Nằm ngay trên tỉnh lộ 127 của tỉnh Lai Châu, xã Mường Mô (Mường Tè) được biết đến là vùng đất trù phú, dân cư đông đúc. Những ngôi nhà sàn của người Thái san sát nhau khiến cho những người lạ lần đầu tiên đặt chân đến đây đều có cảm giác rấtå thân thiện, yên bình. Thế nhưng...
Một góc Mường Mô
Oằn mình trong “cơn bão ết”
Bà Lù Thị Sen chủ tịch xã Mường Mô chia sẻ: "Cứ như thế này thì chỉ vài năm nữa, Mường Mô sẽ chẳng còn đàn ông mà xốc vác việc nặng nữa nhà báo ạ! Chưa bao giờ địa phương lại rơi vào hoàn cảnh như bây giờ. Chúng tôi đã dốc hết sức, tuyên truyền có, xử phạt có nhưng chẳng thuyên giảm được bao nhiêu. Tháng nào cũng có người chết, có gia đình trong một tháng chết đến cả ba người mà toàn là lao động chính… Nghĩ mà buồn quá". Điều bà Sen chia sẻ cho chúng tôi đã phác họa một cách chân thật nhất về cuộc sống của người dân Mường Mô đang phải oằn mình chống chọi với "cơn bão" AIDS và cũng theo bà Sen thì căn nguyên của nó chính là ma túy.
Không chỉ người đứng đầu địa phương "phát hoảng" trước "thảm họa" này mà ngay những người dân ở đây đã không ít lần rùng mình khi chứng kiến những người thân, bạn bè của mình "bỗng dưng" bỏ mạng. Với Mường Mô, cảnh "lá vàng tiễn lá xanh" không phải là chuyện hiếm. Chính vì thế, gia đình nào có người chết trẻ, những người làm cha, làm mẹ chỉ mong sẽ không phải lặp lại hoàn cảnh này nữa, chứ chẳng biết làm cách nào để ngăn chặn nó.
Theo những người dân thì cứ 1 - 2 tháng, Mường Mô lại có một người chết. Những cái chết thậm chí được ví theo đợt, theo loạt. Năm nào ít cũng 5 - 7 người, năm nhiều đến cả chục người vong mạng. Thảm cảnh này, không trừ một gia đình nào, nhà đông con cũng chết, nhà con một cũng chết. Có gia đình đảng viên, cán bộ xã cũng có người chết, thậm chí ngay đến cả cán bộ trạm y tế xã cũng chết. Các trường hợp đều chết khi còn rất trẻ mà nguyên nhân đầu tiên và được coi là duy nhất ở Mường Mô đó chính là chết vì vướng vào căn bệnh thế kỷ - AIDS.
Mở cuốn sổ theo dõi, ông Mào Văn Pháy - Trạm trưởng trạm Y tế xã Mường Mô, vừa đọc vừa phải thốt lên: "Trong vòng 5 năm trở lại đây, trên địa bàn toàn xã phát hiện 64 ca nhiễm HIV và tập trung chủ yếu ở bản Mường Mô. Trong tổng số 64 ca được phát hiện nêu trên có một số ca đã chuyển đi địa bàn khác và 34 ca đã chuyển sang giai đoạn AIDS, hiện có 32 ca đã tử vong. Trong số 32 ca tử vong thì có đến 30 ca là người ở bản Mường Mô".
Cũng theo ông Pháy, điều buồn nhất ở đây chính là những người chết vì căn bệnh thế kỷ trên lại đang trong độ tuổi sức dài, vai rộng và là lao động chính trong gia đình. Người trẻ nhất tử vong khi mới 17 tuổi và người lớn tuổi nhất "ra đi" vì "ết" cũng chưa quá 50 tuổi. Hiện nay trên địa bàn toàn xã còn 23 ca bệnh, trong đó 2 ca đã chuyển sang giai đoạn AIDS, còn lại đang thời kỳ phơi nhiễm HIV. "Đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm mà cơ quan chuyên môn đã phát hiện, còn trên thực tế, số lượng đó lớn đến mức nào thì chúng tôi không thể xác định hết được", ông Pháy cho biết thêm.
Giá như không có ma túy...
"Cơn bão ết" đã làm cho Mường Mô thụt lùi đi rất nhiều và chính nó đã làm cho địa phương này trở nên nghèo đói và lạc hậu. Những người chết vì AIDS là một chuyện nhưng với người ở lại cũng khổ trăm bề. Thảm cảnh vợ mất chồng, con mất cha, cha mẹ mất con không phải là hiếm. Thậm chí, cảnh tang tóc được coi là quen thuộc khi nhà nào ở trong bản có người chết thì mọi người đều lắc đầu bảo nhau: "Chắc là do ma túy?". Nghĩa trang Mường Mô chính là sự minh chứng xác thực nhất cho thảm cảnh đau buồn mà người dân Mường Mô đang gánh chịu. Hàng loạt những cái tên nằm dưới tấc đất lạnh lẽo kia mới chỉ qua cái tuổi "bẻ gãy sừng trâu". Những vòng hoa trắng ít hôm lại hiện diện ở cái nơi đầy tang tóc này.
