Đề cao tính nhân văn, thượng tôn pháp luật
Ngày 24/8, thông tin với báo chí, Thượng tá Phùng Văn Huế, Trưởng phòng chuyên đề, nghiên cứu khoa học, Cục Cảnh sát quản lý trại giam,cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an cho biết, chính sách về quản lý, giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân luôn được Đảng, Chính phủ Việt Nam quan tâm và được cụ thể hóa bởi pháp luật hình sự.
Luật Thi hành án hình sự quy định cụ thể về nguyên tắc, thủ tục, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động thi hành án; bản án, quyết định về hình phạt tù.
Luật Thi hành án hình sự 2019 đã dành một chương về chế độ thi hành án phạt tù, trong đó có chế độ giam giữ, giáo dục phạm nhân, chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế đối với phạm nhân và các quy định về phạm nhân là người chưa thành niên.
Ông Huế cho hay, các trại giam thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho phạm nhân bảo đảm đúng quy định của pháp luật; các biện pháp giáo dục phạm nhân luôn đề cao tính nhân văn, thượng tôn pháp luật.
Trong đó, về chế độ chăm sóc y tế, trong quá trình chấp hành án phạt tù, phạm nhân được khám bệnh định kỳ, trường hợp bị bệnh nặng hoặc bị thương tích vượt quá khả năng điều trị thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân quyết định trích xuất đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, các trại giam thuộc Bộ Công an đã khám, phát thuốc thông thường cho hơn 3.200.000 lượt phạm nhân; điều trị tại bệnh xá hơn 43.300 lượt phạm nhân; khám, điều trị tại bệnh viện 1.900 lượt phạm nhân, trại viên, học sinh. Tổ chức phun khử khuẩn phòng, chống các loại dịch bệnh đảm bảo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, phòng, chống dịch bệnh theo mùa.
Về chế độ lao động, phạm nhân được tổ chức lao động phù hợp với độ tuổi, sức khỏe và đáp ứng yêu cầu quản lý, giáo dục, hòa nhập cộng đồng; được nghỉ lao động các ngày thứ bảy, chủ nhật, lễ, Tết theo quy định của pháp luật.
Nhằm khuyến khích người bị kết án đang chấp hành án phạt tù ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động cải tạo để được hưởng sự khoan hồng của Nhà nước và trở thành người có ích cho xã hội, tùy từng trường hợp phạm nhân có thể được xét đề nghị đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù hay tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
Theo quy định của Luật Đặc xá, phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các cơ sở giam giữ, kể cả phạm nhân có quốc tịch nước ngoài có đủ các điều kiện được quy định tại Điều 11 của Luật Đặc xá và hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá thì được lập hồ sơ đề nghị đặc xá trình Chủ tịch nước quyết định.
Ngoài ra, tha tù trước thời hạn có điều kiện lần đầu được quy định trong hệ thống pháp luật Việt Nam, là thay đổi về hình thức chấp hành án phạt tù từ chỗ đang chấp hành án phạt tù trong các cơ sở giam giữ sang chấp hành án phạt tù tại cộng đồng xã hội và được áp dụng đối với những phạm nhân đã cải tạo tiến bộ theo những chế định pháp lý cụ thể.
"Chính sách giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân được tiến hành công khai, dân chủ, minh bạch, có tác dụng động viên, giáo dục phạm nhân thi đua cải tạo tiến bộ", ông Huế thông tin.
Công tác giáo dục cải tạo phạm nhân
Theo ông Huế, nhiệm vụ của công tác giáo dục cải tạo là nhằm giúp phạm nhân biết ăn năn, hối cải, nhận rõ tội lỗi của mình, thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi, lối sống theo hướng tích cực và giúp họ sớm trở thành người có ích cho xã hội, không tái phạm tội hoặc vi phạm pháp luật.
Nội dung giáo dục cải tạo phạm nhân được quy định trong Luật Thi hành án hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành, bao gồm: Giáo dục pháp luật, giáo dục công dân, giáo dục kỹ năng sống, dạy văn hóa xóa mù chữ, phổ biến thông tin thời sự, chính sách, tổ chức hướng nghiệp, dạy nghề, sinh hoạt, vui chơi, giải trí…
Tất cả phạm nhân đều phải học tập pháp luật với các nội dung chủ yếu như: Nội quy cơ sở giam giữ; các tiêu chí thi đua trong chấp hành án phạt tù và xếp loại chấp hành án phạt tù; quyền và nghĩa vụ của phạm nhân; quy định về tội phạm, hình phạt trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự...
