Chính phủ các nước phương Tây phải đối mặt với việc vay nợ, thuế và cắt giảm chi tiêu công ngày càng tăng để tài trợ cho ngân sách quân sự đang tăng vọt của họ. Các thành viên NATO ở châu Âu dự kiến sẽ chi kỷ lục 380 tỷ USD cho quốc phòng trong năm nay – một điều khó thuyết phục được cử tri.
Thông tin trên được trang tiếng Anh của Đài Deutsche Welle (DW) của Đức đưa hôm 18/5 trong bối cảnh cuộc xung đột Nga-Ukraine ở Đông Âu đang diễn ra gay gắt. Theo báo Đức, xem mức chi tiêu quốc phòng của các chính phủ là một cách để thấy những mối đe dọa an ninh mà thế giới ngày nay phải đối mặt.
Theo báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) về chi tiêu quân sự toàn cầu trong năm qua, ngân sách quân sự toàn cầu đạt 2.440 tỷ USD (2.250 tỷ Euro) vào năm 2023, cao hơn gần 7% so với năm 2022. Đây là mức tăng mạnh nhất theo năm kể từ năm 2009. Năm 2023 cũng là năm thứ 2 Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.
Chi tiêu quân sự trung bình tính theo tỉ lệ chi tiêu chính phủ tăng 0,4 điểm phần trăm lên 6,9% vào năm 2023, và chi tiêu quân sự bình quân đầu người trên thế giới là cao nhất kể từ năm 1990, ở mức 306 USD (281 Euro). “Đối với mọi đàn ông, phụ nữ và trẻ em, chi tiêu quân sự thế giới hiện đang ở mức cao nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh - ở mức 306 USD/người”, DW nhận xét.
Với việc Kiev không đủ nguồn lực để đương đầu một cuộc xung đột quy mô lớn như vậy, các nước phương Tây đã tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine, trong khi những căng thẳng leo thang khác với Nga, cũng như những điểm nóng ở Trung Đông và châu Á, cũng khiến các chính phủ châu Âu phải tăng cường phòng thủ với mức độ “chưa từng có tiền lệ” kể từ Thế chiến II.
“Sự gia tăng chưa từng có trong chi tiêu quân sự là phản ứng trực tiếp trước sự suy thoái toàn cầu về hòa bình và an ninh”, ông Nan Tian, nhà nghiên cứu cao cấp của chương trình sản xuất vũ khí và chi tiêu quân sự của SIPRI, cho biết. “Các quốc gia đang ưu tiên sức mạnh quân sự nhưng họ có nguy cơ rơi vào vòng xoáy hành động-phản ứng trong bối cảnh an ninh và địa chính trị ngày càng biến động”.
Chưa hết trăn trở với mức chi tiêu quốc phòng 2%...
Năm 2024, Mỹ đã phân bổ 886 tỷ USD cho quốc phòng, tăng hơn 8% trong 2 năm qua. Lần đầu tiên, các đối tác châu Âu của NATO dự kiến sẽ đạt được mục tiêu do liên minh quân sự đặt ra là chi tiêu 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng.
Mức mục tiêu 2% này là một vấn đề mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump coi trọng, và nỗi trăn trở của nhiều nước vẫn chưa đạt được. Hồi tháng 2, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết chỉ riêng trong năm nay, họ đã chi tổng cộng 380 tỷ USD cho quốc phòng.
Trong khi Đức vẫn đang cố gắng bắt kịp các thành viên NATO khác – được hỗ trợ bởi quỹ đặc biệt trị giá 100 tỷ Euro (109 tỷ USD) của Thủ tướng Olaf Scholz để nâng cấp các lực lượng vũ trang (Bundeswehr), thì Ba Lan sẽ chi 4,2% GDP cho quốc phòng trong năm nay, mức cao nhất trong liên minh quân sự.
Những nước khác ở sườn phía Đông của NATO cũng vượt xa hoặc sẽ sớm vượt mục tiêu 2%, do nhận thấy mối đe dọa an ninh ngày càng tăng ở biên giới của họ. Kết quả là, các chính phủ đang phải đối mặt với sự lựa chọn ngày càng khó khăn về cách chi trả cho các cam kết quốc phòng mới đó, cũng như nhiều nền kinh tế suy yếu do ảnh hưởng của căng thẳng địa chính trị toàn cầu đang diễn ra và lạm phát kéo dài. Nhiều quốc gia đã bị căng thẳng về mặt tài chính.
“Các cam kết ngắn hạn về thiết bị quân sự cho Ukraine nên được tài trợ bằng nợ bổ sung. Đó là cách mà các cuộc chiến tranh trong lịch sử được tài trợ”, ông Gunther Wolff, một thành viên cấp cao tại tổ chức tư vấn Bruegel có trụ sở tại Brussels, nói với DW.
“Nhưng để tăng chi tiêu quốc phòng trong dài hạn, hoặc là thuế cần phải tăng, hoặc các khoản chi tiêu khác phải bị cắt giảm. Nó có gây đau đớn về mặt chính trị không? Chắc chắn là có rồi! Nhưng nếu các vị cắt giảm chi tiêu trên các cơ quan chính phủ khác nhau, nó sẽ bớt đau đớn hơn”, vị chuyên gia chỉ ra.
