Nhiều người lao động đang trông đợi vào loại hình bảo hiểm này. Tuy nhiên, cũng không ít người còn băn khoăn về khả năng tiếp cận hình thức bảo hiểm mới, lo ngại quyền lợi của mình có thể không được đảm bảo bởi công ty duy nhất được triển khai tới thời điểm này là công ty nước ngoài.
Một loại hình bảo hiểm được nhiều người kỳ vọng
Sau khi biết thông tin công ty Dai - ichi Việt Nam là công ty đầu tiên được bộ Tài chính cho phép triển khai sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện (HTTN). Nhiều bạn đọc của báo Người đưa tin gọi điện đến đường giây nóng của báo nhờ tư vấn về loại hình bảo hiểm mới, cho thấy sự quan tâm rất lớn. Điều này cũng cho thấy, người dân vẫn chưa nắm được về loại hình bảo hiểm HTTN, chính vì vậy chúng tôi đã trực tiếp trao đổi với các chuyên gia đầu ngành về bảo hiểm để cung cấp thông tin tới bạn đọc của báo.
PV báo Người đưa tin đã tiến hành phỏng vấn bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng viện Lao động - Thương binh và Xã hội về điểm ưu việt và tính tích cực của bảo hiểm HTTN. Theo vị chuyên gia này, ở các nước phát triển trên thế giới như Nhật, Anh, Mỹ thì bảo hiểm HTTN là trụ cột trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với người già. Theo đó, nhóm bảo hiểm HTTN là để dành cho những lao động hành nghề tự do ngoài hợp động lao động có nhu cầu đóng bảo hiểm (như những người làm giúp việc gia đình, nghề xe ôm, nông dân...).
Ở nước ta, trước đây bảo hiểm hưu trí chỉ dành riêng cho những người lao động có hợp đồng, những cán bộ công chức, viên chức biên chế. Do đó, lượng lớn người lao động tự do không được thừa hưởng bất cứ quyền lợi nào khi đã hết tuổi. Chính vì thế, việc cho phép triển khai bảo hiểm HTTN tại Việt Nam đáp ứng được nhu cầu của người lao động tự do ở Việt Nam. Theo bà Hương, ưu điểm lớn nhất của hình thức bảo hiểm HTTN chính là những quyền lợi mà người tham gia bảo hiểm nhận được khi tham gia loại hình này.
Nhiều người dân lao động tự do đang trông chờ vào sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện.
Về quyền lợi, những người đóng bảo hiểm HTTN được hưởng đầy đủ như những cá nhân đóng bảo hiểm hưu trí bắt buộc (như bảo hiểm y tế đi kèm, tiền tuất con cái được hưởng nếu không may bị mất sớm, tiền lương hưu khi đến tuổi được thụ hưởng bảo hiểm theo quy định đối với nam ngoài 60 tuổi, nữ 55 tuổi). Do đó, theo Viện trưởng, viện Lao động, Thương binh và Xã hội thì đây là một hình thức bảo hiểm rất hữu ích và thiết thực đối với người lao động.
Đồng quan điểm với Viện trưởng, viện Lao động, Thương binh và Xã hội, nhiều chuyên gia khi đánh giá về tính ưu việt của bảo hiểm HTTN đều nhấn mạnh tính cần thiết của hình thức bảo hiểm này. Bởi, theo phân tích của các chuyên gia, hiện tại Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu "dân số vàng", cứ 2 người trong độ tuổi lao động (từ 15 - 64 tuổi) thì mới có một người trong độ tuổi phụ thuộc (trẻ em - dưới 15 tuổi và người cao tuổi - trên 64 tuổi). Trong cơ cấu dân số, số người đang ở độ tuổi lao động là khoảng hơn 61 triệu người (chiếm 69% tổng dân số). Đây là một nguồn nhân lực khổng lồ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, triển khai bảo hiểm HTTN trong giai đoạn này hợp lý, vừa đáp ứng đúng nhu cầu của người lao động, chuẩn bị cho chế độ an sinh xã hội bền vững khi 30 - 40 năm nữa, số người già ở Việt Nam sẽ tăng lên.
