Việt Nam Idol mùa thứ 4 đã khép lại. Sự lên ngôi của Yasuy được ví như một câu chuyện cổ tích giữa đời thực. Dù chia vui với chiến thắng của chàng trai người dân tộc Churu nhưng không ít khán giả tỏ ra nuối tiếc cho Hoàng Quyên, cô gái có giọng hát đầy nội lực và kỹ thuật đẳng cấp. Giữa cảm xúc và lý trí, sự mộc mạc và bài bản, dường như công chúng đã không ngần ngại lựa chọn vế thứ nhất. Dẫu vậy, âm nhạc cần nhiều hơn những điều đó. Yêu một cách cuồng nhiệt và mù quáng, bản năng một cách tùy tiện, sự cảm tính của khán giả đang làm chệch hướng vị trí của âm nhạc thực sự.
> Đọc thêm: Những bước chân khập khiễng trở thành Idol
Giọng hát thực sự đã không thể lên ngôi vì tâm lý ngại vỗ tay cho kẻ tài của khán giả Việt.
Một cái tình bất bình với trăm cái lý
"Một trăm cái lý không bằng một tý cái tình", câu thành ngữ từ ngàn xưa này xem ra đến tận bây giờ vẫn giữ nguyên giá trị. Còn nhớ trong vòng loại, Yasuy là một trong hai thí sinh phải nhận tấm vé vớt. Sự hồn nhiên nhưng nhàn nhạt của anh, ban đầu không làm mềm lòng được sự kỹ lưỡng, khó tính của Quốc Trung. Rồi như một cái duyên, hình ảnh một chàng trai nghèo Churu trong clip về thăm buôn làng đã thực sự đánh gục trái tim của hàng nghìn khán giả. Và khi lòng thương đã lên ngôi thì mọi thứ sau đó, từ tiếng hát đến bản lĩnh sân khấu hay tài năng đều được mặc nhiên thừa nhận hoặc lấp liếm.
Có thể nói Yasuy gần như chưa có một ca khúc nào thực sự hay trên sân khấu Idol. Mặc cho Hoàng Quyên thăng hoa từ bài này đến bài khác, phiêu linh với những nốt nhạc đầy cảm xúc và kĩ thuật thì Yasuy vẫn phô, chênh, run rẩy liên tục trong mỗi lần xuất hiện trước hàng ngàn khán giả. Mà rất nhiều trong số đó là fan của anh. Tuy nhiên, sự cuồng nhiệt của họ không làm Yasuy tự tin. Bởi bản tính rụt rè, nhút nhát đã là một cái gì đó cố hữu trong con người chàng trai này. Hay chăng, đó là điều dễ hiểu ở một giọng hát thiếu hụt quá nhiều về kỹ thuật?
Nhưng điều đó có quan trọng gì, khán giả đã trót yêu sự yếu đuối ấy rồi? Lòng thương đã chiến thắng tất cả. Yasuy càng thất bại trong giọng hát thì lại càng chiến thắng ở lòng thương của khán giả. Đỉnh điểm của sự vụng về là khi anh quên lời và hát lạc tone toàn bộ phần đầu ca khúc Viết tình ca trong đêm chung kết thứ nhất. Tiếng hát bản năng đã không thể cứu Yasuy trong thời điểm và khoảnh khắc cần đến kỹ thuật và bản lĩnh sân khấu để xử lý. Yasuy đã thực sự khiến Mỹ Tâm thất vọng sâu sắc. Anh cũng để lại những cái lắc đầu ngao ngán, nơm nớp ở hai vị nam giám khảo vốn dí dỏm và điềm đạm. Nhưng bấy nhiêu thôi vẫn không đủ sức ngăn cản cơn sóng cổ động mạnh mẽ của những người yêu mến anh.
Giải quán quân thuộc về Yasuy không phải là điều quá bất ngờ đối với khán giả, kể cả với những người ủng hộ Hoàng Quyên. Biết là vậy, một trăm cái lý không bằng một tí cái tình, nhưng nhiều người vẫn thấy sốc và buồn? Vì sao? Vì âm nhạc thực sự đã không thể lên ngôi. Vì bản lĩnh sân khấu, sự bài bản và trọn vẹn đã không được đánh giá một cách công minh nhất. Nói Hoàng Quyên hát không cảm xúc ư? Vậy làm sao cô có thể chạm đến trái tim, sự yêu mến lẫn ngưỡng mộ của Mỹ Linh, Mỹ Tâm, những diva của nhạc Việt. Làm sao cô có thể làm mềm một cái đầu khó tính đến xoi mói như Quốc Trung? Kể cả những người lặng lẽ bên lề cuộc thi như nhạc sĩ Trương Anh Quân cũng không ngớt lời ca tụng và nhắn tin ủng hộ cô. Từng đó con người, có thể nào họ lại định thẩm và nhầm lẫn với một tài năng thực sự?
Nhiều quan điểm cho rằng Yasuy là hiện thân của những thứ mà showbiz Việt hiện nay không có: Sự trong sáng đến thật thà, hồn nhiên đến ngô nghê, chân thành đến ngờ nghệch. Sự ủng hộ của khán giả là một cách đáp trả của họ đến những scandal bê bối, bon chen, hỗn loạn, tính toán của làng giải trí Việt trong những năm qua. Nhưng Idol là một cuộc thi tìm kiếm tài năng chứ không phải nơi để chúng ta thể hiện sự vượt khó, nơi để chúng ta thể hiện lòng thương hại. Câu chuyện cổ tích sẽ đẹp khi sự kỳ diệu được xếp sắp một cách hợp lý, khi tài năng phải được biểu hiện, phải có thực lực. Tài năng không thể là thứ được thổi phồng lên bằng lòng thương. Đau lòng thay, giải quán quân của một cuộc thi thần tượng âm nhạc lại được trao cho một người không mấy hiểu biết về âm nhạc. Yasuy chỉ có duy nhất một thứ để thi thố với hàng trăm những người khác, đó là sự mộc mạc, bản năng.
