Tính từ đầu tháng 10 đến nay, số ca mắc bệnh tay chân miệng nhập viện tại bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ đã đạt con số kỷ lục 1.300 ca, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Tại bệnh viện Nhi đồng TP. Cần Thơ, giữa tháng 10, số ca mắc bệnh tay chân miệng nhập viện lên tới 1.300 ca. Tại khoa Nhiễm – thần kinh, mỗi ngày tiếp nhận hơn 200 bệnh nhi điều trị ngoại trú, trong khi khoa chỉ có 70 giường bệnh. Các bé được bố trí 2 bé/giường, lúc cao điểm có khi phải bố trí 5 bé/giường. Bệnh viện phải tiến hành cho kê thêm 90 giường, tận dụng hành lang bệnh viện để ứng phó với tình trạng quá tải.
Theo viện Pasteur Nha Trang, đến nay, 11 tỉnh, thành phố miền Trung từ Quảng Bình đến Ninh Thuận đã ghi nhận gần 8.100 ca mắc tay chân miệng, tăng hơn 1.000 ca so với cùng thời điểm này năm ngoái.
Những địa phương có số ca tay chân miệng mức cao trong khu vực là Khánh Hòa gần 1.500 ca; TP. Đà Nẵng gần 1.400 ca; Quảng Ngãi 1.300 ca, tập trung ở trẻ dưới 5 tuổi.
Tỉnh Đồng Tháp là nơi có tổng số ca mắc tay chân miệng tăng cao nhất trong khu vực, tính từ đầu năm đến nay đã ghi nhận trên 2.000 ca (hơn 80% là trẻ dưới 3 tuổi), số liệu này vẫn chưa đầy đủ do bệnh nhi mắc tay chân miệng điều trị ngoại trú còn rất nhiều.
Còn toàn tỉnh Vĩnh Long đã ghi nhận có 302 ca bệnh tay chân miệng nhập viện điều trị. So với tháng liền kề trước tăng 225 ca, chiếm tỉ lệ gần 300%. Tại hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh đều có số ca bệnh tay chân miệng tăng như: Long Hồ (tăng 68 ca), TP. Vĩnh Long (tăng 45 ca), Vũng Liêm và Tam Bình (mỗi nơi tăng 28 ca).
Tại Hậu Giang, số ca mắc tay chân miệng từ đầu năm 2018 đến nay là 343 ca (các ca bệnh chủ yếu ở độ 1 và độ 2A). Thế nhưng, theo báo cáo của trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hậu Giang, gần đây diễn biến bệnh tay chân miệng bắt đầu tăng đáng kể.
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Sóc Trăng ghi nhận trên 500 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, dịch bệnh đã xuất hiện ở tất cả 11 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh.
Tại Cà Mau, ngành Y tế dự phòng tỉnh cũng đang báo động về dịch tay chân miệng ở trẻ em với gần 600 ca mắc.
Bác sĩ Nguyễn Tam Lãm, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, trung tâm Y tế dự phòng TP. Đà Nẵng khuyến cáo: Hiện nay có nhiều ca biến chứng nặng có thể gây tử vong cho trẻ. Vì vậy lưu ý người dân, đặc biệt là cô nuôi dạy trẻ phải rửa tay bằng xà phòng, nước sạch, nhất là trước khi cho trẻ ăn và sau khi đi vệ sinh; Ăn uống chín, môi trường thông thoáng, khử trùng phòng học, đồ chơi, không cho trẻ dùng chung đồ dùng sinh hoạt; khi trẻ có dấu hiệu bệnh tay chân miệng phải cách ly kịp thời, tránh lây lan.
Phong Linh (tổng hợp)