Mục đích nhân đạo trong hiến tặng mô tạng nhằm cứu sống người bệnh đã bị thương mại hoá. Điều này sẽ tạo ra nhiều hệ lụy, nguy cơ trở thành loại tội phạm mới nguy hiểm, gây mất an toàn xã hội.
Thâm nhập đường dây mua bán nội tạng
Với bộ dạng rầu rĩ của người có người thân bị suy thận nặng cần có nguồn hiến tặng để thay thế, tôi đã gặp được H., một mắt xích quan trọng trong đường dây mua bán nội tạng. Địa điểm tôi gặp H. là quán café X trên phố Phủ Doãn đối diện với cổng bệnh viện Việt- Đức. H. không phải là người vồn vã cho lắm và phải nói có bác sỹ giới thiệu, tôi mới gặp được "nhân vật quan trọng" này.
H. hơi đậm người, ăn nói khá điềm đạm, có lẽ điều này khiến anh ta chiếm được lòng tin của khách hàng. Những người khách đã tìm đến H. chủ yếu là những người bệnh nặng nhưng có tiền. Chỉ những người có nhiều tiền, mới tìm cách mua bằng được nội tạng để thay thế. Và thực tế nhu cầu này là rất lớn, nên nghề của H. "bỗng dưng" phát và dù chỉ làm trung gian thu tiền môi giới cũng đủ để H. sống phong lưu.
Khi tôi ngỏ ý muốn tìm một người hiến thận cùng nhóm máu AB với người thân, H. khẳng định: "Cứ làm việc với bác sỹ về thời gian mổ đi. Tôi sẽ tìm được người hiến thận. Tuy nhiên, nhóm máu này cũng hơi khó tìm, thận của người cho là thanh niên trẻ sẽ đắt hơn đấy nhé. Tiền nào của ấy, ghép thận của người trẻ thì khả năng thành công cao hơn vì ít bị đào thải". Nghe H. phân tích cũng ra dáng là người có kinh nghiệm trong ngành y.
Tôi hỏi giá cả như thế nào, H. nói: "Tuỳ thuộc vào người bán họ đòi bao nhiêu. Tuy nhiên giá dao động khoảng 150-200 triệu đồng, tuỳ theo độ tuổi". Theo H. tiết lộ, hiện nay cũng đã có người cho thận, nếu người nhà của tôi cần gấp. Người cho 45 tuổi, thuộc nhóm máu O. "Anh chị cứ cân nhắc đi, nếu thấy ổn thoả, tôi sẽ thu xếp để hai bên bàn bạc cụ thể".
Qua cách nói của H., tôi hiểu, sau khi hai bên thoả thuận được với nhau giá cả, thì "lại quả" cho người môi giới, trung gian bao nhiêu thì... "tuỳ tâm". Tuy là "tuỳ tâm", nhưng tôi đã được biết một giá chung, vì còn liên quan đến làm nhiều thủ tục xác định người cho nội tạng là thân nhân, họ hàng hiến tặng nên người cho sẽ trích 10%, còn người nhận trả 15-20%, giá trị thoả thuận mua-bán giữa 2 bên. Rõ ràng, người đứng giữa, có mối quan hệ với bác sỹ, biết được mánh lới để hợp thức hoá thì H. đã hưởng vài chục triệu đồng cho một lần môi giới thành công.
Quán cafe X nơi H. gặp gỡ những người có nhu cầu mua bán nội tạng.
Cuộc nói chuyện với H. hé lộ cho tôi biết một điều, anh ta đã thực hiện thành công nhiều vụ mua-bán nội tạng. Đường dây của H. không chỉ ở phạm vi Hà Nội mà còn vươn cả ra miền Trung và miền Nam. Trong đó, tỉnh Thừa Thiên Huế được xác định là địa bàn trọng điểm. Chúng tôi cũng đã tìm được số điện thoại của một người tên Thu, vốn là bệnh nhân được ghép thận bằng nguồn mua tại bệnh viện Trung ương Huế.
Cách đây 2 năm, Thu là bệnh nhân bị suy thận nặng đang trong quá trình chạy thận nhân tạo và có nhu cầu cần người cho thận để thay thế quả thận hỏng. Thu đã gặp một người miền Nam đang cần một khoản tiền lớn để thanh toán những khoản nợ nần. Thu mua được quả thận của người đàn ông trong Nam với số tiền 150 triệu đồng.
Và cũng từ khi mua được thận, nắm được nhu cầu của nhiều người Thu đã "bắt sóng" với H. để cùng nhau tương tác tạo ra những mắt xích trong đường dây mua bán nội tạng. Thu cũng nói rõ với tôi, muốn ghép thận cần phải làm việc xếp lịch với bác sỹ trưởng khoa. Khi được bác sỹ đồng ý, bệnh nhân có nhu cầu, Thu sẽ tìm người cho. Và khi ấy, mọi thủ tục để được xác định là người hiến tặng cũng sẽ đơn giản, không phức tạp nữa.
Tội phạm mới
Cách đây vài năm, dư luận đã từng bị "đốt nóng" bởi trường hợp của sinh viên Tô Công Luân (22 tuổi, sinh viên trường cao đẳng Kinh tế kỹ thuật công nghiệp 2, TP.HCM) với nghi án bị lừa sang Trung Quốc bán thận. Sau khi về nước, với vết mổ được khâu chằng chịt và cơ thể suy kiệt nặng, Luân sống thực vật với một quả thận còn lại.
