Nhờ sự bảo kê này, các sòng bạc gần như hoạt động lộ liễu, gây mất trật tự nơi công cộng, bất chấp những quy định của pháp luật.
Vì "quan" cũng mê sát phạt...
Ngày 3/6, cơ quan CSĐT công an huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) cho biết đã ra lệnh bắt tạm giam đối với các đối tượng Nguyễn Văn Ninh (36 tuổi), phó bí thư Đảng ủy, chủ tịch HĐND xã Lộc Phú, Đại biểu HĐND huyện Bảo Lâm với tội danh tham gia đánh bạc đồng thời tổ chức cho vay và nhận cầm cố tài sản của các con bạc, và Trần Công Tài (41 tuổi), cán bộ Tư pháp xã Lộc Phú về hành vi đánh bạc.
Theo thông tin từ người dân địa phương cho biết, thực chất tổ chức đánh bạc này được hình thành từ nhiều năm nay. Các con bạc thường đi xe ô tô tụ tập tại chòi cà phê của ông P.Đ.D. (ở thôn 3, xã Lộc Phu) để chơi xóc đĩa với số tiền đặt cược lớn. Các đối tượng tham gia đánh bạc không chỉ ở địa phương mà đến từ nhiều nơi khác nhau trong tỉnh. Ổ bạc được tổ chứa quy mô, chuyên nghiệp, có người ra vào canh gác, nên khi lực lượng chức năng ập vào kiểm tra thì rất khó phát hiện.
Cán bộ, lãnh đạo Sở GTVT Hà Tĩnh bị bắt quả tang đánh bạc trong giờ làm việc.
Cơ quan CSĐT công an huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) cũng vừa cho biết vẫn đang tiếp tục điều tra, xử lý Lê Văn Bắc (29 tuổi), Phó trưởng công an xã Tân Lập (huyện Đồng Phú) và hai cán bộ địa chính xã Tân Lập là Nguyễn Đình Cư và Nguyễn Văn Hải (đều 31 tuổi), về hành vi đánh bạc. Trước đó, ngày 11/4, lực lượng chức năng của cơ quan công an huyện Đồng Phú bất ngờ kiểm tra quán cà phê Chiều Tím, bắt quả tang 3 đối tượng trên đang tham gia sát phạt cùng một số đối tượng khác. Tại hiện trường lực lượng chức năng thu giữ 2,5 triệu đồng trên chiếu bạc và ba chiếc xe máy.
Ngày 8/4, UBND huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai) cho biết đã buộc thôi việc đối với 4 cán bộ tại địa phương về hành vi vi phạm đạo đức và văn hóa giao tiếp của cán bộ khi thi hành công vụ, vi phạm quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng. Trong quá trình thi hành nhiệm vụ kiểm tra các đối tượng tham gia sát phạt đỏ đen, 4 cán bộ công an xã Gia Tân (huyện Thống Nhất) gồm: Nguyễn Quang Vinh, phó trưởng công an xã Gia Tân 3; Đỗ Khương Duy, Bùi Tấn Đạt, Lê Quốc Thiện cùng là công an viên đã nhận tiền bảo kê của sòng bạc. Sự việc này không lâu sau bị người dân phát giác và làm đơn tố cáo lên UBND huyện Thống Nhất. Được biết, trước khi bị buộc thôi việc, 4 đối tượng trên thường xuyên nhận tiền để bảo kê cho một số sòng bài hoạt động trên địa bàn xã Gia Tân 3.
Sau một thời gian theo dõi, ngày 28/1, công an huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau) bất ngờ ập vào quán cà phê của ông D.T.C. thuộc địa bàn xã Tân Hưng, huyện Cái Nước, tóm gọn 6 đối tượng đang tham gia sát phạt trong đó có ông Võ Đông Sơ (44 tuổi) cán bộ tài chính xã Tân Hưng. Trước thông tin này, chiều ngày 29/1, ông Lê Thanh Cương, phó chủ tịch UBND xã Tân Hưng đã lên tiếng xác nhận ông Võ Đông Sơ đã tham gia đánh bạc và bị công an bắt quả tang. Là cán bộ nhưng không làm gương trước quần chúng nhân dân, ông Sơ bị kiểm điểm trước toàn thể hội đồng UBND xã Tân Hưng.
Tương tự hành vi lợi dụng chức vụ để bù khú đỏ đen, đầu tháng 1/2013, công an tỉnh Vĩnh Phúc tạm giữa hình sự đối với 4 đối tượng trong đó có Trưởng công an xã, thường trực Đảng ủy xã Đồng Hoàng Đan (huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) cùng một số đối tượng khác về hành vi đánh bạc. Cụ thể các đối tượng bao gồm: Lê Tiến Bộ (54 tuổi), Trưởng công an xã; Lê Văn Hiển (31 tuổi), thường trực Đảng ủy xã; Lê Văn Giao (61 tuổi), Xã đội trưởng và Phạm Văn Nở (53 tuổi) đều ngụ tại tại xã Đồng Hoàng Đan. Khoảng 14h30', ngày 2/1, các đối tượng này đang tổ chức đánh phỏm ăn tiền tại nhà ông P.T.T. (43 tuổi) thì bị lực lượng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45 - Công an tỉnh Vĩnh Phúc) ập vào bắt quả tang và thu giữa tang vật với hơn 12 triệu đồng.
Những tang vật được lực lượng chức năng thu giữ tại hiện trường sới bạc.
