Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói quân đội của ông đã hành động tự vệ chống lại các nhà cai trị Hồi giáo của Gaza, nhóm Hamas, những người mà ông nói muốn hủy diệt Israel.
Chính quyền Palestine gọi đây là một vụ thảm sát, trong khi Liên Hợp Quốc gọi đây là "các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng". Bạo lực xảy ra trong bối cảnh Mỹ vừa mở trụ sở Đại sứ quán ở Jerusalem, gây ra những ý kiến trái chiều.
Việc chuyển trụ sở Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem đã làm phẫn nộ người dân Palestine, những người tuyên bố miền Đông Jerusalem là Thủ đô của một Nhà nước Palestine trong tương lai. Họ cho rằng động thái của Washington là một sự ủng hộ dành cho Israel.
Điều gì đã xảy ra ở biên giới Gaza?
Người Palestine đã biểu tình vào hôm 14/5 giống như những gì họ đã làm suốt sáu tuần qua. Các cuộc biểu tình được tổ chức bởi Hamas và được gọi là "Đại lễ trở lại".
Tuy nhiên, các cuộc biểu tình hôm thứ Hai - và được lên kế hoạch cho thứ Ba – bắt đầu lên tới đỉnh điểm, khi trùng với kỷ niệm ngày thành lập của Israel vào năm 1948 và hay còn được người Palestine gọi là Nakba hoặc “Ngày Thảm họa”, vì hàng trăm ngàn người đã phải di tản đi nơi khác khi cuộc chiến diễn ra không lâu sau đó.
Israel cho biết, khoảng 40.000 người Palestine đã tham gia vào "cuộc bạo động bạo lực" tại 13 địa điểm dọc theo hàng rào an ninh Dải Gaza. Người Palestine ném đá và các thiết bị gây cháy, trong khi quân đội Israel sử dụng hơi cay từ những tay súng bắn tỉa.
Ông Netanyahu bảo vệ quân đội của mình và nói: "Mọi quốc gia đều có nghĩa vụ bảo vệ biên giới của mình”.
"Tổ chức khủng bố Hamas tuyên bố ý định hủy diệt Israel và gửi hàng ngàn người vi phạm hàng rào biên giới để đạt được mục tiêu này. Chúng tôi sẽ tiếp tục hành động với quyết tâm bảo vệ chủ quyền và công dân của chúng tôi".
Một phát ngôn viên của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết binh lính đã bắn vào những người tham gia vào "hoạt động khủng bố và không phải nhằm vào những người biểu tình ".
Công bố ba ngày quốc tang, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas nói: "Hôm nay một lần nữa, các vụ thảm sát chống lại nhân dân chúng ta lại tiếp tục".
Phản ứng từ quốc tế
Đã có một luồng phản ứng xung đột dữ dội từ quốc tế sau cuộc đụng độ bạo lực hôm 14/5 tại Gaza. Phát ngôn viên Nhà Trắng Raj Shah nói: "Trách nhiệm đối với những cái chết bi thảm này là của Hamas ... Hamas cố tình kích động phản ứng này."
Kuwait đã soạn thảo một tuyên bố của Hội đồng Bảo an LHQ kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về bạo lực, tuy nhiên Mỹ đã phản đối động thái này.
Giám đốc đối ngoại của EU, Federica Mogherini và Anh kêu gọi các bên kiềm chế, trong khi Đức cho biết Israel có quyền tự bảo vệ nhưng phải làm như vậy một cách hợp lý. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên án “hành vi bạo lực” của quân đội Israel chống lại những người biểu tình.
Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Mỹ cũng phải chịu trách nhiệm với Israel về "vụ thảm sát tàn khốc" và đã triệu hồi các Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ từ Mỹ và Israel để phản ứng trước vụ việc.
Nam Phi cũng đã triệu hồi đại sứ của mình tại Israel, lên án "sự bừa bãi và nghiêm trọng của cuộc tấn công mới nhất của Israel".
Lý giải nguyên nhân vụ bạo lực
Đã có một số cuộc đụng độ giữa cảnh sát Israel và những người biểu tình giương cờ Palestine ở bên ngoài đại sứ quán mới ở Jerusalem và một số người biểu tình đã bị bắt giữ.
Hamas đã nói rằng các cuộc biểu tình biên giới đang được đẩy mạnh vào hai ngày 14 và 15/5, nhưng phản ứng của ông Abbas đối với việc di chuyển Đại sứ quán Mỹ cho thấy sự giận dữ của người Palestine.