Đức là nước đang áp dụng hình thức cắt giảm chi tiêu như vậy. Nền kinh tế số 1 châu Âu, vốn đang đối mặt với nguy cơ doanh thu thuế thấp hơn do tăng trưởng yếu hơn, đã cắt giảm chi tiêu ở hầu hết các cơ quan chính phủ, và riêng phân khúc viện trợ phát triển quốc tế sẽ bị cắt giảm gần 2 tỷ Euro trong năm nay.
“Đức có một số sự đánh đổi rất quan trọng cần thực hiện”, ông Jeffrey Rathke, Chủ tịch Viện Mỹ-Đức tại Đại học Johns Hopkins ở Washington D.C., nói với DW. “Chúng cần được quản lý về mặt chính trị để không làm xói mòn sự ủng hộ của công chúng đối với việc tăng cường an ninh và quốc phòng”.
Theo DW, các đảng chính trị cánh tả ở một số quốc gia đã dẫn đầu kêu gọi hòa bình giữa Nga và Ukraine, và làm dấy lên cuộc tranh luận về việc liệu có tốt hơn khi các khoản chi tiêu quân sự mới có thể được chi tiêu cho các chương trình chăm sóc sức khỏe hoặc xã hội hay không.
Ông Rathke lưu ý rằng biện pháp “phanh nợ” (debt brake) của Đức, vốn hạn chế khả năng vay tiền của chính phủ để bù đắp những khoảng trống trong ngân sách, có nghĩa là liên minh cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz có ít lựa chọn hơn, nếu so sánh với các nước khác, ví dụ như Pháp.
…Đã phải nghĩ đến mục tiêu cao hơn
Trong khi tình hình tài chính của Ba Lan đang ở trạng thái tốt hơn nhiều so với nhiều nước Tây Âu, Thủ tướng Donald Tusk, người đã đánh bại chính phủ dân túy cánh hữu trong cuộc bầu cử tháng 10 năm ngoái, đang gặp khó khăn trong việc thực hiện các lời hứa bầu cử, bao gồm cả việc tăng giới hạn trước khi đánh thuế thu nhập, do ngân sách quốc phòng cao hơn nhiều.
Các quốc gia khác, chẳng hạn như những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng nợ châu Âu năm 2011, đã phải đối mặt với các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” sâu sắc và bất kỳ sự cắt giảm nào nữa có thể ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ công.
Ví dụ, Italy dự kiến sẽ chỉ chi 1,46% GDP cho quốc phòng trong năm nay, và cảnh báo rằng việc đạt được mục tiêu 2% của NATO vào năm 2028 sẽ rất khó khăn. Tỉ lệ nợ trên GDP của quốc gia Nam Âu này được dự báo sẽ đạt 137,8% trong năm nay.
Các quốc gia khác ở tình trạng thắt chặt tài chính tương tự, như Tây Ban Nha, có thể bị hạn chế đối với bất kỳ khoản thâm hụt bổ sung nào cần thiết để tài trợ cho chi tiêu quân sự mới, có thể ở mức 0,5-1,5% GDP. Năm ngoái, Madrid đã tăng ngân sách quốc phòng lên 26%.
“Cuộc khủng hoảng nợ châu Âu buộc Hy Lạp phải điều chỉnh ngân sách từ 5% đến 7%, thậm chí 10%”, chuyên gia Wolff của Brugel nói. “May mắn thay, những sự cắt giảm này sẽ ít đau đớn hơn nhiều so với bất cứ điều gì mà các quốc gia ở Nam Âu phải chịu đựng”.
Thụy Điển, Na Uy, Romania và Hà Lan có gánh nặng nợ thấp hơn. Nhưng ngay cả như vậy, vị chính trị gia cực hữu Geert Wilders, người đứng đầu chính đảng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Hà Lan hồi tháng 11 năm ngoái, cũng lên kế hoạch chi tiêu đáng kể cho nhà ở và nông nghiệp an sinh xã hội để đảm bảo liên minh 4 đảng mới của ông được giữ vững.
“Cũng như năng lực tài chính và các vấn đề nợ nần, cuộc tranh luận về tài nguyên này còn liên quan đến sự khác biệt đang diễn ra trong nhận thức về mối đe dọa trên khắp châu Âu”, ông Rathke của Đại học Johns Hopkins cho biết, vì vậy các quốc gia nằm xa Ukraine có thể ít ưu tiên quốc phòng hơn những quốc gia gần biên giới với nước này.
Chi tiêu quốc phòng dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thập kỷ tới. Mục tiêu chi tiêu quốc phòng 2% của NATO lần đầu tiên được đặt ra vào năm 2014 sau khi xung đột nổ ra giữa Quân đội Ukraine và phe ly khai được Nga hậu thuẫn ở Donbass, và Moscow sáp nhập bán đảo Crimea.
Năm ngoái, tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Vilnius, Lithuania, các nhà lãnh đạo NATO đã nhất trí rằng mục tiêu này thường có thể vượt quá 2%. Đức, quốc gia cho đến nay vẫn phải vật lộn để đạt được mục tiêu ban đầu, hiện đã đưa ra triển vọng về mục tiêu ngân sách 3%, mục tiêu này thậm chí còn có tác động lớn hơn đối với tình hình tài chính của chính phủ ở Berlin.
Minh Đức (Theo DW, Relief Web)