... nên dân thoải mái "đỏ đen"?
Tiến sĩ Nguyễn Công Thoại, hội Tâm lý giáo dục Việt Nam nhận định: "Một xu hướng nguy hiểm đang diễn ra hiện nay là ngày càng có nhiều cán bộ, quan chức Nhà nước liên quan đến các sòng bạc hoạt động trái pháp luật. Thậm chí, có cán bộ còn "bảo kê", điều hành, cầm cái hoạt động của sòng bạc. Những vụ việc liên tiếp bị người dân phát hiện và tố giác vừa qua là những ví dụ tiêu biểu cho vấn đề này. Đây là thực tế xã hội rất nguy hiểm bởi nó không chỉ làm xấu đi bộ mặt của cơ quan Nhà nước mà còn khiến cho dư luận người dân phản đối, bức xúc. Việc hàng loạt "quan xã" tại xã Lộc Phú (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) tham gia đánh bạc (trong đó có ông Nguyễn Văn Ninh (36 tuổi), hiện là phó bí thư Đảng ủy xã, chủ tịch HĐND xã Lộc Phú là người "cầm cái" sòng bạc) là chuyện không thể tin nổi. Các cơ quan chức năng cần phải xử lý thật nghiêm, để cảnh tỉnh những "công bộc" của người dân này".
Luật sư Phạm Văn Phúc, Văn phòng tư vấn Luật Phúc & Đồng sự cho biết, hàng loạt quan chức từ cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh... tại nhiều địa phương trong cả nước tham gia đánh bạc đã bị cơ quan chức năng xử lý nghiêm, có hình phạt thích đáng. Nhưng vẫn không cảnh tỉnh được nhiều cán bộ về mức độ nguy hại của việc tham gia đánh bạc, tổ chức đánh bạc. Hiện quy định của pháp luật về việc xử phạt các hành vi này vẫn còn chưa nghiêm khắc, chưa đủ sức răn đe người khác. Qua vụ việc lần này, các cơ quan chức năng cần phải tiến hành điều tra, làm rõ vai trò của các cán bộ liên quan đến sòng bạc để có các hình thức xử phạt tăng nặng, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.
Một cán bộ công an (giấu tên) ở tỉnh Đồng Nai cho biết: "Vấn nạn các cán bộ tham gia vào những cuộc sát phạt đỏ đen đến quên cả giờ giấc làm việc, hoặc tiếp tay cho các sòng bạc hoạt động không phải là chuyện hiếm gặp. Nhưng đây chỉ là tình trạng "con sâu làm rầu nồi canh" chứ không phải tất cả cán bộ đều tha hóa như vậy. Tuy nhiên, cũng chính vì sự buông lỏng quản lý, vì những “con sâu” hay nói cách khác là những cái “cọc mục” này, mà ngày càng nhiều chiếu bạc lộng hành ở khắp mọi miền quê. Ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh, uy tín, phẩm cách của người cán bộ trong mắt nhân dân".
Ông Nguyễn Hữu Nhân, cán bộ hưu trí (50 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) bức xúc: "Việc cán bộ, công an xã đánh bạc hoặc bảo kê, “chống lưng” cho các sòng bạc còn cho thấy họ đang lợi dụng chức quyền mà mình có để làm điều phi pháp. Tôi tự hỏi, phải chăng thời gian làm việc của các vị này quá rảnh rỗi, nên mới nảy sinh những hành vi không lương thiện. Cả một tổ chức của UBND xã lớn như vậy, chưa kể các cấp cao hơn sao lại có thể không biết chuyện một số cán bộ của mình đánh bạc. Họ đang làm ngơ hay quá thờ ơ việc quản lý cán bộ của mình? Và tại sao hầu hết các sới bạc bị phát hiện đều do người dân thông báo lên, hoặc tự mình quay phim, chụp ảnh làm bằng chứng giao cho báo chí thì sự việc mới được phanh phui? Còn không thì có bị công an phát giác, vài ba ngày sau lại hoạt động trở lại? Nếu còn có những cán bộ tiếp tay cho những hành vi trái pháp luật này, thì người dân chúng tôi còn biết tin và trông cậy vào ai nữa, để bảo vệ cho mình?". Do đó tôi nghĩ với những trường hợp đã bị phanh phui cần phải xử lý nghiêm, làm gương cho kẻ khác
Chính quyền loay hoay trong việc xử lý cán bộ đánh bạc, bảo kê sòng bài Hầu hết các vụ quan xã đánh bạc bị phát hiện, chính quyền địa phương vẫn loay hoay không biết phải xử lý ra sao cho đúng. Điển hình như vụ triệt phá sòng bạc do chủ tịch HĐND "cầm cái" ở xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Trả lời báo chí ông Nguyễn Văn Châu, bí thư Đảng ủy, chủ tịch UBND xã Lộc Phú cho biết, vụ việc đang chờ kết quả điều tra chính thức từ Cơ quan CSĐT công an huyện Bảo Lâm. Khi có kết quả này, chính quyền địa phương mới có hướng xử lý cán bộ vi phạm. Nhiều luật sư cho rằng, luật pháp quy định hình thức đánh bạc chỉ xử phạt ở mức phạt hành chính. Nhưng với các "quan xã" đánh bạc thì các cơ quan chủ quản cần mạnh tay hơn, nên cho thôi việc để loại trừ những "con sâu" đang làm xấu đi hình ảnh người cán bộ, khiến người dân bức xúc, không yên. |
Quyên Triệu - Hương Lam