Dự báo hướng đi bão số 6 Trà Mi
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 7h ngày 26/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc; 113,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (103-117km/h), giật cấp 14. Di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 20km/h.
Dự báo diễn biến bão (24 đến 72 giờ tới):
Thời điểm dự báo | Hướng, tốc độ | Vị trí | Cường độ | Vùng nguy hiểm | Cấp độ rủi ro thiên tai (Khu vực chịu ảnh hưởng) |
7h ngày 27/10 | Tây Tây Nam, khoảng 20km/h | 16,7N-108,9E; trên vùng biển ngoài khơi Trung Trung Bộ | Cấp 11, giật cấp 14 | Vĩ tuyến 15,5N-19,5N; phía Tây Kinh tuyến 115,5E | Cấp 3: phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm khu vực quần đảo Hoàng Sa), vùng biển Trung Trung Bộ |
7h ngày 28/10 | Tây Tây Nam sau đó là Đông Nam, 5-10km/h | 15,9N-109,0E; trên vùng biển ven bờ các tỉnh Trung Trung Bộ | Cấp 9, giật cấp 11 | Vĩ tuyến 14,5N-19,0N; phía Tây kinh tuyến 112,0E | Cấp 3: phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm khu vực phía Tây quần đảo Hoàng Sa), vùng biển Trung Trung Bộ |
7h ngày 29/10 | Đông khoảng 5km/h | 15,8N-110,0E; trên vùng biển các tỉnh Trung Trung Bộ | Cấp 8, giật cấp 10 | Vĩ tuyến 14,5N-18,0N; Phía Tây kinh tuyến 112,0E | Cấp 3: phía Tây Nam khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm khu vực phía Tây quần đảo Hoàng Sa), vùng biển Trung Trung Bộ |
Cảnh báo diễn biến bão từ 72 đến 120 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Đông, mỗi giờ đi được khoảng 10km, cường độ tiếp tục suy yếu thêm.
Dự báo tác động của bão trên biển:
- Khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11 (89-117km/h), giật cấp 14, sóng biển cao 5,0-7,0m, vùng gần tâm bão 7,0-9,0m; biển động dữ dội.
- Từ đêm 26/10, vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi (bao gồm đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11, giật cấp 14, sóng biển cao 3,0-5,0m, vùng gần tâm bão 5,0-7,0m; biển động dữ dội.
Từ sáng ngày 27/10, ven biển các tỉnh từ Quảng Trị tới Quảng Nam có khả năng xuất hiện nước dâng do bão cao từ 0,4-0,6m.
- Tàu/thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên (đặc biệt trên khu vực huyện đảo Hoàng Sa), khu vực biển ven bờ từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
- Nguy cơ cao sạt lở đê, kè biển tại ven biển các tỉnh từ Quảng Trị tới Quảng Nam do tác động của sóng lớn và nước dâng do bão.
Trên đất liền:
Từ sáng ngày 27/10, trên đất liền ven biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 11.
Mưa lớn
Từ chiều tối và đêm 26/10 đến 28/10, ở khu vực Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 300-500mm, cục bộ có nơi trên 700mm. Cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn (>100mm/3h). Khu vực Hà Tĩnh, Bình Định và Bắc Tây Nguyên có mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, có nơi trên 300mm.
Diễn biến bão số 6 còn rất phức tạp và có thể có thay đổi. Cần lưu ý cập nhật trong các bản tin bão tiếp theo.
Bão Kong-Rey nối ngay sau bão Trà Mi
Theo tin bão mới nhất của Cục Quản lý Thiên văn, Địa vật lý và Khí quyển Philippines PAGASA, Kong-Rey là cơn bão nhiệt đới ở phía đông khu vực dự báo của Philippines (PAR), dự kiến sẽ đi vào PAR trong đêm nay 26/10 hoặc sáng sớm mai 27/10.
Dự báo bão của PAGASA cho biết, bão Kong-Rey sẽ dần mạnh lên, có thể đạt đến cấp độ bão nhiệt đới nghiêm trọng vào Chủ nhật (27/10) và trở thành bão cuồng phong vào thứ Hai (28/10). Khi vào PAR, Kong-Rey sẽ được gọi theo tên địa phương là Leon.
Bão Kong-Rey hình thành khi PAGASA dỡ bỏ tất cả các cảnh báo xoáy thuận nhiệt đới liên quan đến bão Trà Mi (bão Kristine) sau khi bão rời PAR lúc 14h ngày 25/10, đi vào Biển Đông và trở thành bão số 6.
Trong dự báo đáng chú ý, PAGASA cho biết, bão Trà Mi trên Biển Đông có thể sẽ quay đầu chữ U và vòng ngược chiều kim đồng hồ vào ngày 28-29/10 trước khi di chuyển về phía đông hướng tới Philippines.
"Tuy nhiên, kịch bản này phụ thuộc rất nhiều vào hành vi của bão Kong-Rey ở phía đông PAR và hành vi của các hệ thống thời tiết tổng thể khác xung quanh bão Trà Mi khi di chuyển ở Biển Đông", PAGASA cho biết.
Đáng chú ý, các nhà khí tượng học gọi sự tương tác của hai cơn bão nhiệt đới là hiệu ứng Fujiwhara.
Theo báo Lao Động dẫn nguồn Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ, khi hai cơn bão nhiệt đới "xoay theo cùng một hướng đi qua đủ gần nhau, chúng sẽ bắt đầu tương tác dữ dội xung quanh tâm bão chung của chúng".
Trúc Chi (t/h)