"Bão giá" cản bước doanh nghiệp
Cả năm nay, dàn xe và máy của công ty anh T.A. (SN 1981) không mấy khi được ra công trường. Anh cười chua chát: "Không làm thì không được, mà làm thì may đủ bù tiền lãi, còn không thì thua lỗ nên làm cũng chẳng để làm gì".
Anh T.A. là giám đốc công ty XDVT C.M, một trong số nhiều những doanh nghiệp trẻ tại tỉnh Hà Tĩnh khởi nghiệp từ 2 bàn tay trắng. Năm 2015, anh thành lập công ty XDVT C.M. với số vốn chỉ vỏn vẹn hơn 1 tỷ đồng. Những ngày đầu khởi nghiệp, công ty anh chỉ có 3 nhân viên. Bằng nỗ lực, từ một công ty non trẻ, chỉ sau vài năm, XDVT C.M đã tăng vốn điều lệ lên 10 tỷ đồng, có hơn 20 cán bộ công nhân viên, doanh thu đạt trung bình gần 2 tỷ đồng/tháng. Công việc làm ăn thuận lợi, anh tiếp tục vay vốn ngân hàng mua thêm nhiều máy xúc, máy đào và xe tải với khấp khởi hi vọng, công việc làm ăn một ngày tấn tới.
Thế nhưng, “người tính không bằng trời tính” cuối năm 2019, dịch Covid – 19 bùng phát, mọi hoạt động sản xuất của công ty anh gần như “tê liệt”. Giai đoạn 2020 đến cuối năm 2021, không những công ty anh mà tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh gần như “ngủ đông” trước đại dịch. Đến đầu năm 2022, dịch bệnh được khống chế, cũng như nhiều doanh nghiệp khác, công ty anh tiếp tục vận hành trở lại, hi vọng sự khởi sắc sau gần 2 năm cầm cự.
Chưa kịp vực dậy thì “bão” giá xăng, dầu tiếp tục khiến doanh nghiệp anh lao đao. Đặc biệt, lịch sử chưa từng xảy ra là giá dầu đắt hơn giá xăng, những con máy của công ty lại nằm chỏng chơ không “dám” hoạt động vì “thu” không đủ “chi”. “Giá xăng, dầu lên rồi xuống, chưa kịp mừng thì thực hiện chỉ đạo về việc cắt thành thùng, hạ tải, doanh nghiệp của tôi cũng như nhiều doanh nghiệp vận tải khác đều phải thực hiện nghiêm túc, phát sinh chi phí cắt thành thùng cũng không ít. Doanh nghiệp vận tải lại khó khăn chồng chất khó khăn”, anh T.A thở dài.
Ngân hàng kiểm soát vốn vay, tăng lãi suất
Cùng chung cảnh ngộ, anh H.B. (SN 1982), chủ doanh nghiệp vận tải N.T. cho hay, năm 2016, anh thành lập công ty vốn điều lệ chỉ 500 triệu đồng. Thời kỳ thịnh vượng nhất là giai đoạn 2016 - 2018, nhân viên anh có 12 người gồm cả kế toán, lái xe, lái máy với mức lương cơ bản 12 triệu/người/tháng, doanh thu đạt 10 – 15 tỷ/năm.
Cùng chung sự ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, đến giá nhiên liệu… hầu như công ty anh chỉ “cầm cự” suốt gần 2 năm nay. Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu tăng dẫn đến các công trình xây dựng bị chậm tiến độ khiến hoạt động vận tải cũng chững lại, một số công trình thi công dang dở không thể thanh toán. “Khó khăn chồng chất khó khăn dẫn đến nguồn vốn không đủ xoay vòng để công ty hoạt động. Tôi muốn vay thêm vốn ngân hàng để tiếp tục kinh doanh, sản xuất thì các ngân hàng lại kiểm soát nguồn vốn vay, tăng lãi suất”, anh B. buồn bã nói.
Theo anh B. hiện anh đang vay vốn của ngân hàng 6 tỷ đồng. Mới đây, anh tiếp tục làm thủ tục vay vốn để tái kinh doanh sản xuất thì ngân hàng kiểm soát nguồn vốn, không thể vay được. Nợ cũ chưa trả được, nợ mới không thể vay, trong khi lãi suất của món nợ cũ hiện đã tăng lên gần lên 8,9%/năm. “Chưa bao giờ tôi thấy bế tắc như thế này, vừa rồi tôi đã phải bán bớt 3 xe tải, tiến tới cũng phải bán tiếp xe, máy, cắt bớt dần nhân viên vì không thể trụ nổi chi phí. Nếu tiếp tục tình trạng này, chắc công ty tôi phải đóng cửa vì không còn sức để cầm cự”, anh B. trầm giọng.
Trao đổi với Người Đưa Tin Pháp luật, ông Lê Đức Thắng, Chủ tịch Hiệp Hội Doanh Nghiệp Hà Tĩnh cho hay, đây là giai đoạn thực sự khó khăn đối với doanh nghiệp tại Hà Tĩnh nói riêng và các doanh nghiệp trên cả nước nói chung, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tùy theo từng loại hình doanh nghiệp, có những khó khăn đặc thù riêng, nhưng khó khăn chung nhất vẫn là chi phí đầu vào tăng cao trong khi đó giá đầu ra tăng không đáng kể hoặc không tăng; giá nhiên liệu, nguyên vật liệu tăng, lãi suất ngân hàng tăng. Nhiều công trình dự án thời điểm doanh nghiệp thực thi giá nguyên vật liệu tăng nhưng không được bù giá khiến các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây lắp thua lỗ. Các doanh nghiệp chỉ còn nước chờ giá hạ xuống dẫn đến công trình thi công dang dở không thể hoàn thành.
“ Có rất nhiều gói thầu nhỏ nhưng công tác giải phóng mặt bằng mất vài tháng, thậm chí kéo dài đến vài năm. Đến khi triển khai xây dựng thì giá nguyên vật liệu đã tăng nhưng doanh nghiệp lại không được bù giá. Phải nói rằng rất khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó, có những khó khăn khách quan, tuy có đổi mới nhưng còn nhiều rào cản như thủ tục, thái độ phục vụ một số khâu của các cơ quan quản lý Nhà nước còn trì trệ, thiếu chia sẻ với doanh nghiệp”, ông Thắng thẳng thắn trao đổi.
Thực tế, sau khi Chính phủ ban hành quy định cải cách hành chính, năm 2022, các bộ, ngành và địa phương đã tiến hành kiểm soát chặt chẽ các văn bản quy phạm pháp luật quy định thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh hơn.
Xác nhận điều này, một cán bộ ngân hàng tại Hà Tĩnh cho hay: “Các thủ tục gói cho vay ưu đãi đối với đối tượng khách hàng doanh nghiệp hồ sơ, thủ tục rất chặt chẽ nên các doanh nghiệp hầu như khó đáp ứng điều kiện dẫn đến không mặn mà”.
Cộng đồng Doanh nghiệp Hà Tĩnh góp phần lớn trong thu ngân sách, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đóng vai trò “đầu tàu” trong nền kinh tế của tỉnh. Chính vì vậy, cần lắm những cơ chế “mở” sát thực tiễn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, “sống khỏe” song hành cùng chính sách và các quy định pháp luật.