Thời điểm ấy, một số cơ quan đã đặt ra nghi vấn có đường dây đưa người ra nước ngoài bán nội tạng. Tuy nhiên, mặc dù gia đình Luân cũng gửi đơn đến các cơ quan chức năng, song sự việc cũng chỉ nóng lên một thời gian với nhiều nghi vấn được đặt ra rằng người mua thận là một Phó giám đốc sở, và thương vụ mua bán có sự tiếp tay của một số y, bác sỹ trong ngành y.
Nhưng cuối cùng, sự việc rơi vào quên lãng. Những người nghèo cần tiền vẫn bị lừa phỉnh, bán đi một phần cơ thể mình, có trường hợp là quả thận, khi là cho gan... Họ biết sức khoẻ bị ảnh hưởng, thậm chí còn đe doạ đến tính mạng như trường hợp của Tô Công Luân, nhưng vẫn nhắm mắt đưa chân.
Một bác sỹ là trưởng khoa thận tiết niệu của bệnh viện lớn (yêu cầu giấu tên) cho biết, hiện tượng mua bán thận là có thật. Bản thân ông đã nhận được rất nhiều lời xin sự giúp đỡ, tiến hành cấy ghép thận, hầu hết là những trường hợp mua và bán nhưng ông đã từ chối. "Y học là nhân đạo, tôi không thể tiến hành cấy ghép trái với y đức", vị bác sỹ này nói.
Cách đây không lâu, ông từng dừng mổ khi biết ca mổ là một vụ mua bán. Lần ấy, ông tiến hành mổ nội soi, khi mọi việc đã chuẩn bị xong xuôi, tất cả các thủ tục, giấy tờ đều hợp pháp, người nhận thận là một Việt kiều, người cho thận được xác nhận là anh em con chú, con bác. Khi ca mổ chuẩn bị được tiến hành, bệnh viện của ông nhận được điện thoại từ một Trung tâm y tế thông báo về một vụ mua bán thận.
Việc dừng ca mổ ghép thận lại để xác minh là quyết định đúng của bệnh viện này. Vị bác sỹ trưởng khoa cho biết: "Sau khi tìm hiểu kỹ chúng tôi biết một Việt kiều đã thỏa thuận với một cô gái mua thận, cô gái cần tiền để trang trải nợ nần. Hai bên đã đến chính quyền địa phương để nơi đây chứng nhận là anh em họ và họ chọn BV của tôi làm nơi tiến hành cấy ghép".
Mọi việc diễn ra suôn sẻ, các y bác sỹ sau khi tiến hành kiểm tra những giấy tờ liên quan thấy đều hợp pháp, có cả giấy chứng nhận của chính quyền địa phương. Vụ việc chỉ vỡ lở khi người mẹ của cô gái bán thận biết chuyện và bà đến gặp người mua xin thêm tiền. Vị Việt kiều nọ không đồng ý, người mẹ nọ đã ra trung tâm Y tế huyện tố cáo vụ việc.
GS.Bác sỹ Lê Thế Trung (nguyên Chủ tịch hội đồng chuyên môn ghép tạng Việt Nam), cho rằng luật Hiến, lấy, ghép mô tạng và các bộ phận cơ thể người đã được Quốc hội thông qua là một bước phát triển cho ngành y học ghép tạng tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc "lách luật" biến chuyện hiến tặng mang ý nghĩa nhân đạo thành các nguy cơ thương mại hoá cần phải xem xét, xử lý.
Việc hiến bộ phận cơ thể con người thành món hàng hoá có thể mua đi, bán lại dễ dàng thuộc phạm trù văn hoá, pháp luật không cho phép. Điều này, cũng đang tiềm ẩn những nguy cơ làm nảy sinh loại tội phạm mới. Song những người nghèo vì đồng tiền vẫn bất chấp sự nguy hiểm đến tính mạng để bán đi một phần cơ thể. Và họ vô tình tiếp tay cho nhóm tội phạm mới đang hình thành, nguy cơ tạo ra sự bất ổn cho xã hội.
Lỗ hổng pháp lý Hiện nay, văn bản pháp luật đang có hiệu lực là Luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. Luật này quy định, chỉ những người có cùng dòng máu trực hệ ba đời (với điều kiện là đủ 18 tuổi trở lên, tình nguyện hiến, có sự hòa hợp về sinh học và việc lấy tạng không ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe) mới được cho nhau tạng theo kiểu liên hệ trực tiếp. Điều 11 của Luật đề cập đến các hành vi bị pháp luật cấm trong lĩnh vực này như: Cấm mua, bán, lấy trộm mô, tạng; cấm sử dụng mô, tạng vì mục đích thương mại…Tuy nhiên, luật này chưa quy định các chế tài khi vi phạm các điều khoản của luật này. Trong khi đó, Bộ Luật Hình sự cũng chưa có các điều khoản quy định các chế tài trong hoạt động mua, bán trái phép nội tạng người. Đó là một kẽ hở pháp luật cần sớm được bổ sung. |
Minh Khánh