Điều tưởng như bình thường ấy hóa ra lại trở thành đặc biệt, trở thành điểm độc đáo và là vũ khí lợi hại của chàng trai Churu trong cuộc chạy đua đến ngôi vị cao nhất. Âm nhạc, tài năng (cái tưởng như phải là thứ đáng được tôn vinh) đã phải dừng bước, phải trở nên tầm thường trước sự mộc mạc, cảm xúc ấy. Câu nói của nhạc sĩ Quốc Trung trong đêm chung kết thứ hai thể hiện sự thâm thúy, sâu cay nhưng cũng đầy châm biếm trước thực tại xót xa của làng giải trí Việt. Sự giả dối, cứng nhắc của một bộ phận không nhỏ nghệ sĩ đã khiến khán giả hoàn toàn mất niềm tin và cảm hứng đối với nghệ thuật, âm nhạc. Chúng ta cứ ngỡ công chúng đang tìm kiếm điều gì đó quá cao xa. Thực tế, nó giản dị và gần gũi đến mức ta không ngờ tới. Ví dụ như sự ngây ngô, hồn nhiên, chân thành như Yasuy.
Bội thực với giả dối, sự mộc mạc, ngây thơ của một thí sinh đã trở thành điểm mạnh trong cuộc đua về âm nhạc
Cái gọi là Quyền lực khán giả thực chất cũng chỉ là chiêu trò
Cảm xúc đã lấn át tài năng, Yasuy lên ngôi và câu chuyện cổ tích đã có được hồi kết trọn vẹn. Khán giả đã thực sự làm chủ cuộc chơi, đã thực sự được nắm quyền lực. Nhưng thứ quyền lực đó cũng cần xem xét lại liệu nó đã được thực thi như thế nào? Hay quyền lực khán giả cũng chỉ là một chiêu bài, một cái tên mà ban tổ chức đã ưu ái xem mặt đặt tên?
Với Yasuy có thể nói, ban tổ chức đã thành công trong việc PR hoàn cảnh của thí sinh này. Một gia đình Churu nghèo khổ, một miền quê tít xa, một chàng Trương Chi lấm lem vụt thành thần tượng. Đó là một kịch bản hoàn hảo, là cách tốt nhất để đánh vào lòng thương của khán giả. Nước mắt đã rơi xuống, lòng thương đã lên ngôi, tình yêu (được thể hiện qua tin nhắn bình chọn) vì thế không cần phải giải thích hay đong đếm. Đơn giản là đã trót yêu và thương mất rồi, và điều đó không gì có thể lay chuyển được họ. Vậy thì khán giả ơi, các bạn là ông chủ hay chỉ đơn giản là đầy tớ, là nạn nhân của những chiêu trò?
Idol đã làm được điều phi thường?
Nhưng lòng thương liệu có cứu rỗi được âm nhạc thực sự. Thần tượng của hàng nghìn người sao vẫn thấy có điều gì đó xót xa. Đến bao giờ, thần tượng của chúng ra mới đủ sức và lực để đứng trên một sân khấu âm nhạc chuyên nghiệp nếu cứ mãi bản năng, cứ mãi sợ sệt, rụt rè? Có thể, tâm lý thích bao che cho kẻ yếu đã lấn át số đông khán giả. Họ không cần kỹ thuật, không cần bài bản. Sự bao dung đến kỳ lạ đối với Yasuy và sự đòi hỏi đến ngạc nhiên đối với Hoàng Quyên đã nói rõ điều đó.
Nhưng âm nhạc cần nhiều hơn thứ mà ta vẫn gọi là bản năng ấy. Hoàng Quyên thất bại chỉ vì cô ấy quá tròn trịa, quá hoàn hảo ư? Đó chỉ là cách nói phiến diện, là sự bao biện vì tâm lý ngại vỗ tay cho người tài. Sự yêu mến của các bạn đã đưa thần tượng được lên ngôi. Nhưng sau ngai vàng ấy, Yasuy có những gì trong con mắt của những người chuyên môn. Đó là sự hoài nghi của Mỹ Tâm về khả năng thành công của anh trong môi trường showbiz. Là sự xót xa, chán ngán của nhạc sĩ Quốc Trung khi người mà anh nhận định là sẽ tạo nên cảm hứng sáng tác cho các nhạc sĩ đã không thể đăng quang ở ngôi vị xứng đáng. Là nụ cười phân bua, nửa vời của đạo diễn Quang Dũng và cái tặc lưỡi của anh dù sao chúng ta cũng phải trân trọng sự lựa chọn của khán giả.
Việt Nam Idol mùa thứ 4 đã thực sự biến được điều không thể thành có thể. Nó là trang cổ tích thần kỳ, mới mẻ. Nhưng cổ tích ơi, hãy cứ ở lại trên những trang sách đi. Xin đừng huyễn hoặc và bóp méo những giá trị thực. Âm nhạc và tài năng không có cổ tích. Nó là thực tại của những năng khiếu được sự rèn luyện, gọt giũa bài bản. Hãy viết nên cổ tích bằng sự công tâm, chân chính thay vì bằng những thứ cảm tính, phiến diện, chủ quan.
> Đọc thêm: Giai nhân Thượng Hải xưa 'phóng khoáng khoe’ vòng một
Đào Bích