Hồi 7h, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,0 độ Vĩ Bắc; 126,0 độ Kinh Đông, ngay trên bờ biển Đông Nam Philippines. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 7h ngày 23/2, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 12,5 độ Vĩ Bắc; 120,5 độ Kinh Đông, trên khu vực miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).
Đến tối 22/2, thời điểm vừa vượt qua đất liền Philippines, hình thái này suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trước khi vào Biển Đông.
Ở thời điểm tiếp cận Biển Đông, áp thấp nhiệt đới chỉ duy trì sức gió mạnh 45 km/h, tương đương cấp 6, giật cấp 8.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho rằng kể cả khi tiến vào Biển Đông với sức gió mạnh cấp 8, bão Dujuan khả năng suy yếu nhanh và tan trên biển. Hình thái này hầu như không có ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam.
Nguyên nhân khiến bão suy yếu nhanh là tất cả yếu tố như nhiệt độ nước biển, dòng dẫn... không thuận lợi cho sự mạnh lên của bão.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, đi vào Biển Đông sau đó tiếp tục suy yếu thêm.
Dujuan là cơn bão được hình thành ở vùng biển phía đông nam của Philippines vào ngày 18/2. Đây là cơn bão đầu tiên trong năm nay trên khu vực tây bắc Thái Bình Dương.
Ban đầu, các mô hình dự báo cho thấy sau khi đổ bộ Philippines, cơn bão này có thể giữ cường độ mạnh cấp 8 và tiến vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 1 trong năm nay tại khu vực. Dù vậy, hình thái này được nhận định không ảnh hưởng đến đất liền nước ta và chỉ có thể gây ra gió mạnh trên biển.
Trúc Chi