Các chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân để xảy ra liên tiếp các vụ bạo lực học đường là do sai lầm trong cách giáo dục của cha mẹ, thầy cô.
Trao đổi chi tiết hơn với PV báo Người Đưa Tin về vấn đề này là chuyên viên tâm lý Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia TP.HCM.
Trong một tuần vừa qua đã có hai vụ học sinh đánh nhau tại tỉnh Bình Dương và TP.HCM. Đáng chú ý, đối tượng và nạn nhân đều là nữ sinh. Có phải học sinh nữ đang thể hiện sự bạo lực nhiều hơn hay không, thưa bà?
Tôi cho rằng, chưa đủ cơ sở để nhận định học sinh nữ đánh nhau nhiều hơn học sinh nam qua vài sự việc gần đây, vì chưa có số liệu điều tra định lượng đáng tin cậy. Nhưng đúng là những sự việc học sinh đánh nhau bị lan truyền trên truyền thông, mạng xã hội thì nữ sinh bị chú ý nhiều hơn.
Cũng có thể nói, so với ngày xưa, nữ sinh bây giờ có xu hướng bạo lực nhiều hơn. Nguyên nhân sâu xa là do hiểu sai về bình đẳng giới nên có quan điểm cho rằng con gái phải giống như con trai trong mọi lĩnh vực.
Một số cách giáo dục của cha mẹ hay truyền thông xã hội cho rằng bộc lộ nữ tính là mềm yếu còn nam tính là mạnh mẽ… Nên có một bộ phận nữ sinh hiểu nhầm dẫn đến có khuynh hướng hung hăng để tỏ ra mạnh mẽ giống như con trai.
Theo bà, tình trạng bạo lực học đường cứ liên tục xảy ra là vì sao?
Quả thật, trẻ nữ hay nam đều có tính tình hung hăng hơn ngày xưa, một phần nguyên nhân vì cách cha mẹ đang dạy con hiện nay có nhiều xu hướng bạo lực.
Nhiều cha mẹ quá bận rộn, không đủ kiên nhẫn để uốn nắn phân tích đúng sai cho con hiểu, họ chọn cách đánh mắng, áp đặt cho trẻ nhanh khuất phục, hoặc phó mặc giao con cho người khác nuôi dạy (ông bà, người giúp việc,...).
Hậu quả là đứa trẻ bị tổn thương một thời gian dài vì bị ảnh hưởng bởi cách hành xử bạo lực của cha mẹ. Vì thiếu tình yêu thương nên nhiều trẻ dễ hung hăng hơn.
Trẻ không biết yêu thương chính mình nên khó yêu thương người khác. Bên trong trẻ luôn mặc cảm, yếu đuối, mệt mỏi, chán chường,… vì vậy trẻ dễ có phản ứng tiêu cực ra bên ngoài.
Trong những vụ việc bạo lực học đường, hậu quả mà những học sinh bị đánh đập, tấn công là như thế nào?
Đứa trẻ bị đánh sẽ có những tổn thương tâm lý rất nghiêm trọng. Tổn thương không chỉ về thân thể, sức khỏe mà còn nghiêm trọng hơn, lâu dài hơn đối với tinh thần trẻ.
Tuổi dậy thì là lúc trẻ đang hình thành bản sắc cá nhân nên lòng tự tôn rất cao, luôn coi trọng hình ảnh bản thân trong mắt người khác.
Khi trẻ bị đánh hội đồng, không chỉ bạn bè, mọi người cùng nhìn thấy mà còn bị quay phim tung lên mạng cho cộng đồng chứng kiến thì tổn thương càng lớn, mặc cảm về giá trị bản thân.
Vết thương thể chất có thể điều trị nhưng những tổn thương tâm lý nghiêm trọng với tinh thần trẻ có thể khiến trẻ trở nên tự ti, mặc cảm,.. dễ rơi vào căn bệnh trầm cảm, nặng hơn thậm chí trẻ muốn tự tử.
Tình trạng này còn có thể ảnh hưởng đến tâm lý lâu dài, khó hòa nhập xã hội khi lớn lên. Vì thế, trẻ là nạn nhân của bạo lực học đường rất cần cha mẹ và mọi người quan tâm giúp đỡ nhiều hơn.
Ở chiều ngược lại, đứa trẻ có hành vi đánh bạn sẽ chịu tác động ra sao?
Những trẻ đánh bạn cũng có thể từng là nạn nhân của bạo lực.
Có thể trẻ chứng kiến bố mẹ đánh nhau và đánh trẻ, thầy cô cũng có người bạo hành với trẻ trên lớp, hoặc chính trẻ từng là nạn nhân của bắt nạt, bạo lực học đường nên khuynh hướng bạo lực tác động vào cách hành xử của những đứa trẻ này.
Khi đánh người khác là lúc đứa trẻ đó bộc lộ xung đột nội tâm của chính nó, sự căng thẳng uất hận bên trong mà không cách nào kiểm soát được.
Tiếp đó, đứa trẻ có hành vi đánh bạn sẽ bị chê cười, bị nhà trường xử phạt, dư luận truyền thông chỉ trích thì cũng chịu tổn thương không kém gì nạn nhân của bạo lực.
Vì thế, chúng ta lên án hành vi bạo lực học đường nhưng không nên chà đạp nhân phẩm của từng đứa trẻ. Xét cho cùng, cả trẻ ra tay đánh bạn hay trẻ bị bạn đánh đều là nạn nhân, cần phải giúp đỡ cả hai bên.
Như vậy, cách để hóa giải mầm mống tiêu cực trong những đứa trẻ có khuynh hướng bạo lực là gì, thưa bà?
Hiện nay, nhiều người có xu hướng chỉ trích, chê bai những đứa trẻ đánh bạn và chỉ chăm chăm xử phạt, ví dụ như nhà trường thì đuổi học, cha mẹ chửi mắng, cư dân mạng “ném đá”,...
Chúng ta đang dùng bạo lực để tấn công bạo lực, và đó không thể giải pháp tốt giúp ngăn chặn bạo lực, thậm chí chỉ càng khiến bùng phát bạo lực mà thôi.
Đối với những đứa trẻ đánh người khác, nó cần chịu trách nhiệm bằng một hình phạt xứng đáng nhưng dưới hình thức tạo cơ hội được sửa sai và thay đổi như làm việc công ích, giúp đỡ nạn nhân, ...
Còn khi nhà trường cố tính đẩy những đứa trẻ bị coi là hư hỏng ra khỏi nhà trường là thầy cô đã thừa nhận sự thất bại trong cách giáo dục.
Một đứa trẻ đang trưởng thành chỉ có thể tự hoàn thiện bản thân tốt nhất khi người khác tạo cơ hội với tình yêu thương.
Còn người lớn vẫn chưa thay đổi hành vi, chưa thay đổi cách giáo dục hay xử phạt trẻ thì đừng mong trẻ phải biết tự chịu trách nhiệm, tự thay đổi.
Cảm ơn bà!