Tại buổi tọa đàm "Cắt giảm điều kiện kinh doanh tại bộ Công Thương: Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp" do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức ngày 22/11, Thứ trưởng bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã tiết lộ về thời gian chính thức bãi bỏ 675 điều kiện kinh doanh.
Theo Thứ trưởng bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp là ý nguyện của bộ Công thương. Tuy nhiên, việc cắt giảm này liên quan đến 16 ngành nghề, vì thế ít nhất phải sửa 16 nghị định và nếu sửa như vậy sẽ phải mất cả năm.
“Chúng tôi đã đề xuất với Chính phủ cho phép một nghị định sửa nhiều nghị định, đưa vào chương trình công tác của Chính phủ năm 2017. Cùng với đó, chúng tôi đề xuất Chính phủ cho phép ban hành nghị định theo thủ tục rút gọn. Ngày 10/11 vừa qua, Thủ tướng đã có văn bản đồng ý. Hiện nay, chúng tôi đã gửi dự thảo này sang bộ Tư pháp, ngay sau khi bộ Tư pháp thẩm định, bộ Công Thương sẽ nhanh chóng tiếp thu. Chúng tôi đang cố gắng trình Chính phủ trước 30/11”, Thứ trưởng bộ Công Thương cho hay.
Tại buổi tọa đàm, TS.Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ cũng chia sẻ một thực tế từng xảy ra cắt giảm điều kiện kinh doanh nhưng ngay sau đó lại “tái mọc”. Ông dẫn chứng, trước đây, ngành Giao thông Vận tải đã bãi bỏ gần như hết các điều kiện kinh doanh nhưng sau đó lại hồi phục lại gần như toàn bộ, thậm chí còn “mọc” thêm một số điều kiện kinh doanh mới. “Quan trọng là ở tư duy. Nếu các cơ quan chức năng vẫn đặt ra cách thức tiền kiểm mà không chuyển sang hậu kiểm thì không bao giờ cắt giảm được điều kiện kinh doanh”, TS.Cung nhấn mạnh.
Cũng theo TS.Nguyễn Đình Cung, mỗi khi xuất hiện một phương thức kinh doanh mới và xảy ra sự cố, báo chí vào cuộc và dư luận xã hội đặt câu hỏi: “Cơ quan quản lý ở đâu?” thì sau đó lại xuất hiện tình trạng “mọc” ra các điều kiện kinh doanh để quản lý nên việc cắt giảm rồi nhưng “đẻ” thêm các điều kiện kinh doanh là hoàn toàn có thể xảy ra.
Liên quan đến lo ngại trên, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, việc bãi bỏ nhiều điều kiện kinh doanh là vì doanh nghiệp. “Tư duy từ tiền kiểm sang hậu kiểm là trao quyền tự quyết cho người kinh doanh. Các cơ quan quản lý sẽ đưa ra các quy chuẩn, tiêu chuẩn này, nếu anh đáp ứng được tiêu chuẩn thì chúng tôi tiếp tục cho anh hoạt động nhưng không đáp ứng được thì chúng tôi sẽ xử lý. Thay đổi tư duy quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm sẽ tránh tình trạng “tái mọc” điều kiện kinh doanh”, Thứ trưởng Khánh chia sẻ.
Theo Thứ trưởng bộ Công Thương, ngoài thay đổi về tư duy quản lý cũng cần có sự thay đổi cách nhìn nhận mỗi vấn đề từ dư luận xã hội. “Một sự việc xảy ra ở Điện Biên không thể cứ đặt ra câu hỏi là trách nhiệm của bộ Công Thương ở đâu. Các bộ ngành không thể đủ lực lượng để kiểm tra hết mà chỉ đưa ra các quy chuẩn, tiêu chuẩn còn ở địa bàn nào thì phải do chính quyền địa phương đó giám sát, kiểm tra”, ông Khánh nói.
Đỗ Thơm