Tháng 9 tới đây, Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 sẽ diễn ra tại Cao Bằng, nắm bắt sự kiện trên huyện Bảo Lạc đang xúc tiến làm mới sản phẩm du lịch, tăng sức hấp dẫn, nâng cao chất lượng để đón khách trong nước và quốc tế.
Nằm trong vùng địa chất đa dạng của vùng Đông Bắc Việt Nam, Bảo Lạc (Cao Bằng) được UNESCO và các chuyên gia mạng lưới CVĐC toàn cầu đánh giá là có di sản địa chất điển hình. Những dãy núi đá cao vút, hùng vĩ xen lẫn với những thung lũng cổ, cùng hệ thống sông suối phong phú như sông Gâm, sông Năng và sông Neo tạo nên một cảnh quan thiên nhiên ngoạn mục và thơ mộng.
Điểm nhấn của địa chất Bảo Lạc chính là đèo Khau Cốc Chà cao 15 tầng, thung lũng treo Xuân Trường, rừng trúc Phan Thanh, Huy Giáp, khe Hổ Nhảy và đặc biệt là núi Phja Dạ cao gần 2.000m với những khối đá dựng đứng như những tháp lửa khổng lồ. Với khí hậu á nhiệt đới, Bảo Lạc còn lưu giữ nhiều loài thực vật và động vật quý hiếm như quế, hồi, sở, trúc, nấm hương, mộc nhĩ, măng rừng, lúa nương, nếp Hương Xuân Trường, mận máu, lê vàng, thịt bò Mông, lợn đen, gà đen, cá quý trên sông Gâm.
Bên cạnh giá trị địa chất, Bảo Lạc còn nổi bật với di sản văn hóa đa dạng của các dân tộc như Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô, Tày, Nùng. Các lễ hội văn hóa truyền thống như Lễ hội dân tộc Lô Lô, Lễ hội cầu mùa, Chợ tình Phong Lưu; cùng với các di tích văn hóa tâm linh, lịch sử như Dinh thự họ Nông, chùa Vân An, đồn Đồng Mu và Khu di tích Trông Nhìa Hậu đều là những điểm đến hấp dẫn du khách.
Đại diện UBND huyện Bảo Lạc cho biết, địa phương đang tập trung vào việc bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, di sản địa chất quý giá, đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa độc đáo của các dân tộc thiểu số như Lô Lô. Những nỗ lực này nhằm phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm và du lịch cộng đồng homestay.
Điển hình là việc tu sửa, cải tạo cảnh quan đèo Khau Cốc Chà - một trong những điểm du lịch hấp dẫn của huyện. Tuyến đường này sẽ được mở rộng, cải thiện an toàn cho du khách, đồng thời xây dựng thêm các điểm checkin, view ngắm cảnh đẹp và trồng thêm cây xanh, hoa để tạo nên một không gian du lịch độc đáo.
Bên cạnh đó, huyện Bảo Lạc cũng sẽ tổ chức sự kiện Tuần lễ văn hóa, thể thao các dân tộc và Chợ tình Phong lưu vào tháng 9/2024, được coi là sự kiện điểm nhấn chính để đón khách du lịch dự Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bảo Lạc đã và đang chuẩn bị kỹ lưỡng cho những chương trình văn hóa, nghệ thuật, thể thao sắp tới.
"Hiện nay, chúng tôi đang tập hợp các nghệ nhân trong các lĩnh vực như dân ca, dân vũ, nghề thủ công, ẩm thực, cũng như diễn viên quần chúng, để luyện tập các tiết mục văn hóa, văn nghệ và thể thao đặc sắc. Không chỉ vậy tại sự kiện chúng tôi cũng sẽ giới thiệu các sản phẩm OCOP và nông sản đặc hữu của địa phương. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tổ chức các cuộc thi về các môn thể thao dân gian, ẩm thực và nghề thủ công", bà Lê Thanh Điệp - Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bảo Lạc chia sẻ.
Vị này cũng cho biết thêm, cơ quan chức năng của huyện đã đề nghị các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú như nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ và điểm homestay chỉnh trang phòng, đảm bảo an toàn và nâng cao chất lượng phục vụ, để sẵn sàng đón tiếp khách du lịch.
Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương là cơ hội vàng để Bảo Lạc giới thiệu, quảng bá diện mạo địa chất, thắng cảnh đẹp nổi tiếng và văn hóa bản địa đặc sắc các dân tộc thiểu số, nông sản đặc hữu chất lượng cao của Bảo Lạc đến với bạn bè trong nước và nhiều quốc gia trên thế giới.
Bước sang năm 2024, chính quyền Bảo Lạc quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, nhằm thu hút thêm nhiều du khách trong và ngoài nước. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, Bảo Lạc sẽ thu hút được 30.000 lượt khách du lịch, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng đất này.