Bạo hành trẻ nhỏ-đánh thương binh già: Còn gì độc ác và dã man hơn?

Bạo hành trẻ nhỏ-đánh thương binh già: Còn gì độc ác và dã man hơn?

Dương Thị Thu

Dương Thị Thu

Thứ 4, 08/02/2017 09:43

Chỉ vì va chạm giao thông nhỏ, ông lão thương binh bị đấm đá túi bụi; chỉ vì chưa quen môi trường lớp học, đứa trẻ bị tát bằng dép không thương tiếc vào đầu. Thế có phải dã man không?

Cứ nhìn vào sự phẫn nộ của dư luận xã hội những ngày qua từ hai vụ việc trên thì có thể thấy rằng, cuộc sống này không có chỗ cho sự vô nhân đạo. Bất cứ là ai, bất cứ ở đâu, mọi hành vi vô nhân tính đều sẽ bị lên án và tẩy chay.

Một người già - thương binh 2/4 đã không tiếc bản thân và hạnh phúc riêng tư của mình thời tuổi trẻ, hy sinh cả xương máu cho hòa bình, độc lập của dân tộc như ông Hoàng Tiến Vin ở Chương Mỹ, Hà Nội bị hành hung dã man chỉ vì một va chạm giao thông không gây hậu quả nghiêm trọng. Thử hỏi, lúc người thương binh ấy còn khỏe mạnh, chiến đấu kiên cường trước bạo tàn quân địch thì những thanh niên kia đang ở đâu? Tin chắc rằng, những thương binh như ông Vin gửi lại một phần máu thịt ở chiến trường không phải để đổi lấy sự vô ơn, hỗn xược của hậu thế.

Xi nhan Trái Phải - Bạo hành trẻ nhỏ-đánh thương binh già: Còn gì độc ác và dã man hơn?

 Ảnh cắt từ clip vụ cô giáo mầm non Sen Vàng bạo hành trẻ.

Sự việc đau lòng đã khiến dư luận dậy sóng chưa đi đến hồi kết thì người dân Hà Nội lại bàng hoàng trước clip ghi lại cảnh những đứa trẻ ở trường mầm non Sen Vàng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị người “mẹ hiền” của mình dùng dép tổ ong đánh, tát vào mặt, véo tai, quát tháo.

Trẻ nhỏ hay người già đều là những đối tượng yếu thế cần được bảo vệ. Nhưng ngược lại, họ đang bị bạo hành và chắc chắn có những chấn thương tâm lý thấy rõ. Ai dám chắc trong những nạn nhân ấy, giấc mơ đêm nay không còn ác mộng?

Tôi tự hỏi, cô giáo trường mầm non Sen Vàng bạo hành trẻ đã trải qua tuổi thơ như thế nào mà nỡ gieo vào đầu óc ngây thơ của trẻ hôm nay những hành động bạo hành đau đớn thế? Hai từ “cô giáo” liệu có còn xứng đáng với những người phụ nữ đang sống với trái tim của quỷ dữ - để phần con lấn át hết phần người?

Không phải ngẫu nhiên mà chữ “dạy” và chữ “dỗ” lại luôn song hành là một từ ghép có nghĩa trong từ điển tiếng Việt. Nó được dùng thường xuyên trong môi trường giáo dục. Ấy là động từ chỉ hành động giáo dục kết hợp giữa sự chỉ bảo nghiêm khắc và vỗ về những điều trẻ em nên làm. Điều đơn giản ấy, một người bình thường có thể hiểu. Không lẽ, người được xưng danh “cô giáo mầm non” lại không thể hiểu được?

Đừng đổ lỗi cho cảm xúc trong câu chuyện này. Bởi cảm xúc là do ý chí của con người điều khiển. Với những con người có bản tính cáu bẳn, dễ nóng giận, ác tâm như thế tại sao lại lọt được vào đội ngũ nhà giáo – nghề cao quý, để bẻ cong, làm hỏng hai chữ “mẹ hiền” vô cùng đáng kính? Chúng ta đang đào tạo ra những “cô nuôi dạy hổ” như thế từ bao giờ mà không một ai hay biết? Chỉ đến khi những hành động bạo hành bị phát giác thì những giáo viên đó mới lộ rõ. Đành rằng kỷ luật, sa thải, đuổi việc, nhưng giáo dục cứ mãi chạy theo để xử lý hậu quả thì đến khi nào chúng ta mới có được một nền giáo dục chuyên nghiệp và thể hiện đẳng cấp quốc tế? Thêm nữa, hậu quả của những hành động ngược đãi, bạo hành không chỉ là những lằn tím trên cơ thể. Tinh thần bị bạo hành còn đáng sợ hơn gấp nhiều lần vết thương thể xác.

