Thế nhưng, mỗi năm, dân ta vẫn sập bẫy của thương gia ngoại quốc vài lần. Nguy hiểm hơn, với mức độ ngày càng tinh vi, phát triển từ nhỏ lẻ đến quy mô, phần nào ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh tế của nước ta. Đã đến lúc, chúng ta cần gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh, để đứng vững trước những chiêu trò thâm hiểm.
Móng trâu, vịt đẻ, ốc bươu vàng...
Việt Nam là một nước thuần nông, kinh tế đang ở giai đoạn đang phát triển, nên có kẻ nhắm vào điểm yếu ham lợi nhuận của người dân để tìm cách gây khó dễ, phá hoại. Những đòn hiểm dùng để đánh vào nền kinh tế Việt Nam chủ yếu nhắm vào người nông dân và nền nông nghiệp nước ta. Chắc hẳn, nhiều người chưa quên đại dịch chuột hoành hành phá hoại mùa màng ở miền Bắc nước ta vào năm 1997, mà nguyên nhân bắt đầu từ việc người Trung Quốc đổ xô sang Việt Nam mua mèo.
Thời điểm đó, người dân ra sức lùng sục từ hang cùng ngõ hẻm để tìm bắt mèo bán cho người Trung Quốc với giá ngất ngưởng. Hậu quả, chuột bùng phát, phá hoại hoa màu, sức khỏe của người dân. Hết mua mèo, người Trung Quốc chuyển qua mua móng trâu tàn phá sức kéo của nông dân, mua chè vàng khiến doanh nghiệp trong nước không còn nguyên liệu sản xuất, mua phế liệu, đẩy nhiều đối tượng hám lợi thực hiện hành vi cắt cáp quang... Và gần đây, thương buôn nước ngoài lại đổ xô mua đỉa, lá khô, ốc bươu vàng... với giá cao mà chẳng ai biết để làm gì. Tuy nhiên, đến bây giờ, mục đích, cách thức thâm hiểm nhắm vào nền kinh tế nước nhà ngày càng lộ rõ.
Đầu tiên, giới thương lái nước ngoài nhắm đến người nông dân, lợi dụng sự thiếu hiểu biết và hám lợi của họ để thực hiện ý đồ "ai cũng hiểu" mà lại chẳng hiểu để làm gì... Tiếp sau, họ nâng cấp chiêu trò của mình và nhắm đến những chủ doanh nghiệp cơ sở sản xuất nông, thủy sản, gia cầm nhỏ lẻ. Các ông chủ người nước ngoài vung tiền thuê người Thái Lan sang Việt Nam bằng đường du lịch rồi tiếp cận những chủ cơ sở trái cây trên địa bàn huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) hợp tác thu mua sầu riêng xuất sang Trung Quốc và Indonesia.
Hệ lụy dai dẳng từ việc thu mua ốc bươu vàng của thương lái ngoại quốc không biết bao giờ mới chấm dứt.
Tuy nhiên, không đơn thuần chỉ thu mua sầu riêng với số lượng lớn mà cơ quan chức năng công an tỉnh Tiền Giang còn phát hiện những đối tượng người Thái Lan sử dụng hóa chất để bảo quản và thúc ép sầu riêng chín đúng thời điểm. Việc tẩm hóa chất vào sầu riêng Việt Nam ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Gần đây nhất, ngày 8/12, phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an TP. Cần Thơ đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực an ninh trật tự đối với hai đối tượng người Trung Quốc gồm Liang và Bing có hành vi "Có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền...", đồng thời buộc hai người này xuất cảnh khỏi Việt Nam trước thời hạn. Hai đối tượng này vào nước ta qua cửa khẩu Móng Cái rồi đến tạm trú tại cơ sở giết mổ gia cầm của ông Võ Đức Nghĩa (quận Ô Môn, TP. Cần Thơ). Tại đây, hai đối tượng này có hoạt động giám sát giết mổ gia cầm mà chưa được các cấp có thẩm quyền cho phép.
Các cơ quan ngành nông nghiệp TP. Cần Thơ nhận định việc mua bán trên có dấu hiệu bất thường. Bởi nếu muốn mua vịt thịt, họ không nhất thiết phải mua vịt đẻ với giá cao mà chất lượng thịt không tốt, không đáp ứng yêu cầu. Việc đưa ra giá cao chỉ nhằm đánh vào tâm lý ham lợi của người nông dân nhằm phá vỡ đàn gia cầm của Cần Thơ nói riêng và các tỉnh ĐBSCL nói chung. Ngoài hai đối tượng này, địa bàn quận Ô Môn thường xuyên xuất hiện các đối tượng thương lái Trung Quốc thuê nông dân nuôi và thu mua... ốc bươu vàng...
