Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, đến thời điểm này cơ bản chúng ta đã đẩy lùi được dịch bệnh, đây là lúc cần tiếp tục vừa làm tốt công tác phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội.
Trong những ngày nghỉ, các bộ, ngành, địa phương, lực lượng phòng, chống dịch tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được phân công, tập trung giải quyết các vướng mắc, bất cập để sau kỳ nghỉ 30/4 và 1/5 đưa cuộc sống trở lại bình thường trong điều kiện có nguy cơ dịch bệnh.
Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã bàn các nội dung: Bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh trong những ngày nghỉ lễ; tiếp tục ngăn chặn triệt để bên ngoài, ở bên trong thì phát hiện sớm, khoanh vùng dập dịch một cách kịp thời, hiệu quả; quản lý người xuất nhập cảnh; chuẩn bị các điều kiện để đón học sinh trở lại trường an toàn; bảo đảm du lịch an toàn; giao thông an toàn; đưa công dân nước ngoài rời Việt Nam và công dân Việt Nam về nước; hỗ trợ các nước chống dịch;…
Cụ thể, Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ GD&ĐT đôn đốc các tỉnh rà soát, giải quyết những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc để học sinh trở lại trường an toàn sau kỳ nghỉ.
Bộ VHTT&DL, Bộ GTVT theo dõi sát tình hình đánh giá lại để hoàn thiện các quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch đối với hoạt động du lịch, giao thông.
Bộ Y tế đôn đốc các địa phương tham khảo mô hình của TPHCM, nghiên cứu lại toàn bộ các quy định phòng, chống dịch của ngành y tế, các ngành để đưa ra có bộ tiêu chí chấm điểm an toàn về phòng, chống dịch bệnh.
Căn cứ tình hình diễn biến tình hình dịch Ban Chỉ đạo bàn và thống nhất kiến nghị Thủ tướng về việc Thường trực Ban Chỉ đạo tiếp tục theo dõi bám sát tình hình dịch bệnh, định kỳ 2 ngày báo cáo Thủ tướng 1 lần, nhưng không nhất thiết duy trì chế độ họp 2 ngày 1 lần.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, tính đến 12 giờ ngày 29/4, Việt Nam ghi nhận 270 trường hợp mắc COVID-19 (ngày thứ 13 liên tiếp không ghi nhận ca mắc tại cộng đồng); 221 trường hợp đã khỏi bệnh; 49 bệnh nhân đang được điều trị tại 9 cơ sở khám, chữa bệnh; 3 bệnh nhân diễn biến nặng (số 20, 91, 161), trong đó bệnh nhân số 20 và 161 đang tập cai thở máy; 19 trường hợp âm tính từ 1 lần trở lên (trong đó có 8 trường hợp âm tính từ 2 lần trở lên).
Trên thế giới ghi nhận 3.138.413 trường hợp mắc COVID-19 tại 212 quốc gia, vùng lãnh thổ. Số mắc cao nhất tại Mỹ với 1.035.765 trường hợp; 6 quốc gia khác có số mắc trên 100.000 trường hợp (Tây Ban Nha, Italy, Pháp, Đức, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ); 28 quốc gia có số mắc trong khoảng 10.000 - 100.000 trường hợp (Nga, Iran, Trung Quốc...); 52 quốc gia/vùng lãnh thổ có số mắc trong khoảng từ 1.000 - 10.000 trường hợp; 125 quốc gia/vùng lãnh thổ có dưới 1.000 trường hợp mắc.
Số tử vong là 217.985 trường hợp, trong đó cao nhất tại Mỹ với 59.266 trường hợp, 4 quốc gia khác có trên 10.000 trường hợp tử vong (Italy, Tây Ban Nha, Pháp, Anh), 13 quốc gia có số tử vong trong khoảng từ 1.000 - 10.000 trường hợp, 40 quốc gia/vùng lãnh thổ chưa ghi nhận tử vong do COVID-19 (trong đó có Việt Nam).
Theo Trần Mạnh – Đình Nam/Cổng Thông tin điện tử Chính phủ