Theo báo cáo được công bố mới đây của Ủy ban Ung thư Lancet, số ca ung thư trẻ em tại châu Phi sẽ chiếm khoảng một nửa tổng số ca ung thư trẻ em trên thế giới cho đến năm 2050, trừ khi các biện pháp cần thiết được tiến hành.
Nhiễm vi-rút liên quan đến ung thư, tiếp xúc với chất gây ung thư trong môi trường và sự di truyền là những nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ ung thư tại châu Phi ngày càng cao hơn. Tỷ lệ mắc bệnh ung thư ở trẻ em tại châu Phi cận Sahara ở mức đáng kể, theo đó tỷ lệ mắc bệnh tại một số nơi trong khu vực này có thể vượt quá tỷ lệ mắc bệnh của các nước thu nhập cao, tỷ lệ sống sót của căn bệnh này trên hầu hết các châu lục là ở mức đáng quan ngại, theo Ủy ban Ung thư Lancet.
Dữ liệu từ Tổ chức Ung thư Trẻ em Mỹ cho thấy khoảng 400.000 trẻ em trên toàn thế giới được chẩn đoán mắc bệnh ung thư mỗi năm. Tại châu Phi cận Sahara, trẻ em từ 14 tuổi trở xuống có tỷ lệ mắc ung thư là 8,6 trường hợp trên 100.000, với 3 căn bệnh gồm ung thư hạch không Hodgkin, ung thư bạch cầu và ung thư thận chiếm tới 44% các trường hợp mắc mới.
Trong khu vực, các nước nghèo hơn cho thấy “tỷ lệ tử vong trên tỷ lệ mắc bệnh cao hơn đáng kể so với các nước láng giềng giàu có hơn”, báo cáo của Ủy ban Ung thư Lancet cho biết.
31 quốc gia trong khu vực không có bác sĩ chuyên khoa ung thư nhi được đào tạo, trẻ em thường được điều trị bởi các y tá và nhân viên y tế. Theo báo cáo, chi phí đi lại và ăn ở cao, cùng với trình độ giáo dục của mẹ thấp là một số vấn đề cần được giải quyết.
Trong vòng 8 năm tới, tổng số ca tử vong do ung thư hàng năm ở châu Phi cận Sahara có thể lên tới một triệu người - con số gần gấp đôi mức của năm 2020. Trái ngược với Mỹ và châu Âu thì tại châu Phi ghi nhận người phụ nữ bị ảnh hưởng bởi ung thư nhiều hơn nam giới, phổ biến là khối u vú và cổ tử cung.
Bác sĩ Wilfred Ngwa, Chủ tịch Ủy ban Ung thư Lancet, cho biết: “Bất chấp những thách thức to lớn, những phát hiện và khuyến nghị của chúng tôi nhấn mạnh các giải pháp để cải thiện việc chăm sóc bệnh nhân ung thư trên toàn khu vực”.
Theo báo cáo, các nước châu Phi phải chi trả cho thuốc điều trị ung thư với mức giá cao hơn so với các nước Mỹ Latinh có mức thu nhập hoặc tỷ lệ mắc bệnh tương tự. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng bởi cơ sở hạ tầng yếu kém, hoạt động thu mua và thị trường kém hiệu quả.
Điều này tạo ra “cánh cửa mở rộng cho các loại thuốc điều trị ung thư chất lượng kém tràn ngập thị trường”, báo cáo của Ủy ban Ung thư Lancet nhận định.
Phạm Hà Thanh (theo Bloomberg, The Lancet)