Những ngày qua, việc bạo hành trẻ khi cho ăn của các “bảo mẫu” tại cơ sở mầm non tự phát ở quận Gò Vấp (TP.HCM) gây xôn xao dư luận. PV Người Đưa Tin đã có buổi trao đổi với PGS.TS Vũ Gia Hiền (chuyên gia tâm lý) để có những phân tích cụ thể về tình trạng bạo hành trẻ em, hành vi ứng xử với trẻ của các bảo mẫu và những ảnh hưởng của nó đến tâm sinh lý của các em.
PV: Thưa PGS.TS Vũ Gia Hiền, hiện nay, tình trạng bạo hành trẻ, đặc biệt là trường hợp bảo mẫu bạo hành trẻ ở các cơ sở mầm non tự phát ngày càng trở nên trầm trọng. Vậy nguyên nhân do đâu?
PGS.TS Vũ Gia Hiền: Sở dĩ, việc bạo hành trẻ ở các cơ sở mầm non tự phát ngày càng nhiều và trầm trọng hơn là do các bảo mẫu này chưa có những kỹ năng ứng xử với trẻ nhỏ. Ngoài ra, tâm lý bản thân họ cũng không ổn định. Có thể nói, họ bị rối hoạn hành vi ứng xử. Vì thế, khi trẻ biếng ăn và khóc, họ đã không có kỹ năng để dỗ dành các bé mà chỉ biết dùng bạo lực đánh vào cơ thể bé khiến cho sự việc ngày thêm trầm trọng.
Ngoài ra, tâm lý của những bảo mẫu này cũng thường xuyên bất ổn. Họ hay cáu gắt, chau mày, cáu bẩn từ trong tâm lý nên khi thấy trẻ khóc, họ chỉ biết đánh đập lên các bé như một bản năng “xả” giận.
PV: Vậy, thay vì đánh đập, với trường hợp trẻ hay khóc, biếng ăn, bảo mẫu nên có ứng xử như thế nào để thuyết phục các bé?
PGS.TS Vũ Gia Hiền: Với những trẻ mầm non, nếu chúng khóc, bản thân người bảo mẫu phải tìm ra nguyên nhân ở đâu. Không phải tự nhiên mà bé khóc, bé biếng ăn,… Bởi chắc chắn, bé khó chịu một cái gì đó nên hành vi khóc như một tín hiệu để trẻ báo cho người lớn biết. Cho nên, bảo mẫu nói riêng và người lớn nói chung phải có tính kiên nhẫn, kiên trì để dỗ dành các bé tìm ra nguyên nhân chứ không nên đánh đập. Việc đánh đập chỉ là hành vi giải quyết tức thời khiến tình trạng ngày càng tệ hơn chứ không giải quyết được căn nguyên.
PV: Các bảo mẫu thiếu tính kiên nhẫn thường rơi vào những bảo mẫu trẻ, thiếu kinh nghiệm. Nhưng với trường hợp bảo mẫu tại cơ sở mầm non tự phát đánh đập trẻ khi cho ăn tại Gò Vấp (TP.HCM) gây xôn xao dự luận ngày 16/3 vừa rồi lại là những bảo mẫu lớn tuổi, có đủ kinh nghiệm. Về điều này, Tiến sĩ có thể giải thích?
PGS.TS Vũ Gia Hiền: Hai bảo mẫu đánh đập trẻ lúc cho ăn tại Gò Vấp vừa rồi đúng là đã lớn tuổi. Một người sinh năm 1968 và người sinh năm 1966. Họ không còn trẻ để có hành vi nông nổi. Tuy nhiên, họ chỉ lớn về tuổi đời chứ không lớn về tuổi nghề cũng như đạo đức. Bản thân những bảo mẫu gây ra hành vi đó hoàn toàn không yêu trẻ và không hiểu gì về chúng. Khi trẻ biếng ăn và khóc, họ chỉ biết đánh và đánh để thỏa mãn cơn giận dữ trong họ. Ngoài ra, khi mở cơ sở này, họ hoàn toàn tự phát vì mục đích muốn kiếm thêm thu nhập chứ không có tấm lòng yêu trẻ.
PV: Nếu trẻ bị bạo hành từ nhỏ như vậy sẽ gây tác động, ảnh hưởng xấu như thế nào đến tâm sinh lý của các bé?
PGS.TS Vũ Gia Hiền: Dưới góc độ tâm lý học, hành vi bạo hành trẻ ngay từ nhỏ sẽ để lại cho các bé những ám ảnh về thể chất và tinh thần. Cụ thể, việc trẻ bị đánh đập, hành hung bé không chỉ khiến cơ thể các bé bị tổn thương mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, hành vi và cách ứng xử của bé trong tương lai.
Nếu tình trạng kéo dài sẽ gây ám ảnh cho các bé, khiến tính cách bé trở nên hung dữ, lì lợm hoặc trở nên nhút nhát, thu mình lại, không muốn tiếp xúc với xã hội.
Thậm chí, có những trẻ bị ảnh hưởng đến mức tự kỷ, gây ra ảo giác. Vì thế, các bảo mẫu, cô giáo cũng như bậc phụ huynh nên giáo dục, cư xử với bé một cách nhẹ nhàng, đúng mực. Đặc biệt, phải kiên trì nói chuyện và biết lắng nghe chúng.
PV: Cảm ơn những chia sẻ của Tiến sĩ!
Dương Hạnh