Liên quan đến quỹ bảo hiểm HTTN, ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng bộ Tài Chính cho hay, bảo hiểm HTTN bổ sung, thông qua việc mua các sản phẩm bảo hiểm hoặc đóng góp vào Quỹ hưu trí tự nguyện là hướng đi rất đúng đắn ở nhiều quốc gia. Nó góp phần hỗ trợ, bổ sung thêm trụ cột bảo hiểm của cả nước và đặt ra cơ hội mới cho mọi người tham gia vào hoạt động này, tạo điều kiện cho mọi người có được thêm những nguồn thu nhập ổn định và cao hơn trong tương lai khi đến tuổi về hưu hoặc gặp trường hợp rủi ro.
Yên tâm hơn khi Nhà nước đứng ra tổ chức
Vấn đề lợi ích mà bảo hiểm HTTN đem đến cho người tham gia bảo hiểm và đối với xã hội Việt Nam trong tương lai được các chuyên gia nhấn mạnh. Tuy nhiên, nhiều người dân hiện nay lo ngại loại hình sản phẩm này tuy hữu ích, song điều mà họ lo lắng đó chính là sản phẩm bảo hiểm này do chính một công ty bảo hiểm Nhật Bản đứng ra tổ chức.
Theo anh Nguyễn Quốc Anh, ở Từ Liêm, Hà Nội, từ trước đến nay bảo hiểm xã hội thường do các công ty bảo hiểm Nhà nước đứng ra tổ chức. Do đó, người dân cảm thấy yên tâm hơn về việc đảm bảo quyền lợi của người dân trong việc thực thi chính sách xã hội. Nhưng, việc này giờ trao quyền cho một công ty nước ngoài nên không biết các quyền lợi có đảm bảo được như chế độ hưu trí hiện nay hay không? Cùng trong nỗi băn khoăn, chị Đào Phương Thu ở Đống Đa, Hà Nội cho rằng, công ty nước ngoài thường đặt vấn đề lợi nhuận lên cao hơn vấn đề an sinh xã hội. Từ trước đến nay, không ít vụ việc lùm xùm liên quan đến giải quyết bảo hiểm cho người tham gia. Thậm chí, có nhiều trường hợp nhân viên kinh doanh kiêm lừa đảo. Chính vì vậy, việc trao quyền cho công ty nước ngoài khiến chị không yên tâm. Chị Thu cho ví dụ, nếu như về già rồi mới biết mình bị lừa coi như tiêu tan hy vọng cả một đời. "Bảo hiểm Nhà nước từ trước đến giờ làm rất uy tín đối với những người lao động trong diện hợp đồng. Vậy tại sao không kiêm tổ chức sản phẩm bảo hiểm HTTN cho người dân?", chị Thu nói.
Liên quan đến độ an toàn của loại hình bảo hiểm HTTN, trao đổi với PV về vấn đề trên, luật sư Đoàn Minh Đức cho hay, bảo hiểm HTTN là một trong ba trụ cột chính của chế độ hưu trí trên thế giới hiện nay. Rất nhiều quốc gia đã thành công với mô hình này. Ở nước ta, luật Kinh doanh bảo hiểm đã cho phép các DN bảo hiểm được triển khai sản phẩm HTTN. Nghị định của Chính phủ cũng đã có quy định cụ thể hơn về những sản phẩm này. Tuy nhiên, để các điều khoản của Nghị định được triển khai, sản phẩm đi vào cuộc sống, thì phải có những nghiên cứu thiết thực sao cho bảo hiểm HTTN phù hợp với điều kiện, bối cảnh của Việt Nam.
Vốn chủ sở hữu 1.000 tỷ đồng có tránh được rủi ro? Theo Thông tư số 115/2013/TT-BTC, khi triển khai sản phẩm bảo hiểm HTTN, doanh nghiệp bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện như vốn chủ sở hữu không thấp hơn 1.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp không được sử dụng tài sản của quỹ HTTN để chi trả các khoản tiền phạt do vi phạm pháp luật, các khoản nợ và các giao dịch không liên quan đến quỹ HTTN. Toàn bộ tài sản hình thành từ nguồn phí bảo hiểm của quỹ HTTN thuộc về người được bảo hiểm. |
Hạnh Phúc