Trước tình hình mưa lũ đang diễn ra nghiêm trọng ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên, chiều 5/11, ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có cuộc họp về việc Thúc đẩy các giải pháp chỉ đạo nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống hồ chứa, phạm vi lưu vực, khu vực các sông, vùng ngập trũng của vùng Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Cuộc họp do Bộ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường chủ trì.
Đánh giá tính khẩn thiết của vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay, chưa bao giờ trong nhiều năm nay vấn đề vận hành liên hồ chứa lại nguy cấp như hiện tại.
Theo đánh giá của Bộ trưởng, năm 2017, tình hình mưa lớn, mưa nhiều, mưa trên diện rộng diễn ra trên cả nước. Đây là đặc điểm khác các năm gần đây.
Tổng lượng mưa bình quân tăng 30%, có những vùng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái nên toàn tuyến từ Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, tất cả hệ thống hồ chứa từ hồ thủy điện, thủy lợi cho đến các hồ khác đều ở mức cao nhất trong điều kiện cho phép. Và các hồ đều ở trạng thái rất nguy hiểm trước tình hình thực tiễn.
Trong hiện trạng hồ đầy nước, lại thêm bối cảnh cuối năm 2015 và đầu tháng 10 năm 2016, chúng ta chịu tác động nặng nề của Eninol, các nơi này khánh kiệt giờ lại mưa lũ lớn nên sẽ chịu tổn thương lớn.
“Chúng ta vừa chịu tác động cơn bão số 12, một cơn bão rất mạnh kèm theo mưa lớn đổ thẳng vào các vùng trên nên các vùng đó đều chịu ảnh hưởng của hoàn lưu gây mưa mà mưa rất lớn, có điểm 600ml, nên hồ đã đầy nước càng trở nên đầy nước, nguy cơ nhiều lưu vực sông quá sức chịu đựng, ẩn chứa hiểm họa. Có những lưu vực sông lên báo động 3 thậm chí có nơi lên trên báo động số 3, cận mốc lịch sử năm 1997.
Vùng trũng ngập nếu còn mưa nữa, nếu vận dụng quy trình buộc phải xả thì diện tích ngập sẽ tăng. Chính vì thế, công tác quản lý, giảm sát, điều hành vận hành của các hồ chứa, quy trình liên hồ chứa, công tác chỉ huy của ban Chỉ huy các tỉnh phải đặt lên quyết liệt, cụ thể hơn.
Chúng tôi đã huy động 3 đoàn công tác vào các khu vực đó để phối hợp với ban Chỉ huy các địa phương, chủ hồ, cơ quan hữu quan để báo cáo tình trạng các hồ trên toàn tuyến”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Nhận định thêm về cơn bão số 12, Bộ trưởng cho biết, cơn bão này về mức độ như cơn bão số 10 nhưng nguy hiểm là đổ bộ vào vùng Nam Trung Bộ đặc biệt có tỉnh Khánh Hòa, là vùng nhiều năm không có bão vào nên tổn hại lớn về người và vật chất.
Thêm nữa, cơn bão số 12, hoàn lưu để gây mưa trên khổ rất rộng và thời gian kéo dài. Đó cũng là điểm khác với cơn bão số 10.
“Chúng ta phải xây dựng các kịch bản cụ thể kể cả kịch bản xấu nhất trong tình hình mưa lũ hiện nay để huy động tổng lực lượng”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cũng thông tin thêm, theo đánh giá của Trung tâm, từ thời điểm này cho đến ngày mai (6/11), lượng mưa lớn nhưng cường độ mưa có xu hướng giảm hơn so với thời điểm cao điểm nhất là đêm 4/11, rạng sáng 5/11.
“Hoàn lưu bão đã kết thúc nhưng hiện tượng mưa còn kéo dài hết ngày 6/11 cho tới mùng 7/11 mới giảm hẳn”, ông Cường thông tin.
Về lũ, theo ông Hoàng Đức Cường, với lượng mưa lớn trong 2 ngày qua, Phú Yên, Khánh Hòa có lũ báo động 3; Quảng Bình, Quảng Ngãi lũ lên nhanh; Tây Nguyên lũ xuống chậm nhưng vẫn ở mức cao.
Đồng thời nguy cơ sạt lở đất ở Tây Nguyên rất cao, ngoài khơi ở Quy Nhơn, Bình Định trong đêm nay, ngày mai tiếp tục có mưa, sóng biển cao 1,2m.
Nguyễn Huệ