Tận dụng tiềm năng công nghệ
Ngày 25/3, tại Hội thảo “Hoạt động ngân hàng bán lẻ “bình thường mới" - Thích ứng, nhanh gọn, hiệu quả, tận dụng lợi thế số", bà Nguyễn Minh Nguyên Thành, Giám đốc kinh doanh khu vực Đông Nam Á, akaBot - FPT Software, đơn vị đã thực hiện dịch vụ cho rất nhiều đối tác ngân hàng cho biết, năm 2021 là một năm đầy khó khăn và thử thách với ngành tài chính ngân hàng do ảnh hưởng của làn sóng đại dịch COVID lần thứ 4. Tuy nhiên, các ngân hàng đã luôn nỗ lực chuyển đổi, biến nguy thành cơ nhờ công nghệ số.
Bà chia sẻ, hiện tại ngân hàng Vietcombank đang rất chú trọng vào ngân hàng bán lẻ, đây được coi là một trong ba trụ cột kinh doanh của Vietcombank, góp phần hướng tới mục tiêu trở thành ngân hàng số 1 Việt Nam năm 2025
Ngân hàng VIB, từ 2016 tới nay lợi nhuận từ ngân hàng bán lẻ đã tăng lên gấp 30 lần, đóng góp vào doanh thu tới 60% nhờ lợi thế công nghệ.
Trường hợp khác, ngân hàng TPBank hiện đang là top 1 trong 5 ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam và top 70 khu vực Châu Á, từ đó TPBank cũng đang triển khai đầu tư mạnh hơn nữa mảng công nghệ để hướng tới tương lai là “Ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam”.
Sở dĩ có sự thành công như vậy, bởi các ngân hàng đều hướng tới các trụ cột trải nghiệm số, ứng dụng hiện đại hóa trong dịch vụ ngân hàng. Từ đó, bà Thành đưa ra ví dụ về mô hình hoạt động bán lẻ tiềm năng của ngân hàng trong tương lai, điều đó thể hiện được sự chuyển dịch những hoạt động truyền thống.
Cụ thể, nhiều thao tác của nhân viên chuyển sang mô hình đa kênh, qua nền tảng số, thậm chí chạy bằng trí tuệ nhân tạo hoặc robot như ở một số ngân hàng đã thử nghiệm triển khai.
Theo đó, về cơ bản, các ngân hàng cần xác định xu hướng xây dựng mô hình kinh doanh lấy khách hàng làm trung tâm, chú trọng trải nghiệm khách hàng; phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, các kênh phân phối mới đa tiện ích như mobile banking, internet banking, QR code, sử dụng công nghệ eKYC… giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận, dễ sử dụng ở mọi nơi, mọi lúc, hạn chế tiếp xúc.
Vẫn còn đe doạ về bảo mật
Theo ông Lê Hữu Tấn Tài, Phó Tổng giám đốc Công ty KMS Solutions, các ngân hàng Việt Nam đang trên đà đẩy mạnh chuyển đổi số để tăng lợi thế cạnh tranh so với các tổ chức tài chính và công ty fintech, bắt đầu từ những đổi mới cốt lõi về mặt công nghệ giúp tiếp cận và phục vụ khách hàng tốt hơn.
Những đổi mới này bắt nguồn từ chính sự dịch chuyển của khách hàng trong hành vi tiêu dùng. Nếu trước đây khi mua xe bạn phải cần rất nhiều giấy tờ, đi rút tiền, trải qua nhiều phòng ban mới có thể cầm được một khoản tiền lớn, nhưng bây giờ xu hướng khách hàng là tất cả chỉ cần ngồi tại nhà, bằng môt vào thao tác trên điện thoại và hoàn tất giao dịch.
Tuy nhiên, đi cùng với các cơ hội phát triển, các doanh nghiệp này cũng phải đối diện với những thách thức trong hệ thống công nghệ thông tin, bảo mật và trải nghiệm người dùng.
Ông Tài cho biết thêm, hiện tại, mã OTP gửi về điẹn thoại như một loại bảo mật hai lớp, nhưng cũng không phải vấn đề với những hacker chuyên nghiệp. Ông giải thích, dữ liệu có thể bị đánh cắp bởi những lí do đơn giản như: thay đổi SIM, thao tác sao lưu từ thiết bị này sang thiết bị khác, quản lý nhiều tài khoản trực tuyến khác nhau…
"Điều ta vẫn nghĩ an toàn, thực chất lại chưa phải tối ưu nhất", ông Tài nhận định.
Theo đó, các ngân hàng hiện nay không chỉ chuyển hướng sang ứng dụng các nền tảng ngân hàng hiện đại với cấu trúc microservices (kỹ thuật phần mềm mà trong đó các dịch vụ được xử lý tốt và các giao thức rất nhẹ) và API (giao diện lập trình ứng dụng), giúp cho ra mắt những sản phẩm công nghệ mới nhanh hơn thay vì tốn nhiều tháng để phát triển mới, mà còn đầu tư vào các giải pháp bảo mật và gia tăng sự tin tưởng của khách hàng trên môi trường số.
Song, tất cả vẫn cần xây dựng mô hình dựa trên điều khách hàng muốn, khách hàng cần.