Gần đây đã có những vụ việc xử lý những triệu chứng y học đơn giản dẫn đến chết người gây xôn xao dư luận đều từ các bệnh viện, phòng khám tuyến dưới như: Mất mạng vì mổ nội soi ruột thừa ở Bệnh viên đa khoa Hải Dương, cắt amidan dẫn đến chết người ở Vĩnh Phúc, sốc thuốc chết người tại phòng khám Maria... Những điều đó khiến nhiều người bệnh lo sợ khi đến khám chữa bệnh ở bệnh viện tuyến dưới và phòng khám tư nhân. Quy định bệnh nhân không được tự ý “vượt tuyến” nhưng với sự “buông lỏng” quản lý chuyên môn của bệnh viện tuyến dưới khiến chuyện vượt tuyến đối với bệnh nhân hiện nay là khá phổ biến...
Những sự kiện mổ nội soi ruột thừa chết người tại Bệnh viện đa khoa Hải Dương
Bệnh đơn giản cũng thành... nan giải!?
PV Người đưa tin đã có một ngày lo sợ khi đi cấp cứu tại Bệnh viện XD, một bệnh viện ngành gần nhà. Mấy năm nay, bệnh viện này được đầu tư, nâng cấp từ phòng khám thành bệnh viện khiến bệnh nhân đến khám chữa bệnh đông hơn. Tâm lý người bệnh muốn được khám chữa, điều trị tại bệnh viện gần nhà để tiện chăm sóc.
Đồng nghiệp của tôi bị đau bụng, nhưng trước đó chị đã mổ ruột thừa nên lo lắng vào khám cấp cứu tại bệnh viện này. Tại đây, chị được bác sỹ thăm khám cho đi siêu âm sản khoa để loại trừ, rồi lại tiếp tục được cho đi chụp XQ chẩn đoán tiết niệu (thận), rồi đi chụp tim phổi, điện tim, xét nghiệm máu... Nghĩa là nội tạng của chị được các bác sỹ soi xét hết mong tìm ra nguyên nhân. Chạy gần hết các khoa của bệnh viện mà bệnh nhân cũng chẳng biết mình bị làm sao, đến phòng nào cũng có những chẩn đoán bệnh nặng, nghe phát hoảng.
Tại bệnh viện mà đồng nghiệp của tôi vào cấp cứu, mặc dù được chỉ định siêu âm sản khoa, nhưng thật khôi hài khi bác sỹ siêu âm gần 10 phút mà chẳng biết bệnh nhân có làm sao không, có thai hay không có thai bác sỹ cũng không nhìn thấy. Sau khi siêu âm, bác sỹ lại yêu cầu bệnh nhân mua que thử thai và ghi vào bệnh án “không có thai mới trong tử cung”. Ngoài ra, bác sỹ không chẩn đoán được gì thêm.
Còn khi chụp đường tiết niệu, nhân viên này cũng phán với người nhà khả năng bệnh nhân “có cơn đau quặn, sỏi thận”. Người nhà bệnh nhân nghe thấy vậy đâm lo. Sau khi đi chụp chiếu, bác sỹ khám cấp cứu yêu cầu nhập viện, với bệnh án “đau bụng không rõ nguyên nhân”. Dù bệnh nhân không sốt, huyết áp bình thường và “không rõ nguyên nhân” nhưng các bác sỹ tại đây vẫn chỉ định truyền, tiêm kháng sinh. Đến tối, bác sỹ đến khám, người bệnh hỏi đau bụng vì sao? Chị bất ngờ nghe bác sỹ nói: “Cứ nằm theo dõi đi, chưa rõ nguyên nhân. Ổ bụng phức tạp lắm. Làm sao mà tôi nhìn được”. Ô hay, bác sỹ khám bệnh mà không nhìn ra, không chẩn đoán được bệnh gì thì bệnh nhân tin tưởng làm sao!?.
Cuối cùng, dù bệnh viện vẫn giữ lại điều trị, đã nộp tiền rồi nhưng bệnh nhân kiên quyết đòi ra viện. Người nhà phải to tiếng với các nhân viên, bệnh nhân mới được ra khỏi viện.
