“Bao giờ lấy chồng/vợ?” câu hỏi mua vui làm quà

“Bao giờ lấy chồng/vợ?” câu hỏi mua vui làm quà

Dương Thị Thu Nga

Dương Thị Thu Nga

Thứ 5, 15/02/2018 19:00

“Bao giờ cho cô ăn cỗ”, “Năm nay có mang bạn gái về không?”, “Người yêu đâu”… là những câu hỏi mà các cô nàng hay anh chàng còn độc thân thường xuyên phải nghe trong mỗi dịp Tết.

Cộng đồng mạng - “Bao giờ lấy chồng/vợ?” câu hỏi mua vui làm quà

Nhiều bạn trẻ rủ nhau in áo mặc chơi Tết.

Tết là thời điểm gia đình, họ hàng nội ngoại xa gần đoàn tụ. Tết cũng là thời điểm mọi người có thời gian rảnh rang hỏi han, chuyện trò. Nhưng với những người trẻ, thời gian trò chuyện, hỏi han lại thành thời gian đau đầu, ức chế với những câu hỏi liên quan tới lập gia thành thất.

Câu cửa miệng hỏi thăm dành cho các cô gái, chàng trai độc thân luôn là: Bao giờ cưới? Sao chưa mời mọi người ăn cỗ? Khi nào được ăn kẹo mừng? Sao không thấy đưa người yêu ra mắt?...

Sự quan tâm quá mức này mang lại sự khó chịu cho nhiều bạn. Cũng bởi thế, mùa Tết dù chưa tới đã trở nên... mất vị, bởi những câu hỏi khó trả lời này.

Cũng chính vì thế, những dịch vụ: Thuê người yêu về ra mắt, đặt mua những chiếc áo phông in chữ “Chưa có bồ. Có sẽ cưới. Cưới sẽ báo. Vui lòng không hỏi thêm”, “Đã có chồng. Chưa có bầu. Có sẽ đẻ. Vui lòng không hỏi thêm”... ra đời như để làm "phao cứu sinh" cho những cô nàng, anh chàng mang tiếng "ế bền vững".

Vài năm gần đây, giới trẻ rộ lên trào lưu du lịch ngày Tết. Không ít chàng trai, cô gái chọn "xách ba lô lên và đi" trong thời điểm sum họp gia đình như một cách để trốn tránh câu hỏi liên quan đến chuyện chồng con/vợ con.

Tết năm nay, Nguyễn Thị Nhung (23 tuổi, Bắc Ninh) được nghỉ 7 ngày và cô quyết định đi phượt từ mồng 2 Tết đến mồng 5 Tết. Nhung buồn rầu kể về "ác mộng" của mình vào Tết năm ngoái. Vào ngày họp mặt họ hàng, hàng loạt câu "tra hỏi" của cô, dì, chú, bác luôn khiến Nhung có cảm giác như chưa có người yêu, chưa có chồng là một cái tội.

“Mình chưa có người yêu nên khi các cô bác hỏi mình cảm giác như mình là đứa già nua, ế mốc meo, mọi người còn toàn gọi mình là ‘quả bom nổ chậm trong nhà’. Nghe một, hai lần không sao nhưng ai vào nhà cũng cùng một mối "quan tâm" thì làm sao mình chịu đựng được. Chị họ mình có người yêu rồi thì bị quay ra hỏi những câu hỏi: Bao giờ cưới? Nhà kia đã đến xin phép chưa?,...”, Nhung kể.

Người trẻ khi được hỏi cảm thấy khó chịu, nhưng với nhiều người, đó là một cách thể hiện sự quan tâm, nếu không quý mến thì chẳng ai hỏi vậy làm gì.

“Cả năm may ra mới có dịp Tết để gặp các cháu trong họ, chúng nó toàn lớn rồi hỏi mấy chuyện yêu đương, cưới hỏi là đương nhiên. Đó là những câu hỏi thể hiện sự quan tâm, có coi là con cháu mới hỏi. Chứ tôi không nghĩ hỏi như vậy thì gây khó chịu", chị Nguyễn Thị Hảo (43 tuổi, Bắc Ninh) bày tỏ quan điểm.

Cùng ý kiến với chị Hảo, chị Dương Thị Hải (48 tuổi, Hưng Yên) chia sẻ: “Từ lâu, chúng tôi coi những câu hỏi đó như câu cửa miệng. Gặp đứa em hay đứa cháu nào mới đi làm xa về mà chưa chồng con gì thì lại hỏi. Chả nhẽ cả năm mới gặp nó một lần mà không hỏi han, thăm hỏi, quan tâm gì sao?”.

Khi đưa ra ý kiến rằng nhiều bạn trẻ cảm thấy khó chịu khi sự quan tâm quá hóa thành tọc mạch chuyện riêng tư, chị Hải nói: “Tôi có thấy như vậy là tọc mạch gì đâu. Làng quê tôi bao năm vẫn vậy, quan tâm thì mới hỏi han nhau. Mà tôi vẫn thấy chúng trả lời lễ phép, vẫn vui vẻ có thấy khó chịu gì đâu. Còn nếu như những lời hỏi han về vấn đề cá nhân gây áp lực cho các cháu thì chắc là tôi cũng sẽ thay đổi”.


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.