Con số kinh hoàng này là kết quả của hàng loạt vụ giao tranh giữa những người ủng hộ cựu Tổng thống Morsi và lực lượng an ninh Ai Cập tại Cairo từ ngày 14/8. Tổ chức Anh em Hồi giáo ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohammed Morsi kêu gọi tổ chức các cuộc tuần hành mới ở thủ đô Cairo để phản đối các hành động bắn giết của chính phủ hôm 14/8.
Các cuộc tuần hành mới bắt đầu từ chiều 15/8 và xuất phát từ nhà thờ Al-Iman sau khi các lực lượng an ninh xông vào hai khu lều trại của người biểu tình ở Cairo, sát hại dã man hàng trăm người ủng hộ Tổng thống Morsi đang tham gia cuộc biểu tình ngồi từ vài tuần nay. Vụ bạo động đã khơi mào cho nhiều vụ đụng độ tại những khu vực khác của Ai Cập, kể cả tại Alexandria và Suez.
Ai Cập chìm trong máu và khói đạn. Ảnh CNN
Chính phủ Ai Cập đã phải lập tức ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một tháng tại Cairo và 13 tỉnh thành trên cả nước. Lệnh giới nghiêm cũng được áp dụng hàng ngày từ 19 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. Ngoài ra, chính quyền Ai Cập cũng quyết định đóng cửa khẩu biên giới với dải Gaza, làm hàng trăm du khách Palestine bị kẹt ở hai bên cửa khẩu, cổng duy nhất vào lãnh thổ Palestine.
Trước đó, nhà chức trách Ai Cập đã nhiều lần khuyến cáo sẽ hành động chống lại những người biểu tình ủng hộ phe Hồi giáo và Tổng thống dân bầu Morsi. Tuy nhiên, mức độ thảm khốc của vụ trấn áp đã vượt ra ngoài suy đoán của nhiều người cũng như của cộng đồng quốc tế, trở thành thời kỳ đẫm máu nhất kể từ khi bắt đầu phong trào Mùa xuân Ả Rập năm 2011.
Ngày 15/8, truyền hình quốc gia Ai Cập đưa tin Tổng thống lâm thời nước này Adli Mansour đã chấp thuận đơn từ chức của Phó Tổng thống phụ trách quan hệ đối ngoại Mohamed ElBaradei do tình trạng bạo lực đẫm máu trong vụ trấn áp người biểu tình ủng hộ cựu Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi. Ông ElBaradei đã đệ trình đơn xin từ chức vào hôm 14/8 vừa qua, sau khi xảy ra các cuộc đụng độ đổ máu giữa các lực lượng an ninh và người biểu tình.
Trong khi đó, Bộ Nội vụ Ai Cập cho biết bộ này đã chỉ thị cho lực lượng cảnh sát sử dụng đạn thật để đối phó với các cuộc tấn công của người biểu tình chống chính phủ.
Trước tình hình nghiêm trọng nói trên, hàng loạt quốc gia đã bày tỏ quan ngại sâu sắc lên Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ). Các nhà ngoại giao cho biết Anh, Pháp và Australia ngày 15/8 đã yêu cầu HĐBA LHQ tổ chức một cuộc họp khẩn cấp để thảo luận về tình trạng bạo lực đẫm máu ở Ai Cập. Theo các nhà ngoại giao, cuộc họp khẩn cấp này sẽ được tham vấn kín và có khả năng diễn ra vào tối cùng ngày.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói với báo giới tại thủ đô Ankara: “HĐBA LHQ cần triệu tập ngay một cuộc họp khẩn cấp để thảo luận về tình hình Ai Cập. Đây là một vụ thảm sát kinh hoàng... chống lại người dân Ai Cập, những người vốn dĩ chỉ tham gia biểu tình hoà bình”.
Pháp và Anh đã triệu Đại sứ Ai Cập tại hai nước này để bày tỏ quan ngại sâu sắc về làn sóng bạo lực. Trung Quốc, Đức, Australia và New Zealand cho rằng tình trạng bạo lực ở quốc gia Bắc Phi này là một thảm họa khủng khiếp và kêu gọi các bên bình tĩnh. Bộ Ngoại giao Nga khuyến cáo du khách không nên tới Ai Cập vào thời điểm này.
Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) và Barain cũng bày tỏ ủng hộ các biện pháp mạnh tay của chính phủ lâm thời Ai Cập. Tuy nhiên, hai nước này vẫn hối thúc các bên thực thi hòa giải và đồng thuận dân tộc, tiến hành đối thoại để khôi phục vị thế lãnh đạo của Ai Cập trong thế giới Ả Rập và Hồi giáo.
Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố nước này đã hủy cuộc tập trận với Ai Cập dự kiến diễn ra vào tháng tới để phản đối việc giết hại hàng trăm người biểu tình.
Phát biểu tại nơi nghỉ dưỡng trên đảo Martha's Vineyard, bang Massachusetts, Tổng thống Obama nêu rõ: “Mỹ lên án mạnh mẽ các biện pháp do chính phủ lâm thời và lực lượng an ninh Ai Cập tiến hành. Chúng tôi lấy làm tiếc về bạo lực nhằm vào người dân. Chúng tôi ủng hộ những quyền cơ bản, trong đó có quyền được biểu tình hòa bình”.
Trước đó, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, Mỹ, Nga và Ecuador cũng đã bày tỏ phản đối mạnh mẽ các hành vi bạo lực nhằm vào người biểu tình ở Ai Cập.
Những hình ảnh tang thương tại Ai Cập:
Ảnh: CNN |
Tuệ Minh (tổng hợp)