Sáng 6/6, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Đầu phiên làm việc, có 99 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.
Giáo dục nghề nghiệp vẫn cần phải đổi mới
Phát biểu trước khi chất vấn, ông Dung cho biết các vấn đề lao động, việc làm, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp và quản lý, phát triển bảo hiểm xã hội có ý nghĩa chiến lược quốc gia, liên quan trực tiếp đến miếng ăn, giấc ngủ hàng ngày của hàng triệu người dân, người lao động và lực lượng hưu trí. Biến động khó lường của kinh tế thế giới, hậu quả đại dịch khiến nhiều doanh nghiệp cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất.
Trong tình hình đó, Đảng, Nhà nước và các cấp ngành đã quyết định nhiều giải pháp, cùng tinh thần tương thân tương ái, cả nước đã vượt qua khó khăn, đảm bảo cơ bản các chính sách an sinh. Với bốn nhóm chính sách hỗ trợ, 120.000 tỷ đồng đã hỗ trợ trên 68 triệu lượt người dân, lao động và trên 1,4 triệu lượt người sử dụng lao động.
"Sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, lao động việc làm nảy sinh nhiều vấn đề, đòi hỏi ngành phải hành động mau lẹ, ứng xử kịp thời", ông Dung cho hay.
Sau phần phát biểu của ông Dung, là người đầu tiên tham gia chất vấn ĐBQH Huỳnh Thị Ánh Sương (đoàn Quảng Ngãi) hỏi: Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, giải pháp của Bộ về giáo dục nghề nghiệp là có chính sách để thu hút học sinh khá giỏi vào giáo dục nghề nghiệp.
"Đề nghị Bộ trưởng cho biết cụ thể những chính sách trên, khi nào được thực hiện? Bao giờ giáo dục nghề nghiệp mới là bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân được học sinh lựa chọn?", bà Sương chất vấn.
Trả lời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay giáo dục nghề nghiệp là một bậc học trong hệ thống giáo dục quốc dân, cũng là sự liên thông giữa giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Quốc hội cũng đã hoàn thành chính sách pháp luật liên quan.
Quy mô đào tạo hiện tại là khoảng 2 triệu sinh viên đại học và học viên học nghề. Hiện tỉ lệ người học cao đẳng là 56%.
Thực sự, giáo dục nghề nghiệp hiện tại cả về quy mô và chất lượng cũng vẫn cần tiếp tục đổi mới và cải thiện. Các chính sách, chế độ ưu đãi để khuyến khích học sinh học nghề cũng cần quan tâm nhiều.
Thực tế, phần đa sinh viên vào trường nghề thường rơi vào số không có điều kiện học lên, muốn nhanh chóng bước vào thị trường lao động, đi làm kiếm thu nhập. Bộ phận học sinh học nghề theo nguyện vọng chưa nhiều. Trong khi đó, phần đa học viên học nghề sau khi ra trường đều có việc làm ổn định, tỉ lệ tới 85%.
Xác định lại chất lượng nguồn lao động
Đại biểu Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh) chất vấn: Sau hơn 2 năm thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 theo Quyết định 176 của Thủ tướng Chính phủ, thị trường lao động Việt Nam bước đầu đã có cải thiện. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực đất nước vẫn ở vị trí thấp với nhiều nước trong khu vực. Tỉ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ chỉ đạt khoảng 26%. Vậy, Bộ trưởng đánh giá như nào về quá trình triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động trên? Đến bao giờ chất lượng nguồn nhân lực đất nước mới tiệm cận được với các nước trong khu vực?
Trả lời, Bộ trưởng cho biết quy mô lao động độ tuổi từ 15 trở lên khoảng 55 triệu người; đến quý I/2023, số người tham gia thị trường lao động từ 15 tuổi trở lên 51,4 triệu người. Thị trường lao động Việt Nam thời gian qua đã có một bước hình thành và phát triển tương đối nhanh chóng cả về cơ cấu, cả về quy mô, cả sự phát triển trong tương lai.
Tuy nhiên, lao động kỹ năng còn thấp, số lao động qua đào tạo bằng các hình thức khác nhau là trên 70% nhưng số có bằng cấp, chứng chỉ hiện nay là 26,4% (tính đến quý I/2023), thấp so với các nước phát triển.
Thời gian qua sau khi có Nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết 19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 06 về phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, hiện đại, đồng bộ, hiệu quả và bền vững. Nghị quyết đã nêu 9 nhóm giải pháp căn bản từ việc tuyên truyền, nhận thức, xây dựng chính sách, việc triển khai tổ chức thực hiện…
Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) đặt vấn đề, lao động qua đào tạo yếu tố tạo năng suất lao động, đánh giá trên văn bằng chứng chỉ số phần trăm chưa cao. Nhiều lao động chưa qua trường lớp đào tạo nhưng lại có năng suất lao động. Họ được doanh nghiệp đào tạo, hoặc quá tình học hỏi của bản thân. Bộ trưởng nêu quan điểm gì về vấn đề này? Cần xây dựng trình độ đánh giá về vấn đề này không?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng ý kiến của đại biểu Tô Văn Tám là xác đáng. Thực tế, tỉ lệ lao động qua đào tạo của nước ta trên 70%, có chứng chỉ trên 26%. Cũng trên thực tiễn, đào tạo có chứng chỉ một nội dung, quan trọng nhất nghiệp vụ, kỹ năng, tinh thông nghề nghiệp, hiệu quả lao động.
Hiện tượng có thể thấy là nhiều lao động không có bằng cấp nhưng tay nghề cao, học truyền nghề như nghề đúc đồng ở Ý Yên, Nam Định.
Bộ trưởng cho hay: “Chúng tôi tán thành với đại biểu, thấy rằng có cái nhìn toàn diện, đầy đủ vấn đề này. Có trường hợp tại sao có chuyên môn như vậy lại không tổ chức cho họ? Chúng tôi đã giao Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp phối hợp đề xuất vấn đề này với quan điểm cần có công cụ, tiêu chí đánh giá, xác định chất lượng lao động tiêu chuẩn đánh giá trong thời gian tới”.