“Bạo lực kép” - nỗi đau của phụ nữ di cư

“Bạo lực kép” - nỗi đau của phụ nữ di cư

Thứ 5, 27/12/2012 23:45

Họ bị coi là "công dân hạng hai", có địa vị thấp kém nhất và phải chịu những vấn đề bạo lực xã hội: Bị chèn ép trong các cơ hội việc làm hay lạm dụng tình dục, bạo lực gia đình... mà không biết ngỏ cùng ai.

Thương thay phận... đàn bà

Mỗi khi bị bạo lực, người phụ nữ thường gặp phải các dạng bạo lực: Bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục và bạo lực kinh tế. Nói cách khác, người phụ nữ di cư đang phải gánh chịu "bạo lực kép" bởi họ bị cộng đồng coi là nhóm "công dân hạng hai" và có địa vị vô cùng thấp kém trong xã hội. Cũng theo số liệu thống kê, ở Việt Nam có tới 58% phụ nữ có gia đình đã từng là nạn nhân của ít nhất một loại hình bạo lực gia đình.

Tôi còn nhớ mãi gương mặt khắc khổ, đôi mắt trũng sâu, gương mặt mang đầy những vệt bầm tím của chị. Hướng đôi mắt về phía xa, chị kể cho tôi nghe cuộc đời đầy cay đắng mang tên "kiếp đàn bà" của mình.

Người phụ nữ đáng thương ấy tên là Nguyễn Thị B (47 tuổi, Châu Thành, An Giang). Chị lấy chồng năm 18 tuổi, chồng chị là một chàng trai thành phố, lại được cha mẹ nuông chiều từ nhỏ nên cuộc sống "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" ở vùng quê nghèo khó làm anh không chịu được. Cưới nhau chưa đầy một năm, hai vợ chồng chị khăn gói lên thành phố Hồ Chí Minh làm ăn với hi vọng sẽ đổi đời ở nơi "miền đất hứa" ấy. Thế nhưng, cuộc sống mới không như những gì anh chị tưởng tượng.

Pháp luật - “Bạo lực kép” - nỗi đau của phụ nữ di cư

Bữa cơm đạm bạc của những gia đình di cư thường xuyên có bạo hành (ảnh chỉ có tính chất minh họa)

Không trình độ, chị phải đi làm thuê, làm mướn đủ thứ để lấy tiền trang trải cho cuộc sống đắt đỏ nơi đô thị. Còn anh, với bản tính lười lao động, anh chỉ biết tiêu xài những đồng tiền mồ hôi nước mắt của chị và lao vào rượu chè tới nỗi xuất huyết dạ dày nặng. Không tiền, không họ hàng thân thích nơi quê người, để có tiền chữa bệnh cho chồng chị đành nhắm mắt bán thân.

Những ngày "đi khách", chị như người mất hồn, chỉ biết để mặc khách làng chơi sử dụng thân thể. Gần hai năm bán thân nuôi chồng, những tưởng khi anh hết bệnh, anh sẽ yêu thương chị hết lòng. Ngược lại, đây chính là cái cớ để anh dằn vặt, chà đạp lên nhân phẩm và lòng tự trọng của chị.

Lau vội giọt nước, chị tâm sự: "Đàn bà khổ thế đó em. Người khác chửi mình là đồ đàn bà hư hỏng, tôi bỏ ngoài tai. Thế nhưng mỗi lần chồng tôi thốt ra câu cay nghiệt ấy, tôi như đứt từng khúc ruột. Cay đắng hơn, tôi phát hiện mình mất thiên chức làm mẹ. Cuộc đời tôi đâu còn gì để mất nữa". Khi biết chị mất khả năng có con, anh như động lòng trắc ẩn. Anh bàn với chị về quê xin đứa con trai về nuôi để làm chỗ dựa lúc tuổi già.

