Mà cũng phải, bởi trong 15 năm năm từ ngày thành lập Văn phòng Đại diện báo Đời sống và Pháp luật (nay là Tạp chí Đời sống và Pháp luật) thì một nửa chặng đường đó có tôi, với những ký ức không bao giờ quên trong bão, lũ miền Trung....
Đối mặt “tử thần” trong tâm bão Doksuri
Đến tận bây giờ, tôi vẫn không quên được trận bão năm đó, cơn bão mang tên Doksuri - một cơn bão được nhận định rất mạnh, có sức tàn phá khủng khiếp nhất trong vòng 30 năm trở lại, trực tiếp đổ bộ vào Hà Tĩnh.
Đó là buổi sáng ngày 15/09/2017, xách theo ba lô gồm máy tính, máy ảnh và vài bộ quần áo, tôi cùng 3 đồng nghiệp lên đường. Xe chúng tôi chạy thẳng từ TP.Hà Tĩnh về xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh – nơi được dự đoán là vùng tâm bão. Lúc này, trời mưa rất to, gió bắt đầu thổi mạnh, rít những đợt liên hồi. Một chút lo lắng len lỏi, ngồi trong xe, chúng tôi đùa nhau rằng, nếu chẳng may có chuyện gì xấu xảy ra thì trên người cũng đã mặc những chiếc áo có gắn logo của báo mình nên sẽ dễ dàng trong việc tìm kiếm. Tiếng cười của chúng tôi át tiếng gió và cả cái cảm giác rờn rợn, khi đi giữa những con đường vắng tanh không một bóng người, trong tiếng gầm rú của gió mưa. Tôi nôn nóng, làm sao tiếp cận được điểm đến sớm nhất để tác nghiệp, trước giờ bão đổ bộ vào đất liền.
8h cùng ngày, chúng tôi có mặt tại xã Cẩm Nhượng, như vậy là chỉ còn 2 giờ đồng hồ nữa, bão sẽ đổ bộ vào đất liền. Lúc này, gió đã lên rất mạnh, những đợt sóng đánh dồn dập vào bờ kè, bụi cát bay tứ tung. Chúng tôi chọn khách sạn Sông La cách bờ biển Thiên Cầm khoảng 40m để làm nơi trú bão và tác nghiệp. Trong căn phòng tối om dưới sảnh khách sạn, có khoảng 10 người dân ven biển cũng đang tá túc tại đây để tránh bão.
10h30, gió bắt đầu giật mạnh kèm theo mưa lớn, cây cối rung lắc dữ dội, sóng biển gầm rú, liên tiếp đánh vào bờ cao hơn 15m, tiếng cây đổ, mái tôn, biển quảng cáo của các nhà hàng cạnh đó bay tứ tung. Sức gió cùng sóng biển cuồn cuộn đã khiến một số đoạn kè biển bị đánh vỡ. Tình hình nguy cấp, chính quyền xã Cẩm Nhượng đã huy động lực lượng ra gia cố lại bờ kè. Quyết định ghi lại những hình ảnh trận cuồng phong khủng khiếp của cơn bão để kịp thời chuyển thông tin về tòa soạn, tôi cùng 3 đồng nghiệp thống nhất sẽ di chuyển ra vị trí gần bờ kè để tác nghiệp. Vừa bước ra ngoài, liên tiếp những đợt gió quật thẳng vào người, sức gió mạnh đến mức chân chúng tôi không thể trụ vững. Chúng tôi phải lần từng bước chân một, bám chặt bờ tường bởi chỉ cần rời tay sẽ bị gió thổi tốc ngay lập tức. 10 phút vật lộn với sức gió khủng khiếp, chúng tôi cũng đã đến được vị trí sau tấm bia xã Cẩm Nhượng, cùng "nấp" tại đây để bắt đầu tác nghiệp.
