“Làn sóng” hưởng ứng ở nhà “ngày tím”
Trong tuần qua, Hà Nội liên tiếp nằm trong top những thành phố ô nhiễm nhất thế giới, theo xếp hạng của Air Visual. Các chuyên gia cũng đánh giá, đây có thể là đợt ô nhiễm không khí “khủng khiếp” nhất tại Hà Nội từ trước đến nay.
Cụ thể, khắp nơi ô nhiễm tăng, khói bụi, khí thải bị “mắc kẹt” nhưng không thể phát tán do hiện tượng nghịch nhiệt, khiến bầu trời như luôn có sương mù bao quanh. Sức khỏe của người dân cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt thuộc nhóm người già, trẻ em và người có tiền sử mắc các bệnh về hô hấp mãn tính liên tục phải nhập viện do mắc các vấn đề về sức khỏe.
Trước đó, tổ chức xã hội CHANGE, dưới sự tài trợ của Tổng lãnh sự Đức tại TP.Hồ Chí Minh đã phát động phong trào “Ở nhà làm việc ngày ô nhiễm” nhằm hướng đến việc doanh nghiệp cho phép nhân viên làm việc ở nhà trong những ngày chất lượng không khí lên ngưỡng tím.
Được biết, “Ở nhà làm việc ngày ô nhiễm” là hoạt động trong khuôn khổ chiến dịch “Không khí sạch, Bầu trời xanh” do CHANGE thực hiện xuyên suốt năm 2019; mong muốn thúc đẩy những cuộc thảo luận mạnh mẽ trên mạng xã hội, hướng sự quan tâm của cộng đồng đến vấn đề bảo vệ sức khỏe cá nhân trong những ngày chỉ số chất lượng không khí từ mức báo động tím (201-300).
Chính vì vậy, đây được nhiều người lao động xem là một đề xuất khá thiết thực trong những ngày ô nhiễm đỉnh điểm.
Biết đến đề xuất trên, chị Cao Thị Hà, nhân viên thiết kế trong một công ty tại Mỹ Đình, Cầu Giấy, Hà Nội bày tỏ: “Tác hại của bụi mịn không thể xem thường. Theo tôi, vào những ngày chỉ số ô nhiễm tăng cao, đặc biệt là ngưỡng tím, các doanh nghiệp nên cân nhắc cho nhân viên văn phòng hoặc những vị trí không phải trực tiếp vận hành, điều khiển máy móc làm việc ở nhà theo hình thức không bắt buộc, việc trao đổi với đồng nghiệp chủ yếu có thể thông qua hình thức trực tuyến.
Việc tạo điều kiện cho nhân viên làm việc ở nhà vừa hạn chế tác động của ô nhiễm đến sức khỏe, vừa hạn chế nguồn phát thải từ các phương tiện giao thông cá nhân ra môi trường”.
Đồng tình với đề xuất trên, anh Lương Văn Hải, một nhân viên truyền thông tại Hà Nội cũng chia sẻ: “Cá nhân tôi ủng hộ đề xuất “Ở nhà làm việc ngày ô nhiễm” của CHANGE. Đặc biệt, bây giờ đang là dịp cuối năm, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, vấn đề sức khỏe càng nên đặt lên trên hết.
Ngoại trừ một số công việc đặc thù, cần sử dụng các phương tiện chung để làm việc thì phải đến công ty. Còn lại, đối với một số nhân viên như tôi, có thể làm việc bằng phương tiện cá nhân thì có thể làm ở nhà trong những ngày chỉ số ô nhiễm tăng cao, chỉ cần đảm bảo tiến độ làm việc thì theo tôi, không có vấn đề gì cả”.
Cần sự đồng bộ hóa, quản lý hiệu quả
Bà Trần Thị Ánh Nguyệt, Phó Giám đốc công ty SOS Môi trường cho rằng: “Theo tôi, đối với những bộ phận nhất định có thể xử lý công việc online, không cần thao tác trực tiếp trong các doanh nghiệp, có thể tạo điều kiện để thực hiện “Ở nhà làm việc ngày ô nhiễm”. Thứ nhất, vừa giảm lượng khí thải ra môi trường, vì ít nhất mỗi người đã sử dụng một xe máy, chưa kể đến có người sử dụng ô tô. Thứ hai, một số người lao động được làm việc tại nhà, sẽ không phải “bon chen” ngoai đường giữa bầu không khí “ngột ngạt” bụi mịn kia”.
Phó Giám đốc công ty SOS Môi trường cũng phân tích thêm: “Tuy nhiên, để đảm bảo công việc vẫn vận hành hiệu quả, cần phải đảm bảo sự quản lý tốt, công nghệ kết nối tốt. Nếu có thể thực hiện như vậy, thì sự thay đổi này sẽ rất văn minh!
Bên cạnh đó, để thực hiện được kế hoạch này, cũng cần có sự cập nhật thường xuyên, có sự liên kết thông tin giữa các Bộ, ban, ngành, cập nhật thông tin chất lượng không khí, chất lượng môi trường mỗi ngày từ trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, chuyển đến các doanh nghiệp.
Điều quan trọng không phải chỉ là ý muốn của các doanh nghiệp, mà là sự liên kết giữa các cơ quan có đảm bảo được hay không?
Nếu có thể đồng bộ hóa thì đề xuất này thực sự sẽ trở thành một phương án “cứu cánh” cho nhiều người lao động giữa tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay”.
TS. Ngụy Thị Khanh, Giám đốc trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh cũng đánh giá, đây là giải pháp cần thiết, tuy nhiên phải cân nhắc đến điều kiện công việc của từng người.
Trước đó, Tổng cục Môi trường đã ban hành hướng dẫn kỹ thuật tính toán và công bố chỉ số ô nhiễm không khí mới của Việt Nam. Theo đó, chỉ số chất lượng không khí được chia thành 6 nhóm, tương ứng với 6 màu sắc để cảnh báo chất lượng không khí và mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe con người, giống với cách phân loại AQI của Mỹ.
Chỉ số AQI ở ngưỡng đỏ thuộc nhóm có hại cho sức khỏe, ngưỡng tím thuộc nhóm rất có hại cho sức khỏe. Theo cách phân loại mới của Việt Nam, không khí lên ngưỡng tím, người già, trẻ nhỏ, người mắc bệnh hô hấp tránh ra ngoài, các nhóm khác nên hạn chế ra ngoài.