'Bảo hiểm dừng chi trả nhiều loại thuốc là phân biệt đối xử'

'Bảo hiểm dừng chi trả nhiều loại thuốc là phân biệt đối xử'

Đỗ Thị Thơm

Đỗ Thị Thơm

Thứ 7, 22/04/2017 08:50

“Các loại thuốc này chỉ BHYT không thanh toán với bệnh nhân BHYT, còn bệnh nhân bình thường tự chi trả vẫn dùng được. Đó là sự phân biệt đối xử”, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan nói.

BHYT bất ngờ ngừng thanh toán nhiều loại thuốc có chi phí đắt đỏ khiến nhiều bệnh nhân có bệnh nặng rơi vào cảnh điêu đứng và có nguy cơ phải dừng điều trị.

Liên quan đến vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ĐBQH, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Ủy viên ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, người đã có nhiều năm làm việc và nghiên cứu về các vấn đề y tế, dược.

Xã hội - 'Bảo hiểm dừng chi trả nhiều loại thuốc là phân biệt đối xử'

ĐBQH, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan vô cùng bức xúc với việc đột ngột dừng chi trả nhiều loại thuốc đắt tiền.

PV: Theo thông tin từ các bệnh viện, từ đầu tháng 4, BHYT bất ngờ ngừng chi hai loại thuốc Mycophenolate mofetil và Tacrolimus, đây là các thuốc sử dụng trong điều trị hội chứng thận hư, lupus ban đỏ. Quan điểm của bà ra sao về việc này?

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan: Theo tôi được biết, BHYT đã thanh toán lại với loại thuốc Tacrolimus cho bệnh nhân lupus ban đỏ. Tuy nhiên, tôi sợ rằng tương lai ai biết khi nào họ lại không thanh toán. Việc này xuất phát từ Thông tư 40 của bộ Y tế nhưng Thông tư này không hợp lý. Thông tư này quy định: "Bảo hiểm y tế không thanh toán đối với trường hợp sử dụng thuốc không phù hợp với chỉ định đã đăng ký trong hồ sơ đăng ký thuốc đã được duyệt”. Chuyện này là không phù hợp.

Nhà sản xuất thuốc không phải người trực tiếp điều trị. Họ chỉ qua nghiên cứu để có các tổng quát về hướng dẫn điều trị bệnh gì. Các bác sĩ ở cơ sở trực tiếp điều trị thì mới có phác đồ chính xác. Các loại thuốc này chỉ BHYT không thanh toán với bệnh nhân BHYT, còn bệnh nhân bình thường tự chi trả vẫn dùng được. Vấn đề ở đây là các loại thuốc này dùng không nguy hiểm với bệnh nhân bởi nếu nguy hiểm, phải cấm hết. Đằng này, họ chỉ không chi trả BHYT. Đó là điều không hợp lý.

Hôm nay có thể họ đưa vào các thuốc chữa bệnh lupus ban đỏ, ngày mai ai biết họ sẽ đưa nhóm bệnh nào vào để có lý do không xuất toán. Điều này sẽ càng làm cho BHYT kém hấp dẫn. Người dân đóng BHYT với mong muốn được thanh toán khi chữa bệnh, họ cứ đinh ninh được chi trả cuối cùng lại bị cắt đột ngột.

Tôi thấy mục tiêu việc này chẳng qua chỉ để giảm chi trả, tránh vỡ quỹ bảo hiểm. Nhưng muốn như thế, chúng ta có thể tập trung vào các việc khác như tăng nguồn thu, xem lại chi phí quản lý hợp lý chưa…chứ không phải lúc nào cũng chăm chăm một cách là tập trung cắt bớt quyền lợi của bệnh nhân. Bởi làm như vậy, bệnh nhân và bệnh viện đều hết sức thiệt thòi.

PV: Thông tư này xuất phát từ bộ Y tế, phác đồ điều trị bệnh cũng là của ngành y tế. Vậy tại sao lại có việc quy định tréo ngoe như trên?