Từ ngày nhận con nuôi, anh bắt đầu thay tâm đổi tính, quan tâm chăm sóc tới gia đình nhiều hơn. Ba mảnh đời bất hạnh chắp vá lại với nhau tạo thành một bức tranh gia đình thật đẹp. Thay vì nhậu nhẹt từ sáng tới tối, anh chuyển sang chạy xe ôm để lấy tiền phụ giúp gia đình, còn chị tất bật bán hàng và chăm sóc con nhỏ, cuộc sống gia đình tràn ngập tiếng cười. Thế nhưng hạnh phúc chẳng tày gang, anh bị cuốn vào vòng xoáy của "nàng tiên nâu". Đồ đạc trong nhà đội nón ra đi theo làn khói trắng, ngay chiếc xe máy cà tàng (cần câu cơm của cả gia đình) cũng bị anh nướng vào thuốc phiện. Và ngôi nhà tạm bợ, nơi trú ngụ của cả gia đình cũng bị anh bán nốt khiến cả nhà phải đi ở nhờ.

Ma túy đã biến anh thành con quỷ dữ đối với gia đình. Mỗi lần lên cơn, anh đánh đập vợ con không thương tiếc, nhiều đêm chị phải chui lủi, tá túc bà con lối xóm vì không chịu nổi đòn roi của anh. Hay những lúc không có tiền cho anh mua ma túy, anh ra tay đánh chị dã man tới mức phải nhập viện do thương tích quá nặng. Không khí gia đình lúc nào cũng bức bối, căng thẳng. Ngay cả đứa con nuôi, niềm hi vọng cuối cùng của chị anh cũng cấm không cho đi học khiến chị rơi vào tuyệt vọng hoàn toàn.

Chị tâm sự: "Hết chồng bạo hành về thể xác và tinh thần lại đến đi làm công bị chèn ép, có lúc tôi chỉ muốn nhắm mắt buông xuôi, muốn rời bỏ cuộc sống địa ngục để được giải thoát. Nhưng nghĩ đến con, tôi lại cắn răng chịu đựng. Con là tia hi vọng cuối cùng để tôi bấu víu sống tiếp trong cuộc đời này"…

Chịu đựng trong... câm lặng

Bị đánh đập, hành hạ về cả thể xác lẫn tinh thần, nhưng chưa bao giờ chị dám đến các cơ quan chức năng nhờ can thiệp. Mỗi lần anh đánh, chị chỉ biết chịu đựng trong câm lặng bởi gia đình, người thân ở xa, không ai có thể cứu giúp. Chị tâm sự: "Với những người di cư, "công dân hạng hai" như chị thì chẳng ai bảo vệ đâu".

Không riêng chị B, rất nhiều phụ nữ di cư đã đang là nạn nhân của "bạo lực kép". Thế nhưng họ lại không được sự hỗ trợ, can thiệp của các cơ quan chức năng, đoàn thể bởi vì sự liên hệ giữa gia đình người bạo lực và chính quyền không chặt chẽ. Bản thân những người phụ nữ di cư bị bạo lực cũng e ngại khi tìm đến sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng và ngược lại, cơ quan chức năng cũng e ngại trong việc giải quyết vấn đề bạo lực của những người di cư... Thế nên, những hành vi bạo lực trước đó, đặc điểm gia đình, nhân thân của thủ phạm và nạn nhân... của người di cư đến, các cơ quan chức năng thường khó nắm bắt do đó hướng xử lý cũng khó khăn. Đối với người di cư, khi gặp phải khó khăn, họ thường coi họ hàng, bạn bè và những người cùng huyết thống là nơi để họ nương tựa.

Đó là chị Lê Thị H (38 tuổi, Định Hóa, Thái Nguyên) xuống Hà Nội lập nghiệp cùng gia đình. Chị lập gia đình năm 25 tuổi, thế nhưng cuộc sống gia đình chị rơi vào bế tắc, khổ đau khi chị sinh cô con gái thứ hai. Trong lần mang thai và sinh cô con gái đầu, chị bị ám ảnh bởi cảm giác đau đớn khi vượt cạn, thế nên, ám ảnh đau đớn ấy bám lấy chị trong lần mang thai cô con gái tiếp theo. Bên cạnh đó, chị mắc phải bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản nên không thể làm tròn trách nhiệm của một người vợ mỗi khi ân ái với chồng. Thế nên, chị rất sợ phải gần gũi với chồng khiến chồng chị bực tức, thường ra tay đánh đập chị không thương tiếc, kèm theo những lời nhục mạ đầy cay đắng.