Nguy hiểm hơn, người nước ngoài bỏ tiền thuê người Việt Nam đứng tên thuê lại đất của nhiều hộ dân ở huyện Châu Thành (tỉnh Long An) để trồng lúa lạ. Với mức tiền thuê cao 30 triệu đồng/ha/vụ, nhiều nông dân ngỡ mình còn hơn được trúng mùa nhưng đất của họ được đưa vào sản xuất giống lúa lạ ảnh hưởng xấu đến giống lúa địa phương. Theo nhiều chuyên gia đánh giá, việc người Trung Quốc thuê đất với giá cao để trồng lúa là không bình thường, cần làm rõ động cơ, mục đích của họ càng sớm càng tốt.
Không vì mục đích kinh doanh thuần túy
Còn đủ kiểu chiêu trò khác Ngoài việc thu mua rao bán các mặt hàng nông nghiệp theo kiểu bí ẩn, kỳ dị nhiều đối tượng người nước ngoài còn luồn lách, ẩn mình sau những chiêu trò nguy hiểm khác. Thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện, triệt phá những hoạt động với các chiêu trò trên với các vụ án chấn động như: Người Trung Quốc rút thành công 6 tỷ thông qua tài khoản công ty TNHH Thương mại, dịch vụ Cảnh Hưng và công ty TNHH Thương mại, dịch vụ Hướng Dương ở Hải Phòng. |
Những chiêu nhắm vào người nông dân sản xuất nhỏ lẻ của một số đối tượng, tổ chức người nước ngoài ngày càng lộ rõ. Sự nguy hiểm trên đã được các chuyên gia kinh tế khẳng định và cảnh báo. Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương quả quyết: Việc các phần tử người nước ngoài vào Việt Nam hoạt động kinh doanh với dấu hiệu phá hoại là có thật. Đánh giá vấn đề trên, các chuyên gia nêu rõ việc các đối tượng trên vào Việt Nam dưới nhiều hình thức và hoạt động kinh doanh không hiếm. Luật gia Đặng Đình Thịnh, Giám đốc trung tâm tư vấn Hội Luật gia Việt Nam cho biết: "Hoạt động của người nước ngoài, đặc biệt là của người Trung Quốc trong các trường hợp đã nêu không nhằm mục đích kinh doanh thuần túy, mà là hướng đến việc phá hoại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Việt Nam. Các hoạt động này đều tiềm ẩn nguy cơ làm mất cân bằng, gây thiệt hại đến nền kinh tế, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và tạo ảnh hưởng xấu đến các thương hiệu thương mại của Việt Nam. Nếu chúng ta không sớm có biện pháp đối phó, kiểm soát, xử lý thì tương lai nền kinh tế Việt Nam, sức khỏe của người Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng".
Những ảnh hưởng này không chỉ trên lĩnh vực kinh tế mà còn nguy hại tiềm tàng đến ổn định trật tự xã hội, thậm chí an ninh quốc gia. "Đây là vấn đề âm mưu thể hiện dưới góc độ kinh tế mà ở đấy có những người "chờ nước đục thả câu". Vì thế chúng ta cần có tâm lý cảnh giác trong xây dựng đất nước. Nếu không kịp thời kiểm soát sẽ đe dọa đến an ninh quốc gia. Phá hoại kinh tế ảnh hưởng trực tiếp người tiêu dùng, người nông dân nhưng đối tượng giấu mặt". Giám đốc trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hoá - Du lịch nhận định.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng công tác ngăn chặn hiện tượng trên của các cấp chính quyền còn chậm và chưa thật quyết liệt. Các chuyên gia khẳng định cần phải phổ biến rộng rãi những âm mưu, chiêu trò của các đối tượng xấu nhắm vào nền kinh tế nước nhà cho người dân hiểu và không tiếp tay với người nước ngoài. Ông Lê Đăng Doanh kiến nghị: Cần phải nói rõ để mọi người dân hiểu. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải tham gia tích cực, có những rào cản kỹ thuật và những biện pháp để bảo vệ. Người Việt Nam cần dùng hàng Việt Nam trước hết để bảo vệ sức khỏe của mình, sau là bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam, chứ không phải là người tiêu dùng mù quáng. Doanh nghiệp tự đổi mới, cải tiến để nâng cao tính cạnh tranh.
Tạo hành lang pháp lý, nâng cao tinh thần đề phòng Phó giáo sư, tiến sỹ Phan An chia sẻ: "Ngoài những hành lang pháp lý, chúng ta cũng cần phải nâng cao công tác đề phòng. Việc đề phòng nằm trong bản lĩnh của người Việt chúng ta. Bản lĩnh ấy đã thể hiện qua các giai đoạn lịch sử, trong bề dày văn hóa dân tộc rồi. Thương trường là chiến trường, chúng ta cần biết ai là bạn, ai có thể tin và ngược lại". |
Hà Nguyễn - Ngọc Lài - Chí Thanh