Đang tác nghiệp, PV Thành Văn, một đồng nghiệp công tác tại báo Công Lý rời vị trí đang đứng, chạy xuống sát gần bờ biển để ghi được cận cảnh hình ảnh. Nhận thấy sự nguy hiểm, 3 người chúng tôi hô lớn: “Thành Văn quay lại đi, đừng xuống, nguy hiểm lắm!”. Bất ngờ từ xa một con sóng cuồn cuộn lao đến với tốc độ chóng mặt. Chúng tôi chưa kịp định thần thì ngọn sóng đã đánh ập vào bờ tạo nên một luồng xoáy cao khoảng 20m, tưởng chừng muốn nuốt chửng tất cả. Sau đợt sóng, chúng tôi không thấy PV Thành Văn trở lại vị trí. Tôi và PV Hạnh Nguyên (công tác tại báo Đại Đoàn Kết) lạc giọng khi liên tục gọi tên người đồng nghiệp giữa tiếng gió mưa gầm rú. Trong phút bấn loạn, chúng tôi òa khóc khi nghĩ rằng người đồng nghiệp đã bị sóng biển cuốn trôi. 3 người chúng tôi cố di chuyển để tìm kiếm PV Thành Văn, gió cào cấu, xé toặc những chiếc áo mưa đang mặc trên người. Bỗng từ dưới bờ kè, PV Thành Văn lóp ngóp trườn lên, cả 3 chúng tôi vỡ òa vui sướng khi biết người anh vẫn an toàn. Bất ngờ, một thanh gỗ từ đâu theo luồng gió với tốc độ chóng mặt, lao sượt qua đầu tôi, chỉ cần lệch khoảng 10cm là tôi đã bị phang thẳng vào mặt. Chưa bao giờ tôi có cảm giác khiếp sợ như lúc này, cả 4 người ôm chặt nhau, lần từng bước, quyết định quay lại nơi trú ẩn để đảm bảo an toàn. Trong căn phòng tối ôm, chúng tôi dùng điện thoại mò mẫm gõ tin, bài gửi về tòa soạn những hình ảnh đầu tiên của cơn siêu bão Doksuri để kịp thời chuyển tải đến bạn đọc.
Thoát chết tại bản Mày và kí ức ám ảnh vụ vỡ đập thủy điện ở Lào
Đó là vào một đêm cuối tháng 7/2018, 23h, chúng tôi nhận được “lệnh” từ sếp tổng: Văn phòng miền Trung cử phóng viên gấp rút sang Lào tác nghiệp vụ vỡ đập Thủy điện Xepia Xenamnoy đang khiến hàng nghìn người chết, mất tích. Nhận định, đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn bởi tác nghiệp trong bão lũ ở trong nước, trên địa bàn mình phụ trách đã rất khó huống hồ là nước bạn: Không thông thuộc địa lý, địa hình, không cùng ngôn ngữ…
Nhưng không màng khó khăn, tôi cùng phóng viên Hồ Thắng xung phong nhận nhiệm vụ. Quyết định của chúng tôi được sếp đồng ý ngay bởi tôi và phóng viên Hồ Thắng là những người có kinh nghiệm tác nghiệp trong bão, lũ.
Sáng 25/07/2018, chúng tôi mượn một chiếc xe ô tô của đồng nghiệp ở Lào, rồi thẳng tiến về Attapeu – nơi vừa xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện Xepia Xenamnoy khiến hàng nghìn người chết và mất tích. Ngay từ lúc xuất phát, để chắc chắn không xảy ra sự cố, chúng tôi đã tìm 1 trạm gara bên đường dừng xe thay lốp rồi tiếp tục khởi hành. Chặng đường chúng tôi phải vượt qua là hơn 1000km mới tiếp cận được hiện trường vụ vỡ đập thủy điện. Cả nhóm ai cũng nóng lòng mong xe chạy thật nhanh để có thể tiếp cận được sớm nhất những hình ảnh thiệt hại đầu tiên, nhanh chóng truyền tải thông tin về tòa soạn.
12h cùng ngày, chúng tôi làm thủ tục xuất cảnh tại Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo Hà Tĩnh. Tại đây, chúng tôi được các chiến sĩ trạm Kiểm soát BĐBP Hà Tĩnh cung cấp áo phao, tận tình hướng dẫn đổi tiền kíp và một số vấn đề cần lưu ý khi tác nghiệp trên nước bạn Lào. Cũng tại đây, may mắn gặp được một người dẫn đường thành thạo tiếng Lào, chúng tôi vững tâm lên xe bắt đầu hành trình đến với Attapeu. Lúc này là 12h20.