Cùng với việc bị chồng hành hạ, công việc bán hàng của chị cũng gặp bao khó khăn. Mỗi lần đi bán hàng (hoa quả rong-PV), chị gặp phải sự trêu trọc, đùa cợt thậm chí là thóa mạ của những khách mua hàng dành cho mình (chị có gương mặt khá xinh xắn). Thế nhưng, chẳng mấy chốc gương mặt xinh xắn của chị trở nên xanh xám, ủ rũ càng khiến mâu thuẫn gia đình trở nên đỉnh điểm. Số lần anh "động thủ, động khẩu" với chị tăng theo cấp số nhân. Đã vậy, anh còn ngang nhiên dẫn gái về nhà quan hệ khiến chị đau đớn, phẫn uất chỉ muốn tìm đến cái chết.

Mỗi lần như thế, chị chỉ dám lẳng lặng chạy về nhà bố mẹ khóc. Thương con, bố mẹ chị chỉ biết khuyên hai vợ chồng "đóng cửa bảo nhau", đừng làm lớn chuyện, cái gì cũng phải nghĩ tới hai đứa con đang cần cha mẹ chăm sóc. Chị cười buồn: "Tôi chỉ dám chạy đến nhà bố mẹ để than vãn chứ biết bấu víu vào ai. Mình không phải người ở đây thì ai bảo vệ mình. Thôi thì nhịn cho xong, nhịn để con cái có cha mẹ đầy đủ".

Cũng giống chị H, chị Dương (Hưng Yên), làm nghề gánh hàng thuê ở chợ đêm Long Biên chia sẻ: "Hai vợ chồng tôi ra đây làm ăn đã được hơn chục năm nay, nhưng mỗi lần chồng say xỉn, đánh đập, chửi bới, tôi chỉ biết nín nhịn cho xong. Càng chống, càng nhờ người thân càng bị đánh đập tàn nhẫn hơn mà thôi. Có lần bị đánh tím bầm mặt mũi đúng ngày phải về quê ăn giỗ tôi đành nói bị ốm để không phải về. Vậy mà hai hôm sau lên, chồng tôi cũng không tha, lại lôi tôi ra đánh đến thập tử nhất sinh phải vào viện mất gần một tuần".

Không chỉ bị "bạo hành kép", những người phụ nữ di cư còn gặp phải nhiều khó khăn về vấn đề việc làm, giáo dục, y tế, chính trị. Họ khó có thể tham gia vào các tổ chức chính trị, xã hội ở địa phương: Thanh niên, hội phụ nữ... và không được tham gia vào các cơ quan nhà nước hoặc làm công chức ở địa phương nơi tạm trú, hoặc khó khăn trong việc cấp sổ đỏ...

Phụ nữ di cư có điều kiện sống không an toàn

Theo số liệu thống kê từ cuộc điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009, có tới 6,7 triệu người di cư nội địa ở Việt Nam, chiếm 7,7% dân số cả nước. Trong đó, thực trạng bạo lực đối với một số lượng lớn dân di cư là phụ nữ đang diễn ra phổ biến. Họ không chỉ bị chèn ép trong các cơ hội việc làm mà còn bị lạm dụng tình dục. Bên cạnh đó, những người phụ nữ di cư phần nhiều có điều kiện sống vô cùng khó khăn, khổ sở: Phải đi thuê phòng trọ, sống gần những người không quen biết, sống ở những nơi thiếu an toàn, sống gần khu công nghiệp họ ở. Đặc biệt, họ thường khó tiếp cận được với các lợi ích an ninh xã hội...

Tạ Mây


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.