Tờ nhật báo Quân đội giải phóng nhân dân cho biết ông Abe đang cố dùng chiêu bài “mối đe dọa Trung Quốc” để giành phiếu trong cuộc bầu cử sắp tới sẽ diễn ra vào ngày 21/7.
Trước đó, trong chuyến thăm tới đảo Ishigaki, ông Abe tiếp tục nhấn mạnh vị thế của Nhật qua lời khẳng định các hòn đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) đang tranh chấp là hòn đảo cố hữu của Nhật. Đồng thời nói thêm, ông không có ý định nhượng bộ một bước nào trước Trung Quốc.
Tờ nhật báo hàng đầu của Trung Quốc cho biết, hành động này của ông không chỉ làm gia tăng đe dọa ổn định khu vực mà còn nhằm mục đích khác là tạo đà để Nhật Bản chính thức hóa quyền thành lập một lực lượng quân đội. Ông Abe muốn sửa đổi Hiến Pháp do Mỹ soạn thảo sau chiến tranh Thế giới Thứ Hai để chính thức hóa quyền có một quân đội đúng nghĩa. Đây là khúc dạo đầu cho sự thay đổi lịch sử của Điều 9 – điều lệ cấm xây dựng quân đội tại quốc gia này. Theo ý kiến từ các nhà phê bình, kế hoạch này của ông có thể đưa Nhật Bản trở về một xã hội bảo thủ, độc tài như trước đây.
Hai báo lớn Trung Quốc đả kích thủ tướng Nhật
Cũng theo tờ báo này, “chúng ta không thể phê phán chuyện một lãnh đạo quốc gia tới thăm địa điểm nào đó trên lãnh thổ nước mình tuy nhiên trong trường hợp này khi tranh chấp trên đảo Điếu Ngư vẫn đang tiếp diễn, diễn biến rất phức tạp, nhạy cảm thì hành động của ông Abe là cực kỳ nguy hiểm và vô trách nhiệm”.
Một tờ báo lớn khác là Tờ Nhật báo Nhân dân – báo chính thức của Đảng Cộng Sản cầm quyền tại Trung Quốc cảnh báo nước này sẽ không bao giờ cho phép mình bị chà đạp một lần nữa, đồng thời gợi lại những ký ức đáng buồn của Trung Quốc về việc Nhật xâm lược nước này trước và trong Thế Chiến thứ Hai.
Trong bài bình luận của tác giả có bút danh "Zhong Sheng" (có nghĩa là “Tiếng nói Trung Hoa") trên tờ nhật báo này có viết, ông Abe đang tìm kiếm lý do gỡ bỏ rào cản, tái thiết vũ trang cho quân đội Nhật và rằng tranh chấp với Trung Quốc là một “con đường trải hoa hồng” để Nhật có thể thúc đẩy tiến trình này. Tờ báo trên nói “Mục đích của ông là nhằm tạo căng thẳng, gây sự và thúc đẩy phát triển quân sự của Nhật”.
Sáng 18/7, AFP đưa tin, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG) thông báo ba tàu hải giám Trung Quốc đã đi vào vùng lãnh hải xung quanh quần đảo đang tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông. Vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa Nhật và Trung Quốc về các đảo nhỏ không có người ở và các khu vực giàu tài nguyên ở cả Biển Hoa Đông và Biển Nam Trung Hoa được xếp hạng là một trong các mối đe dọa an ninh Châu Á đáng lo ngại nhất.
Trước đó, tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản trở nên phức tạp hơn khi mới đây các công ty dầu mỏ Trung Quốc dự kiến sẽ phát triển bảy khu khai thác khí mới tại biển Hoa đông. Ngày 3/7, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga bày tỏ lo ngại trước việc Trung Quốc lắp đặt thiết bị thăm dò dầu khí mới ở vùng biển giữa hai nước đồng thời bày tỏ thái độ không chấp nhận của Nhật Bản trước việc Trung Quốc đơn phương khai thác tại vùng biển giữa hai nước.
Trước đó, vào tháng 6 năm 2008, Nhật Bản và Trung Quốc đã cùng thỏa thuận khai thác chung mỏ khí tự nhiên nằm trên đường trung tuyến có tên gọi Shirakaba (theo tiếng Nhật)/ Xuân Hiểu (theo tiếng Trung), tuy nhiên, thỏa thuận này vẫn chưa được thực thi.
Trang Trần (Theo Reuters)