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan: Đúng như nhà báo nói, Thông tư cũng từ Bộ, khám chữa bệnh cũng là các đơn vị của Bộ, họ đã đưa vào phác đồ điều trị là đã được Sở duyệt. Đối với thuốc theo hướng dẫn của nhà sản xuất, các cơ sở khám, chữa bệnh sẽ xếp vào các nhóm dược lý. Trong quá trình điều trị thực tế, nó đan xen lẫn nhau, các bác sĩ sẽ sử dụng cho bệnh nhân.

Tôi đồng ý là khi dùng các loại thuốc đắt tiền phải có hội chẩn kỹ để tránh lãng phí. Nhưng nếu cần phải dùng cho bệnh nhân thì không thể nói là bệnh này không có trong hướng dẫn thuốc của nhà sản xuất nên không thanh toán. Vậy tại sao bệnh nhân không BHYT lại dùng được. Làm như vậy không phải vì bệnh nhân mà nó chỉ là giải pháp tình thế để giảm chi trả BHYT. Nếu như vậy tại sao không đưa ra danh mục cụ thể mà lâu lâu lại đột ngột cắt chi trả thuốc này, thuốc kia không thanh toán BHYT. Và đến khi dư luận báo chí, người trong ngành phản ứng lại thay đổi, đó là việc làm rất tùy tiện. Tôi thấy các bác sĩ phản ứng mạnh là vì họ bảo vệ cho bệnh nhân chứ không phải vì họ.

PV: Như bà nói, lý do BHYT ngừng thanh toán vì không phù hợp với chỉ định của nhà sản xuất chứ không phải vì nó nguy hiểm cho bệnh nhân là không thuyết phục. Vậy Thông tư 40 cần phải sửa?

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan: Tôi cho rằng, điểm nào trong Thông tư 40 không hợp lý, bộ Y tế cần nhanh chóng sửa cho phù hợp. Bộ Y tế rà soát quá lâu vì Thông tư này có từ năm 2014, 3 năm rồi mà vẫn chưa thay đổi. Chúng ta để như vậy là phân biệt đối xử với bệnh nhân BHYT.

Nếu dùng thuốc chỉ đúng như chỉ định bệnh của nhà sản xuất thì không cần đến bác sĩ nữa. Đúng như Thông tư 40 thì không chỉ với thuốc điều trị lupus ban đỏ mà có rất nhiều loại thuốc khác nữa cũng sẽ không được thanh toán. Đặc biệt là với các bệnh nhi, các cháu mà ngưng thuốc này có thể tử vong, vậy ai chịu trách nhiệm chuyện đó.

Chúng ta mong muốn BHYT bao phủ 100% người dân thì phải với điều kiện họ được sử dụng thực chất, họ phải thấy hài lòng. Và để làm được như vậy là ở câu chuyện quản lý, chính sách chứ không phải nay rút thuốc này, mai rút thuốc kia không xuất toán để giữ lại tiền.

Người dân dùng BHYT với mong muốn là bị bệnh nặng, tốn tiền nhiều thì sẽ được BHYT đỡ gánh nặng. Nhưng cứ thế này, họ sẽ “nản” BHYT.

Tôi cũng đã từng đóng góp ý kiến tại QH là nếu chúng ta lo lắng chuyện vỡ quỹ thì có thể chia ra gói BHYT cơ bản gồm những bệnh gì. Chúng ta công khai ngay từ đầu. Còn đối với các bệnh mà việc chữa trị, chi trả tốn kém, người dân có thể phải mua gói phụ hoặc mức mua cao hơn. Cụ thể, rõ ràng như vậy thì người nghèo mới tính toán để lo được. Chúng ta cứ ôm đồm rồi đột nhiên ngừng chi trả, họ biết làm sao.

Cùng một loại bệnh, bệnh nhân không BHYT thì bác sĩ chỉ cần lo cách cứu chữa bệnh nhân. Còn với bệnh nhân BHYT, bác sĩ bị trói đủ thứ. Như thế này, "ông" giám định chi bảo hiểm mới là người quyết định bác sĩ dùng thuốc gì cho bệnh nhân, như vậy là chết rồi. Mục tiêu của y tế là tăng chất lượng điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân tốt chứ đâu phải là để không vỡ quỹ.

Tôi đồng ý là có trường hợp lạm dụng quỹ BHYT nhưng việc nào ra việc đó. Chúng ta không thể vì không quản được mà cấm tất như vậy.

PV: Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

Đỗ Thơm

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.