Trong 6 tháng đầu năm 2023 các trại giam đã tổ chức mở hơn 500 lớp giáo dục công dân cho hơn 15.000 lượt phạm nhân mới đến chấp hành án; hơn 200 lớp cho 35.000 lượt phạm nhân đang chấp hành án; hơn 300 lớp cho hơn 12.900 lượt phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù.
Tổ chức hơn 1.200 lớp phổ biến thời sự, chính trị cho hơn 762.600 lượt phạm nhân; tổ chức hơn 130 lớp học văn hóa xóa mù chữ cho hơn 1.700 lượt phạm nhân, đã cấp chứng chỉ xóa mù chữ cho hơn 140 phạm nhân; tổ chức hơn 880 lớp giáo dục pháp luật cho hơn 367.500 lượt phạm nhân; tổ chức hơn 210 lớp về phòng chống ma túy cho hơn 101.300 lượt phạm nhân.
Hàng ngày, ngoài giờ lao động, học tập, phạm nhân được tham gia các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí, xem tivi, nghe đài, đọc sách, báo, được tham gia các phong trào thi đua chấp hành án phạt tù.
Trong các buồng giam đều được trang bị ti vi màu, tổ chức cho phạm nhân xem vào các ngày nghỉ, giờ nghỉ buổi tối theo quy định để cho phạm nhân có thể cập nhật các thông tin về chính trị, thời sự, kinh tế, văn hóa, xã hội...
Trong mỗi khu giam đều có hệ thống truyền thanh và truyền hình cáp nội bộ, bảng tin, để tuyên truyền, nêu gương người tốt việc tốt; phê phán những việc làm sai với nội quy cơ sở giam giữ.
Các trại giam đã có thư viện với nhiều đầu sách, báo, tạp chí mang nội dung về pháp luật, giáo dục công dân, kỹ năng sống, văn học, nghệ thuật, tôn giáo và tổ chức cho phạm nhân đọc trong các giờ nghỉ hằng ngày và ngày thứ Bảy, Chủ nhật, ngày Lễ, Tết.
Bên cạnh công tác giáo dục cải tạo phạm nhân của các trại giam, còn có sự tham gia của các cơ quan, tổ chức xã hội và thân nhân phạm nhân như: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và đào tạo; Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam… Hằng năm, các trại giam đều tổ chức Hội nghị gia đình phạm nhân để phát huy vai trò của thân nhân trong việc phối hợp giáo dục cải tạo con em họ.
"Do làm tốt công tác giáo dục cải tạo nên đa số phạm nhân đều đã nhận rõ tội lỗi đã gây ra, xác định rõ tư tưởng, yên tâm cải tạo tiến bộ, chấp hành nghiêm bản án, không vi phạm nội quy cơ sở giam giữ. Định kỳ hằng tháng, quý, phần lớn phạm nhân đều được xếp loại khá, tốt và được hưởng chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước Việt Nam như: Giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện hoặc đặc xá, trở về hòa nhập cộng đồng và xã hội làm ăn lương thiện", ông Huế chia sẻ.
Bên cạnh đó, công tác dạy nghề đã góp phần quan trọng và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục cải tạo phạm nhân. Thông qua lao động, phạm nhân có những thay đổi về nhận thức, có tiến bộ trong quá trình cải tạo. Nhiều phạm nhân khi trở về xã hội đã tìm được việc làm bằng nghề được học, có thu nhập ổn định, góp phần tích cực trong công tác gìn giữ an ninh trật tự xã hội, giúp giảm và phòng ngừa tái phạm.
Xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về quyền con người
Năm 2022, Bộ Công an đã phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Bên cạnh đó, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 09 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 54. Ban hành Quyết định số 3772 ngày 01/6/2023 của Bộ Công an ban hành kèm theo danh sách 18 trại giam được áp dụng thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.