Xi nhan Trái Phải - Bạo hành trẻ nhỏ-đánh thương binh già: Còn gì độc ác và dã man hơn? (Hình 2).

 Những thương binh như ông Vin gửi lại một phần máu thịt ở chiến trường không phải để đổi lấy sự vô ơn, hỗn xược.

Nếu như những vụ cô giáo tát một học sinh cấp 2, cấp 3, sau cơn thịnh nộ chúng ta dịu lòng, suy nghĩ cảm thông với giả thuyết có thể học sinh quá hỗn hào, lỗ mãng với bề trên. Sự thịnh nộ có lý do để ngụy biện. Nhưng một đứa trẻ mầm non đến bước đi còn chệnh choạng, một câu nói còn chưa tròn vành rõ tiếng thì có gì hỗn để cô giáo nổi nóng quá mức đến như vậy? Chẳng lẽ, những cô giáo bạo hành trẻ nhỏ ấy chưa từng trải qua tuổi thơ được vỗ về, nâng niu, chăm bẵm? Cái trẻ cần là lòng thương yêu, sự chỉ bảo ân cần. Trang giấy trắng của tuổi thơ sao đáng bị vẽ lên những nét bút giận giữ kinh hoàng?

Sẽ chẳng có ngôn từ nào miêu tả được hết nỗi xót lòng của những người mẹ có con bị bạo hành ở những cơ sở mầm non như thế. Nhưng đúng là đã đến lúc chúng ta phải nhìn lại bản thân mình. Hãy dành nhiều hơn thời gian để trò chuyện với con trẻ, hãy bỏ thói quen dán mắt vào màn hình điện thoại với facebook, zalo để quan sát thế giới từ trong ánh mắt trẻ thơ. Đừng để việc con trẻ bị bạo hành trong suốt thời gian dài mà cha mẹ không hề hay biết.

Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai. Chúng ta cần hành động ngay từ hôm nay, không chỉ gia đình, nhà trường hay ngành giáo dục mà toàn xã hội phải vào cuộc. Phụ huynh tinh tế hơn, nhà trường quản lý có trách nhiệm hơn, ngành giáo dục phải nghiêm khắc ngăn chặn và loại bỏ những mầm mống bạo lực ra khỏi môi trường giáo dục. Không thể để “ngày mai” của đất nước chỉ là những tư duy bạo hành, oán hận, trả thù.

Chúng ta chăm chút cho tương lai nhưng cũng đừng quên đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Cha ông ta đã cống hiến và hy sinh để giành và giữ được độc lập, tự do thì chúng ta hôm nay chớ bội nghĩa vong ơn và chà đạp lên sự hy sinh lớn lao ấy. Đó là tội ác, tội ác với cả dân tộc.

Sợ nhất là cảm giác không còn giật mình trước một điều gì quá tệ bạc. Sợ nhất là lời buông thõng cùng tiếng thở dài: “Lại bạo hành”, “lại là cô giáo mầm non”. Bởi lúc ấy, sự việc đã lặp đi lặp lại quá nhiều lần; bởi lúc ấy, cảm giác bất lực đã lấn át ý muốn đấu tranh và tẩy chay cái xấu xa, tồi tệ.

Chúng ta còn lên án, chúng ta còn phản ứng như thời gian qua nghĩa là xã hội còn những điều tốt đẹp. Hy vọng rằng, những câu chuyện bạo hành trẻ mầm non như thế này, việc đánh người thương binh già vì những va chạm giao thông nhẹ kia sẽ không còn cơ hội xảy ra thêm một lần nào nữa, nhất là trên địa bàn Thủ đô văn minh, hiện đại như Hà Nội. Bởi nếu để thêm những tiếng thở dài xuất hiện có nghĩa là sự bất lực trước điều ngang trái đang tăng dần...

Phong Thu

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.