Tối 15/8, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ trao giải Báo chí toàn quốc "Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí" lần thứ 2 năm 2018 - 2019.
Lễ trao giải được Đài truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1. Đây là giải báo chí do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động nhằm phát huy hơn nữa vai trò giám sát phản biện xã hội, đấu tranh với tham nhũng, lãng phí; thiết thực góp phần ngăn chặn đẩy lùi biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Được biết, sau thời gian phát động, Giải báo chí toàn quốc "Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí" lần thứ hai, năm 2018 - 2019 nhận được 1.002 tác phẩm hợp lệ dự thi, thuộc bốn loại hình báo chí: in, điện tử, phát thanh, truyền hình.
Các tác phẩm phần lớn bám sát chủ đề, tiêu chí, yêu cầu của giải, phản ánh rõ nét vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam, nhân dân và báo chí trong công tác phát hiện, đấu tranh, lên án những hiện tượng, hành vi tham nhũng, lãng phí, tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp khi giải quyết công việc.
Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí luôn được Đảng, Nhà nước coi trọng đặc biệt trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm. Đặc biệt, nhiều vụ việc đã được xử lý quyết liệt, nghiêm minh. Nhiều tổ chức Đảng, cán bộ, Đảng viên sai phạm, kể cả cán bộ đương chức, cán bộ lực lượng vũ trang và nghỉ hưu đã bị xử lý.
“Điều này thể hiện không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền trong việc xử lý nghiêm vi phạm, bất kể người vi phạm là ai. Những kết quả này đã tạo được những bước đột phá góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy Nhà nước và nhận được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân.
Đồng thời có tác dụng phòng ngừa, răn đe rõ rệt, cảnh tỉnh cảnh báo ngăn ngừa tham nhũng, vừa khích lệ góp tiếng nói tích cực phòng chống tham nhũng. Qua đó góp phần giữ vững chính trị, phát triển kinh tế xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, việc tổ chức giải năm nay thu hút được trên 1.000 tác phẩm tham dự đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự đổi mới trong điều hành của Chính phủ, phản ánh sinh động, phong phú thực tiễn đổi mới của đất nước trong việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Nhiều tác phẩm được thể hiện công phu, sáng tạo, sinh động và tạo được hiệu ứng cao trong xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhiệt liệt chúc mừng các tác giả, nhóm tác giả được tôn vinh tại lễ trao giải hôm nay cũng như những người làm báo trong cả nước đã tích cực trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Để phát huy các kết quả đã đạt được, góp phần tích cực trên lĩnh vực đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và báo chí cả nước tiếp tục tích cực trong lĩnh vực này.
Tiếp tục quán triệt, tham gia tích cực triển khai thực hiện các quan điểm, tư tưởng về nhiệm vụ phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước… phát huy vai trò của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, báo chí trong việc ngăn chặn, đẩy lùi trong đấu tranh suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự chuyển biến, tự chuyển hóa trong cán bộ, đảng viên trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, tính đến hết ngày 21/6/2019, ban tổ chức đã nhận được hơn 1.000 tác phẩm dự thi thuộc 4 thể loại: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình của trên 100 cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương.
Nhiều tác phẩm cũng biểu dương, cổ vũ cách làm hay, kinh nghiệm tốt, điển hình tiên tiến trong công tác này, góp ý về việc hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế - xã hội, mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch… Trên cơ sở kết quả tuyển chọn của Hội đồng sơ khảo, Hội đồng chung khảo đã lựa chọn 35 tác phẩm được vinh danh. Trong đó có 04 giải A, 09 giải B, 10 giải C và 12 giải khuyến khích.
Là nhóm tác giả của báo ĐS&PL - báo Điện tử Người Đưa Tin, vinh dự được nhận giải C với loạt tác phẩm “Nhức nhối nạn “cò máu” ở Bệnh viện Việt Đức “hút” tiền bệnh nhân”, Nhà báo Hoàng Bích và Nhà báo Mai Hằng bày tỏ niềm vui vì tác phẩm của mình phần nào tác động đến công chúng và được công chúng đón nhận.
Chia sẻ cảm xúc của mình khi nhận được giải lần này, Nhà báo Hoàng Bích nói: “Khi nhận được thông báo tác phẩm của mình đạt giải, tôi cảm thấy vui vì tác phẩm của mình ít nhiều đã được công chúng, độc giả cả nước đón nhận và được ban tổ chức giải đánh giá về chuyên môn, nghiệp vụ.
Chúng tôi nhận thấy rằng, mình còn cần phải cố gắng, phấn đấu nhiều hơn nữa để mang đến cho độc giả những tác phẩm hay, ý nghĩa và chất lượng hơn nữa”.
Nhà báo Mai Hằng cũng chia sẻ: “Chúng tôi luôn mong muốn những tác phẩm báo chí của mình nói lên được nguyện vọng của độc giả. Chúng tôi rất tự hào khi được nhận giải báo chí toàn quốc về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Đây cũng là động lực để chúng tôi cố gắng, phấn đấu trong sự nghiệp báo chí của mình”.
Trước đó, vào những ngày giữa tháng 10/2018, nhóm PV báo Đời sống và Pháp luật - Người Đưa Tin đăng tải loạt bài điều tra độc quyền “Nhức nhối nạn “cò máu” ở Bệnh viện Việt Đức “hút” tiền bệnh nhân”.
Trong loạt bài này, nhóm PV báo Đời sống và Pháp luật - Người Đưa Tin đã tìm hiểu về quy trình hiến máu vào kho máu từ người nhà của bệnh nhân. Tại đây, PV cũng được một số người nhà bệnh nhân tại bệnh viện Việt Đức thông tin khi bệnh nhân chờ mổ thì hầu hết người nhà phải hiến máu cho bệnh viện… Nắm bắt được tâm lý này, những “cò" máu ngang nhiên hoạt động như một quy luật tất yếu của cung – cầu. Buộc người dân phải bỏ tiền ra mua máu với giá “cắt cổ”.
Loạt bài của nhóm PV báo Đời sống và Pháp luật - Người Đưa Tin được đăng tải đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Ngay sau đó, đại diện bệnh viện Việt Đức, các chuyên gia, ĐBQH, bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã có ý kiến chỉ đạo nghiêm cấm và xử lý nghiêm chứ không để xảy ra tình trạng này.
Loạt bài điều tra độc quyền: "Cò" mua - bán máu hút tiền người nhà bệnh nhân
Bài 1: Lộ diện những “ông trùm” chuyên “hút” máu sinh viên ngay cổng bệnh viện
Bài 2: Tiết lộ sốc về việc người nhà bệnh nhân bỏ tiền mua "người nhà" để hiến máu
Bài 3: Quy trình bí mật của giới “cò” chuyên “hút" máu bệnh nhân
Bài 4: Bệnh viện Việt Đức không hay biết có “chợ máu” hoạt động công khai?!
Bài 5: Bệnh viện thu máu của người nhà bệnh nhân trước ca mổ: Việc nhức nhối cần loại bỏ
Nhóm PV