Chỉ vài ngày nữa, vào ngày 25/2, cử tri ở Nigeria sẽ đi bỏ phiếu để bầu Tổng thống mới và các nhà lập pháp cho đất nước.
Là nền kinh tế lớn nhất châu Phi và cũng là quốc gia đông dân nhất “lục địa đen”, Nigeria đang đối mặt với nhiều vấn đề, bao gồm tình trạng mất an ninh gia tăng, vấn nạn trộm cắp dầu mỏ và những khó khăn kinh tế do đại dịch Covid19 và xung đột Nga-Ukraine.
Ngoài ra, hơn 90 triệu cử tri Nigeria cũng mong đợi một kỳ bầu cử công bằng để tìm ra người sẽ lèo lái đất nước qua những khó khăn, bất định.
Bạo lực leo thang
Mặc dù Ủy ban bầu cử quốc gia độc lập (INEC) đã đảm bảo với người dân Nigeria rằng họ đã hoàn tất các khâu chuẩn bị cho một cuộc bầu cử đáng tin cậy, tự do và công bằng, nhưng tình trạng bạo lực leo thang trước thềm bầu cử đang gây lo ngại. Các cuộc tấn công vào văn phòng INEC, các đoàn vận động tranh cử của các ứng cử viên, và thậm chí các đồn cảnh sát địa phương vẫn tiếp diễn.
Gần đây nhất, 4 sĩ quan đã thiệt mạng trong một vụ tấn công nghi do phiến quân thực hiện vào đồn cảnh sát ở bang Anambra, miền Đông Nam Nigeria, hôm 20/2, trong khi các nhà chức trách vẫn đang truy tìm nghi phạm sát hại 4 sĩ quan cảnh sát khác trong 2 vụ tấn công riêng biệt trước đó, ông Tochukwu Ikenga, người phát ngôn cảnh sát địa phương, cho biết.
Phiến quân “đã tấn công đồn cảnh sát Awada ở Idemilli North… bằng cách sử dụng các thiết bị nổ tự chế và súng máy”, ông Ikenga cho biết khi nói về vụ việc hôm 20/2.
Cảnh sát cho rằng nhóm phiến quân Người bản địa Biafra (IPOB) ở Đông Nam Nigeria đã thực hiện các cuộc tấn công. Tuy nhiên, IPOB đã phủ nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công thường xuyên trong khu vực.
Bạo lực đã làm dấy lên lo ngại về khả năng của lực lượng an ninh Nigeria trong việc bảo vệ cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào ngày 25/2 tới.
Ông Festus Okoye, một quan chức của INEC, cho biết Ủy ban có thể không triển khai được một số điểm bỏ phiếu vì những lo ngại về an ninh.
“Các cơ quan an ninh đã hứa rằng họ có khả năng đảm bảo an toàn cho các cộng đồng để mọi người có thể bỏ phiếu. Nhưng đối với những người ở các khu vực vẫn còn xung đột, chúng tôi hoàn toàn không thể làm gì được”, ông Okoye cho biết.
Nigeria phải đối mặt với nhiều mối đe dọa an ninh, bao gồm các nhóm vũ trang riêng biệt chiến đấu vì những nguyên nhân khác nhau ở Đông Nam và Đông Bắc đất nước và các băng nhóm bắt cóc liên quan đến tội phạm ở Tây Bắc đất nước.
Bất chấp bạo lực đã dẫn đến thiệt hại về người và làm tê liệt các hoạt động kinh tế và xã hội ở một số bang, INEC tuyên bố rằng sẽ không có gì ngăn cản cuộc Tổng tuyển cử diễn ra theo kế hoạch và đây sẽ là cuộc bầu cử công bằng nhất trong lịch sử quốc gia.
Phát biểu tại một cuộc họp của gần đây của INEC tại Abuja, Chủ tịch INEC, Giáo sư Mahmood Yakubu, nói: “INEC không phải là một đảng phái chính trị. INEC không có ứng cử viên nào trong cuộc bầu cử. Mối quan tâm duy nhất của chúng tôi là trong các quy trình. Sự lựa chọn ai giữ chức vụ gì ở Nigeria là do người dân Nigeria quyết định”.
