Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đề nghị WHO hỗ trợ việc kiểm định độ an toàn của mẫu vaccine này tại một tổ chức kiểm định độc lập của mình cũng như yêu cầu nhà sản xuất Hàn Quốc thẩm định lại mức độ an toàn.
Sau chuyến chợ sớm ngày 16/3 chị Ngô Thị Hồng ngụ khu Tùng Lâm, P.7 (Đà Lạt, Lâm Đồng) vào đánh thức con để cho ăn. Chị rụng rời chân tay khi phát hiện con mình đã chết. Trước đó, ngày 15/3, cháu Đinh Ngô Ngọc Vương Anh được tiêm chủng mở rộng tại trạm y tế P.7 với liều vắc xin 5 trong 1. Vào ngày 17/3, Lãnh đạo Phòng Y tế TP.Đà Lạt đã xác nhận cháu Vương Anh bị tử vong do tiêm chủng. Các cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng đang vào cuộc làm rõ nguyên nhân cái chết thương tâm trên. Được biết, cháu Anh được gia đình cho uống tới 3 liều paracetamol vì cháu bị sốt sau khi tiêm vắc xin. Theo Phòng Y tế Đà Lạt, trong đợt tiêm vắc xin 5 trong 1 ngày 15/3 vừa qua ở Đà Lạt có 5 trường hợp tai biến sau khi tiêm được phát hiện và can thiệp kịp thời.
Có mặt tại Trung tâm y tế dự phòng trên đường Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội chúng tôi được nghe khá nhiều tâm sự lo lắng của các bậc phụ huynh. Chị Nguyễn Thị Liễu ở Từ Liêm, Hà Nội cho biết: "Tôi nghe thông tin thấy có nhiều cháu bị chết sau khi tiêm vắc xin ở phường theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Dù các y tá nói là tỉ lệ trẻ bị tử vong rất thấp nhưng tôi không thể để con mình có thể bị nguy hiểm. Vì thế dù nhà có xa, và phải trả phí cao (hơn 500 nghìn đồng) tôi vẫn đưa con đi tiêm chủng theo yêu cầu ở Trung tâm Y tế dự phòng".
GS.TS Nguyễn Trần Hiển, viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, chủ nhiệm Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, trước khi đưa Quinvaxem "5 trong 1" vào trong chương trình tiêm chủng mở rộng, bộ Y tế và Viện đã tham khảo ý kiến của WHO. Ông Hiển cũng giải thích việc Việt Nam đưa vắc xin 5 trong 1 vào tiêm chủng mở rộng vì Quinvaxem là vắc xin chứa thành phần ho gà toàn tế bào (dùng vi khuẩn ho gà đã được bất hoạt bằng nhiệt độ) nên có thể gây phản ứng tại chỗ sau tiêm, nhất là ở những mũi tiêm sau. Trong khi các vắc xin phối hợp mới chứa thành phần ho gà vô bào có chứa kháng nguyên đã được tinh chế nên ít gây phản ứng hơn. Theo ông Hiển, không có loại vắc xin nào là tuyệt đối an toàn 100%. Các bà mẹ cần phối hợp với cán bộ Y tế khai báo về tình hình sức khỏe của con trước khi tiêm chủng. Những trẻ bị bệnh trong thời gian tiêm chủng hoặc đã phản ứng với vắc xin trước đó cần đặc biệt lưu ý.
Thành Huế