Ngay hôm sau, khi chị PV của báo đi khám tại bệnh viện phụ sản, chỉ bằng động tác siêu âm hơn 1 phút, bác sỹ Nguyễn Duy Ánh đã khẳng định: “Có nhân xơ trong tử cung” và chỉ định đặt thuốc tiêu u xơ. Chia sẻ về việc bị truyền kháng sinh mà không rõ nguyên nhân, BS Thảo, và BS Ánh đều lắc đầu vì sự thiếu kinh nghiệm và điều trị ẩu của Bệnh viện XD. “Cũng may mà bệnh nhân này xin ra viện ngay, chứ ở lại “không rõ nguyên nhân” mà chịu truyền vài ngày kháng sinh thì nguy to. Thực tế, đã có không ít trường hợp sốc thuốc gây tử vong”, bác sỹ Thảo nói.
Tá hỏa, với cách điều trị của bệnh viện XD, bất giác đồng nghiệp của chúng tôi nghi ngờ, không biết lần mổ ruột thừa trước của chị có đúng không? Bởi theo các bác sỹ có kinh nghiệm thì mổ ruột thừa các bác sỹ chuyên môn thấp thường có tiêu chí... cắt nhầm hơn bỏ sót. Chúng tôi cũng biết thêm trường hợp của bệnh nhân (đề nghị giấu tên) đau bụng được bác sỹ bệnh viện XD chỉ định mổ ruột thừa sau khi đã làm một loạt các xét nghiệm. Nghi ngờ, bà xin ra bệnh viện Xanh-pôn kiểm tra lại thì các bác sỹ ở đây lại khẳng định bà không phải mổ ruột thừa.
Hay trường hợp của chị Nguyễn Kim Chi (Nghi Tàm- Hà Nội), có con chỉ viêm họng, sốt nhẹ nhưng khi vào một phòng khám đa khoa khám theo BHYT liền được nhập viện với bệnh án khá nặng, nhiễm trùng sâu. Cháu bé hơn 8 tháng tuổi bị truyền kháng sinh nát tay, chuyển cả lấy ven trên đầu. Thương con quá, chị Chi kiên quyết xin ra viện và đến bác sỹ chuyên tai- mũi- họng của Bệnh viện Tai- mũi -họng TW thì mới hay bệnh không có gì nghiêm trọng chỉ là viêm mũi dị ứng kéo theo viêm họng. Và để tránh dùng kháng sinh, hàng ngày chị Chi đưa con đi xông thuốc vậy là cũng khỏi.
Sự kiện chết người tại phòng khám õMarria, Hà Nội đang gây bất bình dư luận gần đây
Nguy cơ “chết oan” bệnh nặng không cho chuyển vì BHYT?!
Thay vì xu hướng “kính chuyển” lên tuyến trên những năm trước đây, hiện nay do mức khoán BHYT cho đầu thẻ nên bệnh viện tuyến dưới lại có tâm lý giữ bệnh nhân lại để điều trị. Mặc dù Bộ Y tế có quy định cụ thể trách nhiệm không được để bệnh nhân vượt tuyến và giữ bệnh nhân nặng trong khi không có khả năng điều trị.
Tuy nhiên, quy định là vậy, nhưng nếu bệnh nhân chuyển lên tuyến trên thì “công” chăm khám chữa bệnh và điều trị ban đầu không được BHYT thanh toán mà bệnh viện tuyến trên “chén hết” nên nhiều bệnh viện tuyến dưới không chuyển dù bệnh nhân đã chữa 2-3 lần không khỏi bệnh. Thậm chí, có những bệnh nhân vào cấp cứu vết thương nặng vẫn bị giữ lại và khi bệnh nhân tự chuyển lại bị gây khó khăn về thủ tục, giấy tờ.
Anh Nguyễn Văn Mạnh (Đông Anh- Hà Nội) bị những kẻ côn đồ hành hung và bị chấn thương vào đầu. Anh được đưa vào Phòng khám đa khoa ĐG (Hà Nội) tại đây các bác sỹ đã sơ cứu vết thương ban đầu và cho đi chụp XQ sọ não. Cho rằng bệnh nhân vẫn tỉnh táo và bệnh không nặng nên bệnh viện cho nhập viện điều trị. Sau một ngày, anh Mạnh vẫn đau đớn không chịu được, anh la hét, bò lồm cồm khắp bệnh viện. Người nhà anh Mạnh thấy vậy xin được chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Việt- Đức nhưng các bác sỹ tại phòng khám vẫn không cho chuyển.
