Liên tiếp xảy ra cháy rừng
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, bão số 3 quét qua khiến gần 120.000 ha rừng trên địa bàn bị thiệt hại từ 30 - 100%. Nhiều cành lá, thân cây bị gãy đổ trong thời tiết hanh khô trở thành vật dễ bắt lửa. Trong khi đó, nhiều người dân địa phương, chủ rừng vào lấy củi, tận thu gỗ khiến nguy cơ xảy ra cháy rừng cao.
Vì thế, từ ngày 28/9 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ghi nhận tới gần 10 vụ cháy rừng lớn nhỏ. Gần đây nhất là vụ cháy rừng xảy ra tại khu 7A, phường Quang Hanh, Tp.Cẩm Phả khiến 15 ha rừng keo, bạch đàn bị thiêu rụi. Cũng trong thời gian này, trên địa bàn Tp.Cẩm Phả còn xảy ra 1 vụ cháy rừng khác.
Ngoài ra, theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh, 10 ngày qua, tại huyện Vân Đồn xảy ra 3 vụ cháy rừng, huyện Ba Chẽ xảy ra 1 vụ, Tp.Hạ Long 1 vụ, Tp.Móng Cái 1 vụ. Các vụ cháy khiến hơn 50 ha rừng, chủ yếu là rừng trồng, bị thiêu rụi gần như hoàn toàn.
Tại Tp.Hải Phòng, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, trên địa bàn có hơn 7.000 ha rừng bị thiệt hại do bão, trong đó có nhiều cánh rừng tự nhiên ở Vườn quốc gia Cát Bà.
Thời gian qua, trên địa bàn Tp.Hải Phòng chưa xảy ra vụ cháy rừng lớn, chủ yếu những vụ cháy rừng trồng ở mức độ nhỏ lẻ ở huyện Thủy Nguyên, quận Đồ Sơn và cháy thảm thực vật tại một số khu vực đồi núi. Rất may, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy Công an Tp.Hải Phòng phối hợp các lực lượng chữa cháy tại chỗ kịp thời khống chế, không để xảy ra cháy lan.
Theo nhận định của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy 2 địa phương, công tác chữa cháy thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn bởi cành, lá và thân cây khô rất nhiều tại các cánh rừng trở thành vật liệu bén lửa, dẫn lửa và làm đám cháy bùng lên nhanh hơn. Trong khi đó, địa hình rừng, núi cũng cản trở, gây khó khăn cho công tác chữa cháy.
Tập trung cao công tác phòng chống cháy rừng
Trước nguy cơ cháy rừng, đầu tháng 10/2024, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Văn bản số 2832/UBND-KTTC phát động đợt cao điểm 30 ngày đêm hỗ trợ thu dọn, vệ sinh rừng, tận thu, tận dụng lâm sản trên diện tích rừng bị thiệt hại.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang tập trung lực lượng cùng với người dân, chủ rừng thu dọn, tận thu lâm sản sau bão để hạn chế nguồn gây cháy. Đồng thời, bố trí lực lượng ứng trực để phát hiện và chữa cháy kịp thời.
Tại Tp.Hải Phòng, ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND Thành phố, cũng vừa có Công điện yêu cầu UBND các quận, huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác phòng chống cháy rừng.
Theo đó, Chủ tịch UBND Tp.Hải Phòng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng.
Đồng thời, chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm thành phố tổ chức quản lý, bảo vệ chặt chẽ diện tích rừng hiện có, tăng cường công chức kiểm lâm xuống các vùng trọng điểm nguy cơ cháy rừng cao.
Ông Nguyễn Văn Tùng cũng giao Giám đốc Vườn quốc gia Cát Bà và các chủ rừng có trách nhiệm quản lý, bảo vệ chặt chẽ diện tích rừng được yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Bên cạnh đó, thực hiện chế độ báo cáo cho cơ quan kiểm lâm sở tại khi có những biến động về rừng.
"Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND Tp.Hải Phòng, Ban Giám đốc Vườn quốc gia Cát Bà yêu cầu 100% lực lượng hiện có tăng cường tuần tra, kiểm soát các cánh rừng, nhất là khu vực bị thiệt hại nặng nề do bão số 3 cũng như lên phương án phối hợp với các lực lượng liên quan kịp thời tổ chức chữa cháy nếu xảy ra cháy rừng.
Bên cạnh đó, Vườn quốc gia Cát Bà phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền người dân không tự ý vào rừng tận thu cành cây bị gãy đổ. Đối với các lực lượng được giao nhiệm vụ, trong quá trình vào rừng, tuyệt đối không mang theo vật dụng có nguy cơ phát sinh cháy rừng", ông Phạm Văn Phúc - Phó Giám đốc Vườn quốc gia Cát Bà, chia sẻ với phóng viên.