Trong một diễn biến khác, Đại sứ quán Mỹ tại Nigeria đã cảnh báo công dân của mình ở nước này về các cuộc biểu tình có thể xảy ra và các hạn chế đi lại vào ngày 25/2 và ngày 11/3, những ngày diễn ra các cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội cũng như các cuộc bầu cử Thống đốc và Hội đồng bang.
Họ cũng khuyên công dân Mỹ ở Nigeria nên tích trữ sẵn ít nhất 3 ngày thức ăn và nước uống ở nhà trong trường hợp hạn chế đi lại được kéo dài sau ngày bầu cử.
Khó khăn kinh tế
Là nền kinh tế lớn nhất châu Phi và nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu, Nigeria có tài nguyên và sự giàu có, nhưng tình trạng mất an ninh gia tăng từ các băng nhóm tội phạm, lũ lụt tấn công đất canh tác, đại dịch toàn cầu và tác động kinh tế từ cuộc xung đột Nga-Ukraine đã ảnh hưởng nặng nề đến quốc gia Tây Phi này.
Trước đây, Nigeria có thể dựa vào sản lượng dầu thô để bù đắp cho chi phí trợ cấp ngày càng tăng, nhưng thiệt hại do nạn trộm cắp dầu đã trở nên quá lớn đến mức sản lượng dầu của nước này đã giảm gần một nửa trong khoảng thời gian từ Q1/2020 đến tháng 9/2022.
Điều này khiến Nigeria LNG Ltd. - một liên doanh khí đốt tự nhiên giữa nhà nước và các công ty năng lượng lớn Shell Plc, TotalEnergies SE và Eni SpA - không thể thực hiện các đơn đặt hàng xuất khẩu trong thời kỳ nhu cầu ở châu Âu cao nhất.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Nigeria, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực dầu khí của Nigeria là 2,5 triệu USD trong nửa đầu năm ngoái so với 208 triệu USD trong năm 2014, mặc dù Tổng thống Muhammadu Buhari đã ký luật được chờ đợi từ lâu về thu hút đầu tư nước ngoài.
Giới hạn nhiệm kỳ ngăn cản Tổng thống Buhari của đảng cầm quyền APC tái tranh cử. Vì vậy, APC đã đề cử ông Asiwaju Bola Ahmed Tinubu, cựu Thống đốc Lagos, bang đông dân nhất của đất nước, làm ứng cử viên của họ.
Cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 25/2 tới đã phát triển thành một cuộc chạy đua “tam mã” gay gắt cho vị trí Tổng thống Nigeria, trong đó ông Tinubu phải cạnh tranh với cựu Phó Tổng thống Atiku Abubakar của đảng đối lập chính là Đảng Dân chủ Nhân dân, và ông Peter Obi của Đảng Lao động - ứng cử viên Tổng thống đầu tiên trong lịch sử Nigeria ra tranh cử mà không có sự ủng hộ của một trong hai đảng chính trị chính, nhưng đã có sức hấp dẫn cao bất ngờ đối với giới trẻ Nigeria.
Mặc dù nền kinh tế Nigeria đã phục hồi sau đại dịch Covid-19, tăng 3% vào năm 2022, nhưng các nhà phê bình cho rằng sự phục hồi không đủ để cải thiện điều kiện cho hầu hết người dân Nigeria. Tỉ lệ thất nghiệp của Nigeria là khoảng 33%, trong khi số người Nigeria sống trong cảnh nghèo đói đã tăng lên 133 triệu người, tương đương 63% dân số, vào năm 2022, theo Cục Thống kê Quốc gia Nigeria.
Đồng tiền Naira cũng đã giảm từ mức trung bình 200 Naira đổi 1 USD vào năm 2015 xuống còn khoảng 750:1 trên thị trường song song.
Minh Đức (Theo Al Jazeera, Anadolu Agency)