Cực chẳng đã, người nhà anh Mạnh đành tự ý xin chuyển bệnh nhân sang Việt- Đức và chấp nhận ký cam kết tự chịu trách nhiệm trong quá trình chuyển bệnh. Và lẽ đương nhiên, vì gia đình tự chuyển đi nên bệnh viện không cho bác sỹ theo xe cấp cứu. Chỉ sang Việt- Đức chụp cắt lớp các bác sỹ tại đây phát hiện ra bệnh nhân có cục máu đông lớn nằm trong não. “Bệnh nhân nặng như thế này, giữ lại điều trị tuyến dưới để người ta chết oan à”, bác sỹ bệnh viện Việt Đức khẳng định như vậy với người nhà bệnh nhân. Do điều trị muộn một ngày, dù không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng anh Mạnh đã đem theo di chứng bệnh não cả đời. Anh thường xuyên bị đau đầu, ốm yếu khi trái nắng, trở trời.
Trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Mạnh Dũng (Từ Liêm- Hà Nội) bị đau bụng và được đưa đến khám tại Bệnh viện NTL trong đêm nhưng quá trình làm xét nghiệm chẩn đoán bệnh quá chậm, đến tận chiều hôm sau mới được dự đoán thủng dạ dày hay tắc ruột. Anh Dũng cũng không thể nội soi vì đau quá và đã mệt lả. Gia đình anh Dũng xin chuyển lên Bệnh viện E sau khoảng 12 giờ chờ các bác sỹ Bệnh viện NTL… tìm bệnh.
Tại Bệnh viện E, các bác sỹ không thể chụp chiếu hay làm xét nghiệm vì lúc này toàn thân anh Dũng đã nhiễm khuẩn, huyết áp tụt thấp, rơi vào hôn mê sâu. Các bác sỹ bệnh viện này cho biết, bệnh nhân Dũng được chuyển đến quá muộn. Theo yêu cầu của gia đình, bệnh viện E vẫn phẫu thuật.
Để tiến hành phẫu thuật, bệnh viện này phải dùng kết quả chụp X-quang của bệnh viện NTL nhưng những nỗ lực cuối cùng không thành. Sau 10 ngày hôn mê ở bệnh viện E, anh Dũng qua đời... Gia đình có khiếu nại, nhưng ban giám đốc Bệnh viện NTL vẫn khẳng định đã chuyển bệnh nhân kịp thời.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, một bác sỹ khoa cấp cứu của Bệnh viện Việt Đức khẳng định: “Đau bụng ngoại khoa như trường hợp của anh Dũng tuyến trên chẩn đoán còn thấy khó nói gì đến tuyến dưới. Nếu thấy khó tìm ra bệnh mà sức khỏe bệnh nhân giảm nhanh thì phải chuyển ngay nên bệnh viện tuyến trên. Sự chậm trễ của bệnh viện tuyến dưới vô tình hay cố ý giữ bệnh nhân đều có nguy cơ khiến người bệnh...chết oan”.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, hiện nay người dân không tin tưởng trình độ chuyên môn của bác sỹ tuyến dưới nên thường vượt tuyến khám chữa bệnh. Bà Xuyên cho rằng, tâm lý người bệnh như trường hợp này là rất phổ biến. Bởi có nhiều người người lo ngại, nếu không vượt tuyến, ở tuyến dưới điều trị bệnh nhẹ hóa nặng, ví như mổ ruột thừa cũng tử vong. bác sỹ Nguyễn Minh Hồng khẳng định.
Cần có chiến lược, luân chuyển bác sỹ từ các bệnh viện TW về tuyến dưới Nhìn nhận thực tế này, bác sỹ Nguyễn Minh Hồng, thành viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH cho rằng: “Việc lạm dụng các xét nghiệm, lạm dụng chụp chiếu nhiều tại các bệnh viện tuyến dưới cũng có. Đấy chẳng qua là do tay nghề của “các bác sỹ kính chuyển” này kém quá thôi. Vấn đề đặt ra với ngành y tế là cần có chiến lược, luân chuyển bác sỹ từ các bệnh viện TW về tuyến dưới; đào tạo, nâng cao trình độ y bác sỹ. Nếu giảm được tai biến từ tuyến dưới, người dân tin tưởng chẳng dại gì vượt tuyến cho tốn kém”. |
Hà Lan