Trưởng bản Mường Mô Phan Văn Thức tỏ ra lo lắng khi nói về căn bệnh AIDS ở đây
Nói chuyện với chúng tôi, vị trưởng bản Mường Mô - Phan Văn Thức chỉ biết lắc đầu mà than rằng: "Chết hết rồi thì lấy đâu ra lớp sau mà nối dõi nữa". Sự than phiền của ông Thức, thêm một lần nữa được minh chứng bởi từ đầu năm đến nay cũng có gần 10 người chết mà phần lớn trong số này có liên quan đến ma túy. "Nghĩ đến mà lo cho cái tương lai của bản này. Dây vào cái gì không dây lại cứ thích chơi bời, đua đòi hút chích để rồi "đi" cả loạt khổ cho người ở lại, khổ cho cả xóm làng… Người chết đã đành, nhưng con cái chúng nó còn sống, mới tý tuổi đã mồ côi cha mẹ. Bố mẹ thì bạc đầu mà không người nối dòng, đúng là bi đát hết chỗ nói…", ông Thức cho biết.
Có mặt ở đây mới thấy hết được thảm cảnh tang thương bởi quá nhiều gia đình có người chết vì căn bệnh AIDS. Nhiều nhà có 2 -3 người chết vì căn bệnh thế kỷ. Trên đường dẫn chúng tôi đến nhà ông M.V.Q. (cán bộ xã Mường Mô), ông Thức bảo: " Đây là gia đình có nhiều người phải bỏ mạng nhất vì "ết". Cha mẹ hiền lành, chăm chỉ làm ăn nhưng con cái lại dính ma túy, chẳng thể nào mà ngờ được".
Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn rộng rãi nhưng sự trống trải vắng lặng đã thể hiện rõ trên khuôn mặt của ông Q.. Có lẽ đến thời điểm này, ông Q. vẫn không thể tin được điều gì đã xảy ra với gia đình mình. Có 7 người con nhưng hiện giờ ông chỉ còn lại 3 bởi 3 người con trai, 1 người con dâu và 1 cháu nội đã theo nhau về "bên kia thế giới" vì căn bệnh thế kỷ - AIDS.
"Đứa đầu tiên chết, tôi đã dự cảm thấy chuyện chẳng lành. Tiếp đến đứa thứ hai, thứ ba và cả đứa con dâu và cháu nội, tôi mới biết chúng nó dính "ết". Đấy như thằng thứ ba, đang khỏe mạnh nhưng chỉ 4 tháng lăn đùng ra chết. Đáng lẽ những đứa sau phải biết anh nó vì cái gì mà chết để tránh xa nhưng đằng này chúng nó lại cứ dấn vào nên mới thế. Thương chúng nó mà tôi chẳng biết làm cách nào", ông Q. tâm sự.
Một gia đình sống gần nhà ông Q. cũng có hoàn cảnh tương tự. Gia đình này có 2 người con trai nhưng chỉ năm trước, năm sau họ phải đau đớn đưa cả 2 con về nơi an nghỉ cuối cùng khi tuổi của chúng còn quá trẻ. Hiện giờ, họ chỉ biết kêu trời và cố sống để nương tựa vào nhau. Rồi những gia đình như nhà bà Ph.T.V.; L.V.Kh…. đều rất hoàn cảnh, lại còn độc đinh (một con trai duy nhất) cũng chết trẻ vì căn bệnh AIDS. Đó là còn chưa kể đến nhiều cặp vợ chồng trẻ chết đi để lại những đứa con thơ mới một, hai tuổi đầu bơ vơ côi cút như vợ chồng: H.V.B. và M.Th.Đ. hay M.V.T. và V.Th.Đ…. Thậm chí, có những đứa trẻ chưa kịp chào đời đã mồ côi cha như cháu L.H.N., con của L.V.V.…
Theo như ông Pháy, đa phần các trường hợp trên đều lây nhiễm qua con đường tiêm chích. Sở dĩ có tình trạng này là do người dân ở đây vẫn còn rất mù mờ về AIDS. Có khi 3 - 4 người cùng chung một bơm tiêm và họ không hề biết rằng một trong những người kia đã mang trong mình mầm mống của căn bệnh thế kỷ. Ông Pháy kể rằng, có trường hợp nhìn bạn chích, thấy hay hay nên xin chích thử xem thế nào, thế là dính "ết". Nguy hiểm hơn, họ đã vô tình mang bệnh về truyền lại cho vợ con.
Chia tay Mường Mô trong buổi chiều đông ảm đạm não nề, những hạt mưa lất phất rơi lại càng khiến cho miền đất này thêm phần lạnh lẽo. Bất chợt nhớ lại câu nói của bà Lù Thị Sen trong lúc nói chuyện với chúng tôi: "Giá như không có ma túy thì hay biết mấy" mà thấy cay cay sống mũi.
Chỉ là phần nổi, thực tế con số đó có thể cao hơn nhiều Ông Chảo Chản Mìn - Trưởng công an xã Mường Mô đưa cho chúng tôi một quyển sổ theo dõi với một danh sách đầy đủ họ tên dài dằng dặc. Ông bảo: "Đây là số đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn mà chúng tôi đang quản lý, theo dõi và không ít người trong số này đã nhiễm HIV. Đó cũng chỉ là phần nổi mà chúng tôi nắm được, trên thực tế con số đó có thể cao hơn nhiều"… |
Đào Giang - Phù Ninh