Chiều cùng ngày, chúng tôi đến huyện Nhôm Ma Lạt tỉnh Khăm Muộn. Những cơn mưa xối xả không cho phép xe chúng tôi chạy nhanh hơn. Người dẫn đường cho biết, chúng tôi phải đi qua 7 tỉnh: Lạc Xao, Bolikhamxay, Khammuane, Savannakhet, Champasak, Salavan rồi mới đến được Attapeu (nước Lào có 18 tỉnh - PV). Từ thủ phủ Attapeu sẽ phải đi tiếp 40km đường đất rất xấu mới có thể tiếp cận được vùng "rốn lũ". Vượt qua hàng trăm km cung đường “tử thần” trên Quốc lộ 13 - tuyến đường huyết mạch nối liền các tỉnh Bắc – Nam của nước bạn Lào, dò dẫm trong đêm tối trong tiếng gió mưa rít liền hồi và những mẫu bánh mỳ ăn sẵn, đến rạng sáng ngày 26/7, chúng tôi đã có mặt ở Attapeu.
6h00 sáng ngày 26/7, chúng tôi tìm thuê 1 chiếc xe chuyên dụng để có thể vượt qua đoạn đường "tử thần" phía trước, tiếp cận được vùng tâm lũ nơi hiện có hơn 1.300 hộ dân bị ngập hoàn toàn. Đúng như dự báo, con đường đất lầy lội, từng vũng bùn sâu hơn 1m chi chít, như những cái bẫy "chết người". Đoạn đường đất trong mưa càng trở nên nhão lầy, cảm tưởng chỉ cần 1 chút sơ sẩy chiếc xe có thể trượt bánh lật ngửa bất cứ lúc nào. Chúng tôi lắc lư như đang đi trên từng con sóng. Thứ cảm giác duy nhất lúc này là chóng mặt, buồn nôn và muốn xuống xe ngay tức thì. Tuy nhiên, bấy giờ chúng tôi chỉ còn cách bản Khổ Coong 10km, đây là bản đầu tiên trong số 7 bản bị ngập sâu nhất của huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu sau sự cố vỡ đập, cảm giác đó như trấn an tinh thần cho cả đoàn quyết tâm tiếp tục thẳng tiến. Cùng theo sau xe chúng tôi nhiều đoàn xe cứu trợ cũng đang nỗ lực vượt qua cung đường "tử thần" để vào được vùng tâm lũ.
9h30 ngày 26/7, chúng tôi có mặt tại bản Khổ Coong huyện Sanamxay. Nhanh chóng xuống xe, mang theo máy ảnh, máy quay, chúng tôi xắn quần quyết định lội bùn để có thể tiến sâu vào phía trong hơn nữa để ghi nhận hình ảnh thiệt hại. Nước lũ ngập gần ngang thắt lưng quyện với bùn non thành một thứ hỗn hợp sệt quánh, chúng tôi phải bấm chân đi thật chậm để không bị ngã. Đi được khoảng 200m, trước mắt chúng tôi những ngôi nhà đổ sập, xác lợn, gà, bò... chết nổi kín trên mặt nước, một cảnh tượng hoang tàn chưa từng thấy hiện hữu trước mắt. Bì bõm trong nước lũ, giữa gió mưa, những hình ảnh đầu tiên về thiệt hại khủng khiếp của sự cố vỡ đập đã được chúng tôi nhanh chóng chuyển về tòa soạn…
Liên tiếp những ngày sau đó, chúng tôi bì bõm trong nước lũ, lội bùn đỏ đặc quánh trong tiếng gào khóc, xác người chết la liệt… để tác nghiệp. Những tin bài lần lượt được xuất bản lên trang trong cái đói và rét run lên từng hồi của chúng tôi giữa mênh mông nước lũ, truyền tải hình ảnh mới nhất về công tác cứu hộ, những mất mát, đau thương của đồng bào Lào.
Ngân Hà