Ngày 8/2/2017, Bộ trưởng bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã ký quyết định loại toàn bộ các thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất 2,4 D và paraquat ra khỏi danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam.
Theo đó, các doanh nghiệp chỉ được phép nhập khẩu tối đa các loại hoạt chất này là 1 năm và buôn bán, sử dụng tối đa là 2 năm tính từ ngày quyết định có hiệu lực, theo khoản 3, điều 7 Thông tư 21 quy định về quản lý thuốc bảo vệ thực vật ban hành ngày 8/6/2015 của bộ NN-PTNT.
Quyết định mà bộ NN-PTNT đưa ra đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ của cộng đồng và ngay chính các y, bác sĩ trong ngành bởi nó có thể làm giảm thiểu hàng nghìn ca tử vong do ngộ độc paraquat mỗi năm.
ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai cho biết, thống kê tại Trung tâm Chống độc cho thấy số người ngộ độc hóa chất paraquat trong 17 năm trở lại đây có xu hướng tăng lên đáng kể.
Chỉ tính riêng năm 2015, bệnh viện đã tiếp nhận khoảng 300 ca, sang năm 2016, số ca ngộ độc do chất này gây ra lên tới con số khoảng 450 ca, tỉ lệ tử vong lên tới 70% sau khi đã được điều trị bằng các phương pháp. Đây mới là con số thống kê tại Trung tâm chống độc, bệnh viện Bạch Mai.
Nói về con số bị ngộ độc paraquat được tính trên cả nước, BS. Nguyên ước chừng khoảng 1.000 trường hợp. Đáng chú ý là con số này ngày càng tăng dần lên theo các năm.
Những bệnh nhân cứu chữa được thì di chứng để lại cho sức khỏe vẫn hết sức nặng nề như di chứng về tổn thương gan, xơ phổi, khó thở, suy hô hấp, bệnh phổi mãn tính…
Nói về nguyên nhân dẫn tới rất nhiều vụ ngộ độc paraquat, ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên chỉ ra nhiều nguyên nhân trong đó có những nguyên nhân rất đỗi bình thường như: chán nản, bức xúc hoặc giận dỗi, mâu thuẫn gia đình… nhưng cũng khiến bệnh nhân tìm đến cách tự tử bằng paraquat.
“Nhưng nhìn chung, những bệnh nhân được cứu sống thì đều hối hận vì đã tự tử và nếu có thể quay lại thì sẽ không lựa chọn tự tử nữa”, BS. Nguyên nói.
Cũng theo ThS.BS Nguyên, mới đây Trung tâm Chống độc tiếp nhận 3 bệnh nhân uống hóa chất tự tử. Trong đó có 1 trường hợp tiên lượng xấu, gia đình xin làm thủ tục xuất viện.
Đó là trường hợp bệnh nhân H.T.B. (71 tuổi, ở huyện Đông Anh, TP.Hà Nội). Gia đình bệnh nhân cho biết, bệnh nhân B. nhập viện ngày 12/2 vì dùng thuốc diệt cỏ với mục đích tự tử.
Khi nhập viện, bệnh nhân vẫn tỉnh táo nhưng hệ tiêu hóa, hô hấp đã bị tổn thương. Sau hai ngày điều trị tích cực, tiên lượng bệnh nhân xấu nên chiều 14/2 gia đình đã làm thủ tục xin về.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhân H.V.Đ. (35 tuổi, ở Bắc Giang), đang được các bác sĩ hết mình cứu chữa sau khi dùng thuốc diệt cỏ vì chuyện mâu thuẫn vợ chồng.
Bệnh nhân Đ. vào viện ngày 13/2 trong tình trạng tỉnh táo, xuất hiện triệu chứng đau rát họng, sau khi tiến hành xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện có chất paraquat ở trong nước tiểu và máu.
Cuối cùng là trường hợp bệnh nhân N.T.K. (24 tuổi, ở Quảng Ninh) nhập viện vào rạng sáng ngày 14/2, trong tình trạng tỉnh táo. Trước đó, bệnh nhân có uống một ngụm thuốc diệt cỏ, sau đó được phát hiện và đưa đi cấp cứu.
ThS.BS Nguyên cho biết, paraquat hấp thụ vào cơ thể rất nhanh, chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ đã đạt nồng độ cao trong máu, vào nhanh trong phổi gây tổn thương nặng nề. Điều đáng nói là khi phổi tổn thương, bệnh nhân khó thở, nếu cho thở oxy cộng với chất độc này thành chất cực độc hơn paraquat và gây tổn thương phổi mạnh thêm, việc cấp cứu càng khó khăn.
“Bệnh nhân nguy cấp lắm bác sĩ mới cho thở oxy”, BS. Nguyên chia sẻ.
Hiện nay, các phương pháp điều trị được áp dụng là lọc máu hấp phụ độc chất phối hợp uống các thuốc ức chế miễn dịch chống xơ phổi nhưng chi phí điều trị đắt đỏ, từ 50 - 100 triệu đồng. Với những nạn nhân nhập viện muộn, hoặc uống nhiều paraquat đã ngấm vào cơ thể thì bệnh tình gần như vô phương cứu chữa, có thể tử vong sau 3 ngày, đại đa số bệnh nhân tử vong sau 5 – 7 ngày hoặc 3 tháng.
“Ngộ độc gây tử vong chủ yếu qua đường tiêu hóa. Phần lớn bệnh nhân sau khoảng 18, 21 ngày không khó thở thì cơ hội sống cao. Để chắc chắn, sau 3 tháng bệnh nhân không sao thì cơ hội sống cao còn thời gian đầu chưa nói được gì.
Chúng tôi vẫn thường chia sẻ với người nhà bệnh nhân, chừng nào bệnh nhân chưa khó thở thì an tâm cứu chữa, còn bệnh nhân khó thở thì khả năng cứu chữa khó hơn”, BS. Nguyên nói thêm.
- Paraquat có nhiều tên gọi khác: 4,4'-bipyridinium,1,1'-dimethyl-; 1,1'-dimethyl-4,4'-bipyridinium; N,N'-dimethyl-4,4'-bipyridinium; N,N'-dimethyl-gamma, gamma'-dipyridinium; Dimethyl viologen; Gramoxone s; Methyl viologen; Paraquat dication; Paraquat ion; Priglone; Pillarquat - Là thuốc trừ cỏ thường được sử dụng nhất trong nhóm hợp chất amonium bậc 4 bipyridylium. Hiện nay, ở nước ta có nhiều sản phẩm paraquat khác nhau như: Gramoxone 20 SL, Agamaxone 276 SL, Alfaxone 20 SL, BM - Agropac 25SL, Camry 25 SL, Cỏ cháy 20 SL, Danaxone 20SL, Forxone 20SL, Hagaxone 20 SL, Heroquat 278 SL, Nimaxon 20 SL, Paraxon 20 SL, Pesle 276 SL, Thảo tuyệt 20 AS, Tungmaxone 20 SL - Paraquat là một chất cực độc. Điểm đặc biệt của paraquat là rất có ái lực với phổi, gây tổn thương phổi và xơ phổi tiến triển không hồi phục, nguyên nhân chính dẫn tới tử vong. Rất nhiều biện pháp điều trị đã được nghiên cứu và áp dụng nhưng nói chung hiệu quả rất hạn chế trong việc cứu sống bệnh nhân - Trên thế giới, nhằm cố gắng làm giảm tỷ lệ tử vong, nhiều nước đã cấm sử dụng paraquat, các nước còn lại quản lý sử dụng paraquat rất chặt chẽ. |
Nguyễn Huệ