ trở về.
Hưng Phước nói nhỏ với Triệu Hổ: "Chính hắn đấy. Bây giờ tôi vô bắt lại con bạch mã được chưa?".
Triệu Hổ gật đầu. Hưng Phước chạy lẹ vào mở cửa dắt con ngựa bạch ra. Bạch mã thấy Hưng Phước cũng hý một hồi tỏ ý chào mừng. Gã đàn ông chủ tàu ngựa từ phía tàu chạy ra thấy vậy vội xông tới toan đánh Hưng Phước để đoạt lại ngựa. Vừa lúc ấy Triệu Hổ ập vào bắt trói y lại. Y khai tên là Huỳnh Hồng làm nghề lái ngựa.
Triệu Hổ liền áp giải Huỳnh Hồng và con ngựa già về nộp Bao Công. Hưng Phước cũng dắt con bạch mã theo sau.
Bao Công chỉ mặt Huỳnh Hồng mà quát: "Mi đã giàu có còn đem lòng gian tham, giữa ban ngày dám dở thủ đoạn bất lương. Mi đã nhận lỗi chưa hay là chờ ta phải tra khảo?". Huỳnh Hồng thấy tang chứng rành rành hết đường chối cãi nên y phải thú nhận tội lỗi.
Bao Công truyền tịch thu con ngựa già xung làm công và sai lính vật Huỳnh Hồng ra đánh cho 70 gậy rồi đuổi về.
Luật nay: Muốn khởi tố phải có chứng cứ
Bao Công đúng là người có tài đoán việc như thần. Nhờ sự hiểu biết về thói quen của loài ngựa, ông đã tìm ra kẻ đánh tráo ngựa tốt. Tuy nhiên, cách phá án của Bao Công chủ yếu dựa trên cơ sở của sự suy đoán, hơn nữa những tình tiết trong vụ đánh tráo ngựa cũng khá đơn giản nên ông có thể dễ dàng tìm ra thủ phạm.
Vấn đề ở chỗ, nếu chiếu theo các quy định của pháp luật thời gian thì hành vi của Huỳnh Hồng sẽ bị truy cứu về tội danh gì?
Ngày xưa, ngựa là phương tiện đi lại chủ yếu của con người, cũng giống như chúng ta đi xe đạp, xe máy hay ô tô thời nay. Do vậy, một con ngựa tốt vào thời đó có thể được xem như một chiếc xe máy tay ga đắt tiền thời nay vậy.
Vì thế, hành vi mượn ngựa tốt rồi chiếm đoạt của Huỳnh Hồng có đầy đủ dấu hiệu cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 140 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.
Điều 140 Bộ luật Hình sự quy định: "Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm: a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó; b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản”.
Hành vi "lạm dụng tín nhiệm" của Huỳnh Hồng thể hiện ở chỗ Huỳnh Hồng nói với Hưng Phước (gia nhân của Phú Nhơn, người được giao trách nhiệm giữ ngựa) cho y mượn để y cưỡi thử xem ngựa hay tới mức độ nào. Để Hưng Phước tin, Hồng đã giao con ngựa ốm cho Phước giữ. Tuy nhiên, sau khi đã lên được yên ngựa, thay vì chỉ cưỡi thử một vòng rồi trả lại, Hồng lại cưỡi ngựa dông thẳng một mạch.
Rõ ràng Huỳnh Hồng đã có hành vi bội khẩu ước giữa y và Hưng Phước, phản bội lại sự tín nhiệm của Hưng Phước. Do vậy, yếu tố "lạm dụng tín nhiệm" đã hoàn thành. Con ngựa, đối tượng của tội phạm, đã được Hưng Phước giao cho y cưỡi thử với nghĩa vụ là phải trả lại, đã bị Hồng chiếm đoạt.
Có thể nói, ngay từ lúc đầu, Huỳnh Hồng đã có ý định chiếm đoạt ngựa tốt của Hưng Phước. Vào thời đó, Bao Công chỉ tịch thu con ngựa già ốm của Huỳnh Hồng để sung vào của công và sai lính đánh Huỳnh Hồng 70 gậy rồi đuổi về. Còn theo quy định của pháp luật thời nay, hành vi của Hồng sẽ không bị đánh mà bị phạt tù.
Tuy nhiên, muốn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Huỳnh Hồng, cơ quan điều tra sẽ phải cho tiến hành định giá đối với tài sản chiếm đoạt (con ngựa). Nếu giá trị của con ngựa từ 4 triệu đồng trở lên hoặc trước đó, Huỳnh Hồng đã từng có tiền án, tiền sự về tội chiếm đoạt tài sản mà chưa được xóa án tích, thì tay lái ngựa này mới bị khởi tố hình sự.
Ngày nay, sau khi bị tráo mất ngựa tốt, Hưng Phước có thể gửi đơn trình báo đến cơ quan cảnh sát điều tra công an nơi xảy ra vụ việc. Sau quá trình điều tra ban đầu, nếu cơ quan cảnh sát điều tra xác định hành vi của Huỳnh Hồng đã đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì sẽ làm thủ tục khởi tố vụ án để điều tra. Nếu Huỳnh Hồng bỏ trốn, cơ quan cảnh sát điều tra có thể phát lệnh truy nã.
Tuy nhiên, để không rơi vào tình cảnh của Hưng Phước, chúng ta cũng nên cẩn thận, không nên quá cả tin, nhất là với những người lạ.
Ánh Dương